Quyền của người da đỏ bản địa bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến thắng của ông Lula da Silva

Giúp NTDVN sửa lỗi

13% lãnh thổ Brazil được coi là vùng đất bản địa thuộc sở hữu vĩnh viễn của người da đỏ. Họ nên có toàn quyền kiểm soát tất cả tài nguyên đất đai, sông, hồ tại đó - vốn vô cùng màu mỡ và giàu có. Vậy mà cuộc sống của họ lại từng cực kỳ nghèo khổ dưới thời ông Lula.

Ngày 08/11, khoảng 500 người bản địa (người da đỏ) Brazil thuộc bộ lạc Paresi từ bang Mato Grosso ở miền trung tây, đã đến Brasília - thủ đô liên bang của Brazil. Họ đến đó để tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ nhằm phản đối chiến thắng của ứng cử viên cực tả, cũng là cựu Tổng thống, ông Luis Inácio Lula da Silva, trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng trước.

Tại bộ lạc Macuxi - một trong hai nhóm bản địa chính ở bang Roraima thuộc khu vực Amazon, bà Irisnaide Silva - nữ thủ lĩnh bộ lạc - nói rằng tổng thống Brazil đương nhiệm Jair Bolsonaro là người đầu tiên lắng nghe tiếng nói của bà. Bà Silva đã nhiều lần gặp gỡ ông Bolsonaro để thảo luận về một dự luật cho phép triển khai các hoạt động khai thác trên các vùng đất bản địa. Trong nhiều thập kỷ, bà và gia đình đã sống dựa trên vùng đất của họ, đào mỏ để tìm vàng và kim cương. Tuy nhiên, khi ông Lula da Silva trở thành tổng thống của Brazil [giai đoạn 2003-2011], chính phủ của ông đã coi việc khai thác mỏ trên lãnh thổ bản địa là bất hợp pháp, bất chấp sự phản đối từ bộ lạc Macuxi của bà.

Bà Silva không đơn độc trong việc đánh giá cao ông Bolsonaro. Theo bà Carpejane Lima, một nữ thủ lĩnh bản địa khác, “tầm quan trọng của việc khai thác mỏ, không chỉ đối với cộng đồng của tôi mà còn đối với những người khác, là sự phát triển mà nó đang mang lại … Những người không có ô-tô, bây giờ đã có. Những người không có nhà, bây giờ đang xây nhà”.

Tất nhiên, như chúng ta đều hiểu, nhiều nhà hoạt động xanh [nhà hoạt động vì môi trường] trên toàn cầu đã gọi những vị thủ lĩnh bản địa này là những kẻ phản bội.

“Tôi được gọi là người bản địa da trắng”, bà Silva nói với Reuters giữa tiếng gà gáy tại ngôi nhà nhỏ của bà trong khu bảo tồn của cộng đồng bản địa; nhưng bà không để tâm.

Tổng thống đương nhiệm Bolsonaro ủng hộ làm giàu trên các vùng đất bản địa

Theo dữ liệu từ Tổ chức Người bản địa Quốc gia (FUNAI) của Brazil, nước này có khoảng 900.000 người bản địa (0,5% dân số), 305 nhóm dân tộc khác nhau và 274 ngôn ngữ. Hơn 500.000 người trong số họ sống ở 4.774 ngôi làng trải rộng trên 505 vùng đất được chính thức công nhận là bản địa - chiếm 13% lãnh thổ quốc gia.

Những vùng đất bản địa này được coi là sở hữu vĩnh viễn của người da đỏ Brazil. Họ nên có toàn quyền kiểm soát tất cả tài nguyên của đất đai, sông, hồ tại đó.

Tuy nhiên, chỉ cơ quan lập pháp liên bang (Quốc hội Brazil) mới có quyền cho phép sử dụng nguồn tài nguyên giàu có ở những vùng đất này. Do đó, như ông Bolsonaro đã nói trong một cuộc họp vào tháng 01/2019 với các nhà lãnh đạo bản địa, “người bản địa, hầu hết những người các vị, đã bị buộc phải sống trong cảnh nghèo đói”.

Quyền của người da đỏ bản địa bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến thắng của cựu Tổng thống Brazil Luis Inácio Lula da Silva, bộ lạc Paresi, bộ lạc Macuxi
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đến dự họp báo hai ngày sau khi bị ông Lula da Silva đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống, tại Cung điện Alvorada ở Brasilia, Brazil, ngày 01/11/2022. (Ảnh: Andressa Anholete/Getty Images)

Ông Bolsonaro luôn ủng hộ quyền cơ bản của người dân bản địa trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ bản địa của họ. Theo đánh giá của ông, lãnh thổ rộng lớn thuộc về người bản địa đã bị các chủ sở hữu theo hiến pháp [người dân bản địa] sử dụng dưới mức; nguyên nhân đến từ các chính sách môi trường do chính phủ cánh tả [phe đối lập với cánh hữu của ông Bolsonaro] tại Brazil thực hiện với sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ xanh toàn cầu.

“Quý vị có rất nhiều đất đai. Hãy sử dụng mảnh đất này … Liệu như thế, [quý vị] có tiếp tục ở tình trạng đói nghèo không? Có phải quý vị bị ép phải hành động theo các tổ chức phi chính phủ?”, ông Bolsonaro đã hỏi các nhà lãnh đạo bản địa như vậy vào tháng 01/2019.

“Dưới lòng đất, quý vị có hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ USD”, ông nói thêm.

