Quốc gia nào đang sở hữu quân đội khốn khổ nhất thế giới và Vì sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quốc gia này dành tới 1/4 GDP cho quân đội, tỷ lệ cao nhất so bất kỳ nước nào trên thế giới. Tuy vậy, binh sĩ tại quốc gia này lại hom hem, gầy yếu đến mức bị gọi là “đội quân ăn xin” vì không có đủ lương thực. Trong khi ấy, vị “Tổng Tư lệnh” của họ lại béo tốt và sống xa xỉ, thậm chí sẵn sàng xử tử bất kỳ ai trái ý.

Hơn hai năm trời coronavirus càn quét mọi chướng ngại trên con đường lây lan của nó, từ siêu cường cho đến tiểu quốc, nhưng nó dường như có phần “kiêng dè” quốc gia được cho là bí ẩn nhất thế giới này.

Ảo tưởng hay Vỡ mộng?

Tối 16/2 vừa qua, pháo hoa sáng rực trên bầu trời thành phố Samjiyon, tỉnh Ryanggang của Triều Tiên nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong-il. Trước đó một ngày, giữa trời tuyết lạnh giá, Chủ tịch Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao đã đặt hoa ở trước tượng người cha quá cố của ông.

Sau hơn một thập kỷ nắm quyền, Kim Jong-un đã vươn lên trở thành ngôi sao sáng ở Triều Tiên với quyền lực tuyệt đối, vượt khỏi cái bóng của người cha và ông nội.

Vậy sau hơn 10 năm “cai trị” đất nước, Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un có gì thay đổi? Một chàng trai trẻ theo tục cha truyền con nối “lên ngôi” năm mới 27 tuổi, người từng đi du học ở trời Tây, thích trượt tuyết và chơi bóng rổ và được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới cho đất nước sau hơn 70 năm khép kín với thế giới bên ngoài?

Nhưng mộng tưởng vỡ tan khi câu chuyện một sinh viên tên là Kim Geum-hyok đã vô ý tổ chức một bữa tiệc, và suýt bị lôi ra xử bắn chỉ vì hôm đó đúng vào ngày tưởng niệm cha của Kim Jong-un qua đời.

Có thể nói, 25 triệu người Bắc Triều Tiên đã bị kiểm soát chặt chẽ từ tư tưởng lẫn hành vi và họ hầu như không hề biết các diễn biến xảy ra trên thế giới. Họ cũng được dạy rằng lãnh tụ là một “đấng toàn năng” mà họ buộc phải trung thành tuyệt đối.

10 năm lãnh đạo của ông Kim được ghi dấu ấn bằng việc thanh trừng các đối thủ với hàng trăm vụ xử tử, 4 vụ thử hạt nhân, 100 tên lửa đạn đạo được bắn thử và các cuộc đàm phán với tổng thống Mỹ. Nhưng quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân của ông Kim cũng có giá của nó. Triều Tiên giờ đang chìm trong khủng hoảng, đói nghèo và cô lập hơn khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

10 năm lãnh đạo của ông Kim được ghi dấu ấn bằng việc thanh trừng các đối thủ với hàng trăm vụ xử tử, 4 vụ thử hạt nhân, 100 tên lửa đạn đạo được bắn thử và các cuộc đàm phán với tổng thống Mỹ.
10 năm lãnh đạo của ông Kim được ghi dấu ấn bằng việc thanh trừng các đối thủ với hàng trăm vụ xử tử, 4 vụ thử hạt nhân, 100 tên lửa đạn đạo được bắn thử và các cuộc đàm phán với tổng thống Mỹ. (Getty Images)

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với năng lực lãnh đạo của chủ tịch Kim Jong-un, khi ông quyết định đóng cửa biên giới gần hai năm qua, khiến giao thương với Trung Quốc suy giảm mạnh. Năm 2021, Kim Jong-un nhiều lần cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực, thừa nhận Triều Tiên đang trải qua nhiều khó khăn và kêu gọi người dân chuẩn bị cho "tình huống tồi tệ chưa từng có".

