Reuters: Ông Tập có thể gặp ông Putin vào tuần tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãng tin Reuters hôm 13/3 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nga trong tuần tới để gặp Tổng thống Vladimir Putin, sau khi ông tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba tại Kỳ họp lưỡng hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cục diện đã thay đổi?

Theo một bài báo độc quyền của tờ Reuters, các nguồn thạo tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tuần tới, tức là sớm hơn nhiều so với dự kiến ​​trước đó.

Theo bài báo, ông Tập Cận Bình đã đề xuất kế hoạch hòa bình ở Ukraine cách đây không lâu, nhưng do sự ủng hộ nhất quán của Trung Quốc đối với Nga nên các nước phương Tây vẫn hoài nghi về kế hoạch này.

Hãng truyền thông nhà nước Nga TASS ngày 30/1 đưa tin ông Putin đã mời ông Tập đến thăm Moscow vào mùa xuân năm nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 22/2/2023. (Ảnh: Anton Novoderezhkin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Tờ Wall Street Journal của Mỹ tháng trước cũng đưa tin ông Tập Cận Bình sẽ thăm Moscow từ tháng 4 đến đầu tháng 5. Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp ông Putin trong chuyến thăm Moscow vào tháng trước và gợi ý về khả năng ông Tập thăm Nga.

Theo nhiều nguồn tin từ phía Nga, cho đến nay, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã gặp nhau tổng cộng 39 lần, lần gần nhất là cuộc gặp ở Trung Á vào tháng 9/2022. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về chuyến thăm tiềm năng của ông Tập Cận Bình tới Moscow, và Điện Kremlin cũng từ chối đưa ra bình luận..

Hãng tin Reuters cho biết nguồn tin từ chối tiết lộ nguồn gốc thông tin do tính nhạy cảm của vấn đề.

Vài tuần sau khi Trung Quốc ký kết quan hệ đối tác "không giới hạn" với Nga vào tháng 2/2022, Nga đã phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho khủng hoảng Ukraine, nhưng vì ĐCSTQ ủng hộ Nga về mặt ngoại giao nên những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây nghi ngờ.

Thủ tướng Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau cuộc hội đàm của họ tại Kyiv vào ngày 28/4/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy muốn gặp ông Tập Cận Bình

Nhân dịp kỷ niệm một năm chiến tranh Nga - Ukraine, ông Zelenskyy bày tỏ hy vọng được gặp ông Tập Cận Bình và nói rằng: "Tôi thực sự muốn tin rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga".

Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có phản hồi công khai trước đề nghị trên của ông Zelenskyy.

Biên tập viên các vấn đề thế giới của đài BBC, ông John Simpson, cho biết, Trung Quốc dường như đứng về phía Nga, mặc dù họ hy vọng sẽ cứu được Tổng thống Putin bằng cách dàn xếp một số giải pháp hòa bình để “giữ thể diện”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 22/2 đã thăm Moscow và hội kiến ​​với Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Lavrov. Sau cuộc hội đàm, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh muốn "làm sâu sắc thêm lòng tin chính trị lẫn nhau" và "tăng cường hợp tác chiến lược" với Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một cuộc họp báo hàng tuần tại Bộ Ngoại giao Nga, ở Moscow, Nga hôm 1/12/2021. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Nga/Anadolu Agency/Getty Images)

Chiến tranh thông tin ở Nga

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến này không chỉ ác liệt trên tiền tuyến mà còn khốc liệt cả về phương diện chiến tranh thông tin. Vài ngày trước, có thông tin cho rằng cuộc chiến này đã gây ra xung đột nội bộ cấp cao của Nga, thậm chí nghiêm trọng đến mức nằm ngoài khả năng xử lý của ông Putin. Đối mặt với những cáo buộc như vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa ra phản bác.

Theo nguồn tin tổng hợp của các phương tiện truyền thông nước ngoài, nguyên nhân của vụ việc đến từ một phát ngôn của bà Zakharova tại một diễn đàn ngày 11/3. Theo đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng do cuộc đấu tranh của giới tinh hoa ở Điện Kremlin, nên Moscow Không thể lặp lại các phương pháp được thiết lập từ thời Stalin để kiểm soát nội bộ. Vì vậy Nga quyết định từ bỏ quyền kiểm soát tập trung không gian thông tin, một tình huống mà ngay cả ông Putin cũng không giải quyết được.

Phát ngôn trên của bà Zakharova được nhóm chuyên gia cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ giải thích là "đấu đá nội bộ ở cấp cao nhất của Điện Kremlin".

Trước cáo buộc của ISW, bà Zakharova đã đăng lại trên kênh TG một bài báo của ông Kirill Vyshinsky, cựu Giám đốc chi nhánh Ukraine của tờ RIA Novosti, và chỉ ra rằng bà Zakharova đã tham gia toàn bộ cuộc diễn đàn và theo dõi cuộc tranh luận gay gắt giữa những người liên quan. Tuy nhiên, nội dung của diễn đàn là thảo luận về cách thức tăng cường sự đoàn kết để đạt được thắng lợi chung, tìm cách để khiến cuộc đối đầu chung của Nga trong cuộc chiến thông tin hiệu quả hơn.

Bà Zakharova cũng phàn nàn rằng: "Trước đây họ còn tung tin rằng tôi có hộ chiếu Mỹ, sinh con ở Mỹ, thậm chí có đủ loại túi xách và quần áo đắt tiền. Tất cả những điều này sau đó đã được chứng minh là giả mạo". Hàm ý của bà Zakharova là ISW một lần nữa đang lan truyền thông tin sai lệch.

Theo Visiontimes

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Reuters: Ông Tập có thể gặp ông Putin vào tuần tới