Ngày 18/03, ông Bolsonaro được trao huy chương “Indigenous Merit” - tấm huy chương dành cho những cá nhân phụng sự cho sự thịnh vượng của người bản địa.

Ông Bolsonaro được cho là xứng đáng để nhận giải thưởng này vì ông đã làm việc chăm chỉ vì phúc lợi người bản địa và đã bảo vệ các cộng đồng bản địa.

Nhân dịp đó, ông nói rằng “không có chính phủ nào khác trong lịch sử Brazil lại gần gũi với người dân bản địa và muốn họ khai thác vùng đất của họ chính xác như những gì chúng tôi khai thác vùng đất của chúng tôi”. Câu nói của ông khiến đám đông vỗ tay tán thưởng.

Vào cuối buổi lễ đó, đại diện nhiều cộng đồng bản địa đã nhất quyết muốn chụp một bức ảnh lịch sử với ngài tổng thống.

Không có gì đáng ngạc nhiên, giải thưởng đó đã khiến nhiều nhà bảo vệ môi trường cấp tiến tức giận. Rõ ràng, việc chấm dứt ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ này đối với khu vực Amazon là nguyên nhân chính dẫn đến sự phẫn nộ của họ.

Người bản địa từng cực kỳ nghèo khổ dưới thời ông Lula

Các tổ chức phi chính phủ đó ủng hộ mạnh mẽ việc ông Lula trở lại làm tổng thống.

Tuy nhiên, có một sự thật là, theo một bài viết đăng trên Texas International Law Review vào năm đầu tiên ông Lula cầm quyền, “các vấn đề về pháp quyền, áp lực chính trị về mặt hành pháp cũng như tư pháp, và thái độ xã hội … đã cùng tạo nên môi trường thù địch, khó khăn cho người bản địa” trong thời kỳ đó.

Trong thời gian cầm quyền lâu dài của ông Lula, từ năm 2003 đến năm 2011, khoảng một nửa số người da đỏ Brazil phải sống trong điều kiện cực kỳ nghèo khổ, hoàn toàn phụ thuộc vào các chương trình trợ cấp lương thực cơ bản của liên bang để có thể tồn tại.

Họ cũng chỉ có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cực kỳ tồi tệ. Cơ quan y tế của chính phủ Brazil ước tính vào thời gian đó rằng khoảng 60% người bản địa ở Brazil mắc các bệnh mãn tính như lao, sốt rét và viêm gan.

Theo báo cáo của Freedom House - một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận, dưới sự điều hành của ông Lula, người da đỏ Brazil đã phải đối mặt với đủ loại vi phạm nhân quyền, bao gồm dịch bệnh, lao động cưỡng bức, chết do bị bạo lực, bị xem thường và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Bất chấp sự thật kinh hoàng đó, nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây đã lên mạng xã hội để chúc mừng sự kết thúc của chính phủ Bolsonaro và sự trở lại của ông Lula với cương vị tổng thống.

Giám đốc chiến dịch Julia Büsser của tổ chức phi chính phủ Society for Threatened Peoples phát biểu: “Đã có hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện đối với các cộng đồng bản địa ở Brazil và việc bảo vệ môi trường”.

Quyền của người da đỏ bản địa bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến thắng của cựu Tổng thống Brazil Luis Inácio Lula da Silva, bộ lạc Paresi, bộ lạc Macuxi
Tổng thống mới tái đắc cử Brazil Luiz Inácio Lula da Silva trong một sự kiện với đại diện người dân bản địa Brazil, tại hội nghị khí hậu COP27 ở thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 17/11/2022. (Ảnh: Ahmad Gharabli/AFP qua Getty Images)

Trên thực tế, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Lula đã để lại một di sản đen tối bởi các chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến người bản địa; và điều này có thể sẽ tiếp tục diễn ra với sự trở lại của ông. Vào tháng 04/2022, với tư cách là ứng cử viên tổng thống, ông Lula hứa sẽ đảo ngược tất cả kế hoạch của chính phủ đương nhiệm trong việc cho phép người bản địa kinh doanh nhờ phát triển nông nghiệp, khai thác khoáng sản và thăm dò dầu mỏ trên chính vùng đất quê hương họ.

Nói cách khác, chính trị gia mới tái đắc cử này đã thề sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của Tổng thống Bolsonaro - vốn có tác dụng bảo vệ và thúc đẩy quyền của người bản địa trên quê nhà của họ.

Vì những gì ông Lula hứa hẹn, về cơ bản, là vi phạm hiến pháp đối với quyền tài sản của người bản địa, chúng ta có thể kết luận rằng kết quả cuộc bầu cử gần đây ở Brazil làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về tương lai của người bản địa Brazil, đặc biệt là những người sống ở khu vực Amazon.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Augusto Zimmermann - The Epoch Times

Tác giả Augusto Zimmermann là Giáo sư và Trưởng khoa luật tại Viện Sheridan thuộc Đại học Sheridan ở Perth. Ông cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Luật học Tây Úc, Tổng biên tập của tờ The Western Australian Jurist, và từng là thành viên của ủy ban cải cách luật của Tây Úc giai đoạn 2012-2017. Ông Zimmermann là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm "Direito Constitucional Brasileiro", "Western Legal Theory" và "Christian Foundation of Common Law".



BÀI CHỌN LỌC

Quyền của người da đỏ bản địa bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến thắng của ông Lula da Silva