Dù vậy, giới lãnh đạo cấp cao Triều Tiên dường như vẫn tin rằng họ có đủ khả năng vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến hành các vụ thử vũ khí.

Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Ewha ở Hàn Quốc nhận định: "Triều Tiên gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng kho vũ khí hạt nhân cho phép họ gây ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc. Đó có thể coi là thành công của Bình Nhưỡng sau 10 năm Kim Jong-un nắm quyền".

Có lẽ vậy. Hẳn nhiên dưới chế độ độc tài cộng sản Triều Tiên, việc tập trung phát triển vũ khí hạt nhân - lá chắn duy trì quyền lực cho gia tộc họ Kim - còn quan trọng hơn cuộc sống của bách gia trăm họ. Cho nên nghịch lý là: Dù là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đời sống người dân lại nghèo nàn, thiếu thốn thực phẩm trầm trọng.

Có lẽ vì thế mà dù dốc toàn bộ nguồn lực kinh tế cho quân đội, Triều Tiên vẫn được cho là đang sở hữu đội quân khốn khổ nhất thế giới.

Quân đội thiếu thốn đến mức phải đi cướp của dân

Khi nạn đói ở Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng, để ngăn chặn người dân chạy trốn sang Trung Quốc, chủ tịch Kim Jong-un đã lấy việc "phòng chống dịch COVID-19" như một cái cớ để đưa quân đội đến xây tường ngăn cách giữa biên giới Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng trớ trêu thay chính quyền họ Kim lại phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng hơn là binh lính đang tìm mọi cách đào tẩu.

Ngày 27/8/2021, tờ Daily NK trích dẫn tin rằng, chính quyền Triều Tiên đã siết chặt an ninh gấp hai, gấp ba lần để phong tỏa và triển khai quân đoàn 7 tới biên giới.

Theo ghi nhận, thực phẩm đã trở nên khan hiếm khiến tình trạng suy dinh dưỡng của binh lính Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng, và họ đã lợi dụng thời gian xây dựng gần biên giới để đào tẩu. Do đó, các sĩ quan thuộc Quân đoàn 7 và quân đoàn 10 cũng được huy động đến để giám sát binh lính.

Theo ghi nhận, thực phẩm đã trở nên khan hiếm hơn năm ngoái, khiến tình trạng suy dinh dưỡng của binh lính Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng. (Getty Images)
Theo ghi nhận, thực phẩm đã trở nên khan hiếm hơn năm ngoái, khiến tình trạng suy dinh dưỡng của binh lính Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng. (Getty Images)

Tuy nhiên, ngay cả những sĩ quan cấp cao trông cũng giống như bị suy dinh dưỡng. Người dân địa phương cho biết "họ chưa từng thấy một đội quân nào trông bi thảm đến như vậy".

Vào năm 2018, tờ Daily NK từng đưa tin rằng, người dân ở thành phố Huệ Sơn (Huishan) đã phải tìm chỗ trú ẩn khi nhìn thấy các binh sĩ Quân đoàn 12 kéo tới. Do kinh tế khủng hoảng bởi lệnh cấm vận, ngân khố trống rỗng, quân đội Bắc Triều Tiên thiếu thốn đủ mọi thứ đã khiến binh lính của Quân đoàn 12 trông giống như một đội quân ăn cướp.

Tờ này cho biết: "Những người lính này đi theo từng nhóm cướp bóc khắp nơi. Nếu người dân phản đối họ sẽ nổ súng”.

Những binh sĩ này chân trần, không có giày nên phải đi ăn cướp giày da ở cơ sở kinh doanh của người dân. Các nguồn tin cho biết, những người lính này phạm tội chủ yếu là do hoàn cảnh quá khắc nghiệt, và để sống sót, họ không còn cách nào khác phải đi trộm cướp của dân.

Đội quân khốn khổ suy dinh dưỡng nhất thế giới

Viện Phát triển Hàn Quốc từng chỉ ra rằng, Triều Tiên hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực, và người dân đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thiếu thực phẩm tồi tệ nhất.

Nền kinh tế Triều Tiên vốn bị vùi dập bởi các lệnh trừng phạt, phần lớn dựa vào nguồn thu nhập từ du lịch và buôn lậu, nhưng nay đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ do lệnh phong tỏa biên giới nhằm kiểm soát đại dịch COVID.

Lim Soo-ho, chuyên gia phân tích của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, đại dịch cũng cản trở mục tiêu xuất khẩu lao động của nước này và chính quyền Kim Jong-un đã mất nguồn ngoại tệ đáng kể.

Triều Tiên từ lâu bị chỉ trích vì đã dành phần lớn ngân sách cho việc phát triển vũ khí, trong khi không cung cấp đủ lương thực cho người dân của mình.

Triều Tiên từ lâu bị chỉ trích vì đã dành phần lớn ngân sách cho việc phát triển vũ khí, trong khi không cung cấp đủ lương thực cho người dân của mình.
Triều Tiên từ lâu bị chỉ trích vì đã dành phần lớn ngân sách cho việc phát triển vũ khí, trong khi không cung cấp đủ lương thực cho người dân của mình. (Getty Images)

Từ năm 2004-2014, chính quyền họ nhà Kim đã dành 1/4 tổng sản phẩm quốc nội cho quân đội, một tỷ lệ phần trăm cao nhất so với GDP của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Đổi lại, cứ 2 trong số 5 người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và 2/3 số dân phải sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng, khoảng 70% trong gần 25 triệu người Triều Tiên không được cung cấp lượng thực phẩm đủ dinh dưỡng. Dù đã dành hẳn một phần lớn ngân sách cho quân đội, nhưng Bắc Triều Tiên được cho là vẫn không thể “đủ nuôi” binh lính của mình.

Trong khi kênh truyền hình Triều Tiên luôn phát các bản tin hừng hực khí thế chống ngoại xâm, thì Jiro Ishimaru, một nhà sản xuất phim tài liệu người Nhật tiết lộ nhiều binh sĩ Triều Tiên đang trong tình trạng “thể chất tồi tệ và không ở trong trạng thái sức khỏe phù hợp để chiến đấu”.

Quốc gia này sở hữu tới 1,2 triệu quân và là lực lượng binh sĩ “hùng hậu” nhất thế giới (tính theo số dân). Jiro Ishimaru cho biết, ông đã chứng kiến điều kiện sinh hoạt “thấp kém” của binh sĩ Triều Tiên khi tận mắt thấy họ gầy gò ốm yếu đang ngồi giặt đồng phục ở sông Yalu.

Jiro Ishimaru, một nhà sản xuất phim tài liệu người Nhật tiết lộ nhiều binh sĩ Triều Tiên đang trong tình trạng “thể chất tồi tệ và không ở trong trạng thái sức khỏe phù hợp để chiến đấu”. (Getty Images)
Jiro Ishimaru, một nhà sản xuất phim tài liệu người Nhật tiết lộ nhiều binh sĩ Triều Tiên đang trong tình trạng “thể chất tồi tệ và không ở trong trạng thái sức khỏe phù hợp để chiến đấu”. (Getty Images)

Tham nhũng không chỉ có ở các nước độc tài, mà còn cả ở các quốc gia dân chủ. Nhưng ở Triều Tiên, tham nhũng có một “vị thế” đặc biệt, nó công khai và tràn lan trong giới “tinh hoa”. Tầng lớp này được hưởng các “đặc ân” của nhà họ Kim và được tiếp cận trực tiếp nguồn hàng viện trợ của thế giới.

Các sĩ quan cấp cao thường bớt xén “khẩu phần” trong quân đội - vốn được trang bị và phân phát cho binh sĩ - để tuồn ra các thị trường “đen” bán kiếm lời.

