Rò rỉ dữ liệu khổng lồ của 2 triệu đảng viên ĐCSTQ - 'Thời kỳ hoàng kim' của gián điệp Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đang ở “đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim” của hoạt động gián điệp Trung Quốc, theo tiết lộ của một cơ sở dữ liệu bị rò rỉ gần đây về việc khoảng hai triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tham gia vào các chính phủ và công ty trên toàn thế giới.

Những tiết lộ trên đã khiến một thượng nghị sĩ Úc phải lên tiếng cảnh báo rằng việc hai triệu đảng viên này cam kết trung thành với ĐCSTQ là mâu thuẫn với các giá trị dân chủ, và các quốc gia cần thực hiện các bước quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của mình.

Chi tiết xung quanh cơ sở dữ liệu khổng lồ xuất hiện vào ngày 13/12 đã hé lộ một bản đăng ký với thông tin của 1,95 triệu đảng viên ĐCSTQ bao gồm tên, chức vụ trong đảng, ngày sinh, số ID quốc gia và dân tộc của họ.

Theo Sky News Australia, cơ sở dữ liệu này cũng tiết lộ rằng 79.000 chi nhánh của ĐCSTQ đã được thành lập trên toàn thế giới, với một số chi nhánh nằm trong các tập đoàn toàn cầu.

Nhiều cá nhân trong cơ sở dữ liệu được tuyển dụng làm việc trong các công ty Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc mà có liên quan đến các ngành công nghiệp nhạy cảm như quốc phòng, dược phẩm (đặc biệt là phát triển vaccine COVID-19) và dịch vụ tài chính. Một số được làm việc trong các cơ quan ngoại giao và các trường đại học.

Khoảng 600 thành viên ĐCSTQ, trong đó có một số giám đốc điều hành cấp cao, làm việc trong các ngân hàng khổng lồ như HSBC và Standard Chartered.

Các hãng hàng không vũ trụ như Airbus, Boeing và Rolls-Royce cũng tuyển dụng hàng trăm thành viên ĐCSTQ. Vào năm 2016, Boeing có 287 thành viên ĐCSTQ làm việc cho công ty trong khi hãng này cũng là nhà thầu quốc phòng lớn cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Úc.

Công ty công nghệ thông tin khổng lồ của Hoa Kỳ là Hewlett-Packard (HP) cũng đã tuyển dụng các thành viên ĐCSTQ. Tại Úc, HP gần đây đã được trao một hợp đồng trị giá 48 triệu đô la để xây dựng một “siêu máy tính” cho viện nghiên cứu hàng đầu CSIRO.

Hai công ty dược phẩm lớn hiện đang phát triển vaccine COVID-19 là Pfizer và AstraZeneca cũng đang sử dụng lần lượt 69 và 54 thành viên ĐCSTQ.

Matt Warren, giáo sư về an ninh mạng tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne cho biết, những tiết lộ này không gây ngạc nhiên và thay vào đó, nó chỉ củng cố quan điểm rằng Bắc Kinh đã và đang tiến hành một chiến dịch xâm nhập trên phạm vi toàn cầu.

Ông nói với The Epoch Times: “Điều đáng quan tâm là các thành viên của ĐCSTQ đang làm việc cho các công ty quốc phòng và liên quan đến công nghệ thông tin trên toàn cầu. Người ta khó mà biết chính xác những dự án mà họ đang làm cũng như những thông tin đã được gửi về Trung Quốc. Đây là một rủi ro bảo mật lớn".

Theo ông, nhiều công ty trong số này có thể đã không nhận thức được các rủi ro bảo mật, vậy nên giờ đây họ cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ của mình.

Thượng nghị sĩ Nam Úc Alex Antic cũng đồng tình với quan điểm này, và cảnh báo rằng vụ rò rỉ là một lời nhắc nhở rằng các quốc gia và công ty cần phải cảnh giác hơn nữa.

Ông nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ hầu như sẽ không có ranh giới nào khi liên quan đến việc can thiệp nước ngoài".

“Mặc dù hầu như không có tin tức gì về việc ĐCSTQ có ảnh hưởng ở các quốc gia phương Tây, nhưng đó là một lời nhắc nhở kịp thời rằng ĐCSTQ và cơ quan quyền lực mềm của họ, Mặt trận Thống nhất, vẫn 'sống khỏe' và sống giữa chúng ta”.

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là cơ quan thâm nhập nước ngoài hàng đầu của ĐCSTQ. Vào năm 2017, Thượng nghị sĩ Sam Dastyari của bang New South Wales (Úc) đã phải từ chức vì dính líu đến một vụ bê bối liên quan đến ĐCSTQ.

Joseph Siracusa, trợ giảng tại Đại học Curtin và là chuyên gia về các chính quyền đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, cho biết 1,9 triệu cá nhân là một danh sách những người tiềm năng mà ĐCSTQ có thể tiếp cận (hoặc tống tiền) để “bán đứng chính phủ của họ”.

Ông nói với The Epoch Times: “Đây là một danh sách có thể bị thao túng bởi ĐCSTQ ở quê nhà, để kêu gọi ủng hộ và thực hiện nghĩa vụ. Đó là điều khiến phát hiện này gây sốc tới vậy”.

Epoch Times Photo
Một người phụ nữ đi qua cổng vòm của khu Phố Tàu vào ngày 4 tháng 3 năm 2020 ở Sydney, Australia. (Lisa Maree Williams / GettyImages)

Ông nói: “ĐCSTQ muốn làm gì với một danh sách như vậy? Tại sao nó theo dõi những người này, và vì lý do gì? Đó chính là câu hