Quốc tế lên án vụ bắt giữ tỷ phú truyền thông ủng hộ dân chủ Hong Kong Jimmy Lai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc cảnh sát Hong Kong bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai theo Luật An ninh Quốc gia mà Bắc Kinh ban hành hồi tháng trước đang vấp phải sự lên án từ các quan chức và nhà hoạt động trên khắp thế giới. Họ cho rằng vụ bắt giữ này là một cuộc tấn công vào quyền tự do báo chí và quyền tự trị đang bị suy giảm của thành phố này.

Jimmy Lai là một nhà phê bình cứng rắn trước Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngày 10/8, ông Lai và 2 con trai bị bắt với cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài theo Luật An ninh Quốc gia Hong Hong. Cuối ngày 10/8, hơn 200 cảnh sát đã đột kích vào tòa soạn của tờ báo của ông Lai - Apple Daily, kênh truyền thông ủng hộ dân chủ lớn nhất tại Hong Kong.

Một số hãng thông tấn và cá nhân ủng hộ dân chủ khác cũng bị cảnh sát bắt giữ vào cùng ngày, bao gồm nhà hoạt động nổi tiếng Agnes Chow. Cảnh sát sau đó cho biết 10 người, bao gồm 9 đàn ông và 1 phụ nữ đã bị bắt nhưng không cho biết tên của họ.

Việc bắt giữ ông Lai đã làm dấy lên quan ngại sâu sắc rằng "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong sẽ được chính quyền Hong Kong và ĐCSTQ sử dụng để đàn áp những người ủng hộ dân chủ, đồng thời nhằm hạn chế tự do báo chí”, Steven Butler, điều phối viên khu vực Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cho biết.

Đề cập đến ĐCSTQ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bày tỏ trên twitter rằng, ông "vô cùng lo lắng" trước vụ bắt giữ, đó là "bằng chứng bổ sung quan trọng cho thấy rằng ĐCSTQ đã tước bỏ các quyền tự do của Hong Kong và làm xói mòn các quyền của người dân ở đó".

Chính phủ Anh cho biết các vụ bắt giữ là bằng chứng bổ sung về việc luật an ninh quốc gia được sử dụng như một "cái cớ để buộc những người có quan điểm đối lập im lặng". Hong Kong từng là thuộc địa của Vương Quốc Anh cho đến khi lãnh thổ này được chuyển giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Chính quyền Hong Kong đã đàn áp những cá nhân và tổ chức ủng hộ dân chủ trong thành phố kể từ khi ĐCSTQ áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong từ đầu tháng Bảy. Luật này cho phép truy tố hình sự bất kỳ hành động nào mà Bắc Kinh cho là nhằm lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài, với mức án tù cao nhất là chung thân.

Trước khi thực thi luật an ninh quốc gia, Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong nói rằng luật này sẽ chỉ được sử dụng để chống lại một số ít tội phạm và sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do của thành phố.

Kể từ tháng Bảy, các khẩu hiệu phản đối được phổ biến trước đây đã trở thành bất hợp pháp; các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã bị loại khỏi cuộc bầu cử lập pháp Hong Kong. Sau đó, chính phủ Hong Kong cho biết, cuộc bầu cử sẽ bị hoãn lại một năm, với lý do quan ngại đại dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan. Trước ngày 10/8, chính quyền Hong Kong đã bắt 15 người, bao gồm cả thanh thiếu niên, theo luật an ninh quốc gia mới.

Chính quyền Trung Quốc hoan nghênh việc bắt giữ ông Lai

Phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao của Trung Quốc phát biểu trên kênh thông tấn Tân Hoa Xã rằng, ông Lai là đại diện cho những người “chống Trung Quốc, chống Hong Kong” và cho rằng ông Lai đã lên kế hoạch và xúi giục các cuộc biểu tình “bất hợp pháp”, ủng hộ nền độc lập, đồng thời sử dụng kênh truyền thông của mình để tung tin đồn.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã tuyên truyền rằng phong trào biểu tình của người dân Hong Kong khởi phát vào năm ngoái là do các nước bên ngoài xúi giục để kích động sự hỗn loạn tại Trung Quốc.

Ông Jimmy Lai hiện 71 tuổi. Gần đây, ông đã đến Washington để gặp các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm: Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, để vận động sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho nền dân chủ Hong Kong.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức Trung Quốc và Hong Kong khác vì những người ngày đã tham gia vào việc lật đổ các quyền tự do của thành phố thông qua việc thực thi luật mới.

Để đáp trả, ngày 10/8, Bắc Kinh áp đặt trừng phạt 11 công dân Hoa Kỳ, bao gồm các nhà lập pháp liên bang và người đứng đầu các tổ chức phi lợi nhuận cùng các nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Tuy các vụ bắt giữ và truy quét hãng truyền thông Apple Daily làm dấy lên lo ngại rằng giới báo chí Hong Kong sẽ phải đối mặt với việc siết chặt kiểm soát theo luật An ninh Quốc gia mới, nhưng các nhà báo có trụ sở tại Hong Kong cho biết họ sẽ không chịu đứng nhìn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì sự thật và đưa tin những gì đang xảy ra ở Hong Kong mà không sợ hãi hay thiên vị”, phóng viên tại Hong Kong của Reuters, cô Jessie Pang viết trên twitter.

Hong Kong từng là nơi có mức độ tự do báo chí cao, nhưng điều này đã bị xói mòn trong môi trường truyền thông trong những năm gần đây do sự kiểm soát ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với thành phố này.

Giám đốc điều hành của Apple Daily Chan Pui-man cho biết, tờ báo này sẽ tiếp tục được xuất bản vào thứ Ba (11/8).

“Ngay cả nếu Apple Daily xuất bản những trang báo trắng vào ngày mai, thì chúng tôi sẽ vẫn đi mua một tờ”, nhà hoạt động địa phương nổi tiếng Hoàng Chi Phong (Joshua Wong ) nói trên Twitter.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quốc tế lên án vụ bắt giữ tỷ phú truyền thông ủng hộ dân chủ Hong Kong Jimmy Lai