Trái ngược với đội quân hom hem là hình ảnh đẫy đà của vị lãnh tụ Kim Jong- un, người được cho là rất ưa lối sống xa hoa như thích trượt tuyết, xem phim Hollywood, hút thuốc lá xịn, uống rượu Tây, chuộng vi cá mập, thịt lợn Đan Mạch, trứng cá muối Iran, phomai Thụy Sĩ, sushi, thịt bò Kobe Nhật Bản...

Lãnh đạo béo phì đến mức thừa cân

Khi lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trước ống kính truyền hình trong cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên vào ngày 15/6/2021, các nhà quan sát đã nhận thấy ông gầy đi rất nhiều so với trước đây.

Bình thường thì một người đang béo phì mà gầy đi thì có thể đó là một dấu hiệu tốt, cho thấy người đó đã theo một chế độ ăn uống lành mạnh hơn và vận động thể lực nhiều hơn.

Nhưng đối với một người nổi tiếng là thích ăn đồ béo, nhất là pho mát nhập từ Pháp, khoái uống rượu cognac và hút thuốc liên tục như ông Kim Jong-un, thì mọi thay đổi về sắc diện cũng có thể là dấu hiệu đáng ngại đối với một người chưa tới 40 tuổi.

Trong khi dân và quân đói ăn đến mức suy dinh dưỡng, thì việc nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên béo hay gầy cũng gây khá nhiều đồn đoán. Tuy nhiên có một điều khẳng định, là dù Triều Tiên là một quốc gia nghèo nàn và bị cấm vận, thì quan chức vẫn sống cực kỳ sung túc.

Ông Kim Jong-un gầy đi nhiều so với trước. (Getty Images)
Ông Kim Jong-un gầy đi nhiều so với trước. (Getty Images)

Năm 2020, Business InsiderInquisitr đưa tin rằng, Kim Jong-un có một lượng lớn tài khoản nước ngoài ở Trung Quốc, Thụy Sĩ, Úc, Nga, Singapore và Luxembourg, ước tính lên đến 5 tỷ USD. Ngoài ra, Kim cũng sở hữu ít nhất 20 dinh thự rải rác khắp Triều Tiên.

Ngoài ra, Kim Jong-un còn chi hàng trăm triệu đô la mỗi năm để nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ. Ông còn sở hữu ít nhất 1 phi cơ riêng, 1 du thuyền sang trọng và hơn 100 chiếc xe hơi thể thao hạng sang.

Vào ngày 21/10/2018, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc đưa tin rằng, từ năm 2012 đến 2017, các quan chức Triều Tiên đã chi tổng cộng khoảng 3,36 tỷ USD, trong đó:

  • Đứng đầu là thiết bị điện tử chiếm 49% với tổng chi là 2,01198 tỷ USD
  • Thứ 2 là ô tô, chiếm 34%, với số tiền là 1,39025 tỷ USD;
  • Thứ 3 là rượu, trị giá 165,45 triệu USD.
  • Ngoài ra, chính phủ Triều Tiên cũng mua một lượng lớn hàng hóa xa xỉ như nước hoa, đồng hồ, mỹ phẩm, các sản phẩm từ lông thú, nhạc cụ, kim loại quý, v.v.

Có thể nói, cuộc sống xa hoa của Kim Jong-un và một bộ phận quan chức trong chính quyền của ông hoàn toàn trái ngược với cuộc sống nghèo khổ của người dân Triều Tiên. Nhưng nếu bất cứ ai dám lên tiếng tố cáo, thì điều gì sẽ chờ đợi họ?

Xử tử bất cứ ai có ý định chống đối

Nhà sản xuất phim tài liệu Jiro Ishimaru từng nói rằng: "Ở một đất nước bình thường, nếu tình trạng thiếu lương thực diễn ra liên miên thì dân chúng sẽ nổi loạn, nhưng ở Bắc Triều Tiên thì không".

Đơn giản, chế độ độc tài của Kim Jong-un sẵn sàng xử tử bất kỳ ai chỉ mới manh nha ý định chống đối, bằng đủ các “phương tiện” giết người, từ súng trường, súng cối, cho đến cả… súng phòng không.

“Tội đồ” thuộc mọi thành phần xã hội, từ dân thường khốn khó cho đến thành phần ưu tú cốt lõi của quốc gia, thậm chí cả thân bằng quyến thuộc trong dòng tộc họ Kim cũng không có đường thoát.

Với kinh nghiệm “quản lý” của một chế độ độc tài khép kín và thường xuyên bị cô lập, Bình Nhưỡng huy động cả lực lượng an ninh và quân đội để theo dõi dân chúng, và khi cần có thể dễ dàng “xử lý” bất cứ thành phần “quá khích” nào.

Đương nhiên, với bàn tay sắt cai trị nhuốm máu, dân chúng Triều Tiên không có cách nào khác buộc phải “ngoan ngoãn” phục tùng triều đại nhà Kim.

Cuộc sống khốn khó của người dân Triều Tiên khác xa với lối sống xa hoa của giới tinh hoa nước này. Mọi ý đồ phản kháng đều bị kìm hãm và bóp nát từ trứng nước.
Cuộc sống khốn khó của người dân Triều Tiên khác xa với lối sống xa hoa của giới tinh hoa nước này. Mọi ý đồ phản kháng đều bị kìm hãm và bóp nát từ trứng nước. (Getty Images)

Để đối phó đại dịch COVID, chế độ độc tài của Kim Jong-un tiếp tục sử dụng “nắm đấm sắt”, áp đặt luật quân sự hà khắc để kiểm dịch “vô điều kiện” theo tiêu chuẩn của Bắc Triều Tiên.

Cho đến nay, Triều Tiên là quốc gia chưa chính thức xác nhận bất cứ ca mắc COVID-19 nào, dù đã áp đặt các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt bao gồm đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước.

Theo nhật báo Dong-a Ilbo (Hàn Quốc), một quan chức chính phủ thuộc diện bị cách ly dịch bệnh, đã bị bắn chết ngay lập tức vì đã tự tiện tới một nhà tắm công cộng mà không được phép của chính quyền.

Một quan chức khác được cho là đã bị đày đến một trang trại xa xôi hẻo lánh sau khi cố gắng che giấu hành trình của ông ta tới đất nước có dịch bệnh. Quan chức này được cho là thành viên của Bộ An ninh Quốc gia Bắc Triều Tiên.

Tháng 5/2021, tờ Daily NK đưa tin một quan chức cấp cao đã bị Kim Jong-un hành quyết công khai trước khoảng 3.000 người vì bị cáo buộc có hành vi tham nhũng.

Ảo tưởng lãng mạn về thể chế đầy dối trá

Năm 2022 này, Chủ tịch Kim Jong-un chọn địa điểm kỷ niệm ngày sinh cho người cha không phải ở Bình Nhưỡng mà là ở một thành phố xa xôi, cách thủ đô 630 km. Đó không hề ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích khi Ông Kim Jong-un đã đích thân tới thăm thành phố Samjiyon nhiều lần và gọi nơi đây là "hình mẫu của nền văn minh hiện đại".

Bất chấp kinh tế trì trệ, trong những năm qua Bắc Triều Tiên đã xây dựng nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đẳng cấp thế giới, các trung tâm thương mại hoành tráng và những con đường rộng thênh thang giống hệt phương Tây.

Mục đích để làm gì? Đáp ứng nhu cầu của người dân? Chưa chắc, khi khoảng 24 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ, ăn còn chả đủ nói gì đến hưởng thụ xa hoa.

Để phục vụ các quan chức? Có lẽ chỉ đúng một phần. Hay để đánh bóng phục vụ tuyên truyền ra thế giới?

Ông Kim Jong Un đã đích thân tới thăm thành phố Samjiyon nhiều lần và gọi nơi đây là "hình mẫu của nền văn minh hiện đại".
Ông Kim Jong-un đã đích thân tới thăm thành phố Samjiyon nhiều lần và gọi nơi đây là "hình mẫu của nền văn minh hiện đại". (Getty Images)

Dưới chế độ độc tài, Triều Tiên bị khép kín với thế giới bên ngoài, và càng trở nên bí ẩn bao nhiêu, nó càng được nhiều người khao khát khám phá bấy nhiêu, đặc biệt đối với những ai chưa từng sinh sống ở quốc gia cộng sản Liên Xô, Trung Quốc trước kia, chưa từng chịu sự khốn khổ ở đó.

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, rất nhiều phóng viên, chính trị gia, chính khách, những người trẻ ở phương Tây đã sang Liên Xô, Trung Quốc hoặc Cuba tham quan, du lịch. Tình huống mà họ nhìn thấy và cuộc sống thực tế của dân chúng ở các nước đó khác nhau một trời một vực.

Tất cả các quốc gia độc tài này đã đẩy mức độ lừa dối trong tuyên truyền ngoại giao lên đến cực độ. Những gì người tham quan nhìn thấy là đã được cố ý nhào nặn để cho họ nhìn thấy như thế, từ thôn làng, nhà máy, trường học, bệnh viện, vườn trẻ, nhà tù đều có "kiểu mẫu". Tất cả những người tiếp đón đều là đảng viên hoặc là người được xem là “tin tưởng về mặt chính trị“ sắp đặt trước.

Các cuộc tham quan đều đã được diễn tập thuần thục. Đón tiếp người đến tham quan là một cuộc sống sung túc, thanh bình với hoa tươi, rượu ngon, ca múa, yến tiệc, trẻ em ngây thơ trong sáng, quan chức tươi cười niềm nở. Những gì họ nhìn thấy là cảnh tượng con người lao động hăng say, học sinh cầu kiến thức, người trí thức được cởi mở, tự do...

Ngày nay dù Triều Tiên mở cửa hơn một chút, nhưng vẫn nằm trong sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền nước này. Trong các bức ảnh do truyền thông Triều Tiên cung cấp hoặc do phía Triều Tiên chủ động cho phóng viên nước ngoài chụp, người ta luôn thấy các em bé hồng hào, bụ bẫm, được ăn mặc đẹp, được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại, được học nhạc, học múa...

Thế nhưng những bức ảnh mà báo chí phương Tây có được theo những cách không chính thống lại cho thấy khung cảnh hoàn toàn trái ngược... Trong đó là những đứa trẻ xanh xao, rách rưới, với đôi mắt đờ đẫn vì đói ăn.

Những bức ảnh mà báo chí phương Tây có được theo những cách không chính thống lại cho thấy khung cảnh hoàn toàn trái ngược... Trong đó là những đứa trẻ xanh xao, rách rưới, nhìn thế giới bằng đôi mắt đờ đẫn vì đói ăn.
Những bức ảnh mà báo chí phương Tây có được theo những cách không chính thống lại cho thấy khung cảnh hoàn toàn trái ngược... Trong đó là những đứa trẻ xanh xao, rách rưới, nhìn thế giới bằng đôi mắt đờ đẫn vì đói ăn. (Getty Images)

Kinh khủng hơn, rất nhiều người tham quan du lịch tới Bắc Triều Tiên đã không nhìn thấy những phiên tòa xử qua loa, kết án hàng loạt, thảm sát, đấu tố, bắt cóc, tẩy não, biệt giam, trại lao động cải tạo kiểu Gulag, thảm sát, cướp đất đai, nhà cửa và tài sản, nạn đói, thiếu thốn nghiêm trọng dịch vụ công cộng, không có quyền riêng tư, công dân bị nghe trộm, bị hàng xóm giám sát, tình báo khắp nơi; tranh giành quyền lực tàn khốc trong giới lãnh đạo, sự hoang phí vô độ của giới thượng lưu trong khi người dân chịu đựng thống khổ.

Tờ Daily NK từng ghi lại câu chuyện của Ahn Myong Chol, một cựu quản giáo, từng làm việc tại 4 trại cải tạo khác nhau ở Triều Tiên. Trước khi đào thoát sang Hàn Quốc, từ năm 1987 đến 1994, Ahn đã chứng kiến nhiều cảnh tra tấn, ngược đãi tù nhân tàn khốc. Ahn Myong Chol kể lý do nhiều tù nhân bị chôn sống thay vì bị bắn trong trại cải tạo là: “Nếu đánh hoặc giết tù nhân, quần áo của cai tù sẽ bị máu vấy bẩn. Mà đằng nào cũng phải chôn nên chôn sống luôn để quần áo cai tù không bị máu bắn vào”. Lý do các tù nhân này bị chôn sống đều là những người bị cáo buộc ngược đãi gia súc.

Người dân trong nước phải chịu những cái chết bi thảm như vậy không còn là chuyện bí mật nữa, mà ngay cả những người nước ngoài đến Triều Tiên dám vượt qua "lằn ranh đỏ" cũng phải trả giá.

Điển hình là vụ chàng trai trẻ người Mỹ Otto Warmbier du lịch tới Bắc Tiền Tiên vào tháng 12/2015. Warmbier bị chính quyền Triều Tiên kết án 15 năm tù với cáo buộc ăn cắp một tấm biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn nơi anh cư trú ở Bình Nhưỡng. Sau nhiều lần thương thuyết, tháng 6/2017, Warmbie được Triều Tiên trao trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê vì tổn thương não. 6 ngày sau, Otto Warmbier qua đời ở tuổi 22.

Là “người em” và học hỏi theo mô hình của ĐCSTQ ngay từ thuở “bình minh”, Triều Tiên cũng rập khuôn khẩu hiệu xây dựng “thiên đường nhân gian” hoàn hảo, đẹp đẽ, nơi mà ai ai cũng được tự do, bình đẳng, không có áp bức, không có bóc lột, mỗi người đều có thể tự do phát triển… Nhưng tất cả chỉ là tuyên truyền dối trá để lừa gạt những ai vẫn còn ảo tưởng "lãng mạn" và ủng hộ xã hội kiểu “trong mơ” này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của ntdvn.net

Xuân Trường

Tham khảo:
[1] - https://www.bbc.com/news/world-asia-60019990
[2] - https://www.dailynk.com/english/north-korean-military-food-supplies-include-more-meat-and-vegetables/
[3] - http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20171012000968
[4] - https://www.latimes.com/archives/la-xpm-2009-sep-25-fg-korea-reporters25-story.html
[5] - https://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/northkorea/10377154/North-Koreas-Kim-Jong-un-splurges-on-luxury-goods-in-bid-to-strengthen-rule.html
[6] - https://www.nytimes.com/2017/10/16/fashion/decoding-dress-in-north-korea.html
[7] - https://www.reuters.com/article/us-northkorea-nuclear-china/north-korea-bought-at-least-640-million-in-luxury-goods-from-china-in-2017-south-korea-lawmaker-says-idUSKCN1MW15M
[8] - https://thediplomat.com/2013/06/kim-jong-uns-7-million-yacht-living-it-up-under-un-sanctions/
[9] - https://www.dailynk.com/english/former-guard-recounts-the-total-ho/
[10] - https://edition.cnn.com/interactive/2017/09/asia/north-korea-secret-state/
[11] - https://www.bbc.com/news/world-asia-47301318
[12] - https://www.secretchina.com/news/gb/2021/08/30/982295.html



BÀI CHỌN LỌC

Quốc gia nào đang sở hữu quân đội khốn khổ nhất thế giới và Vì sao?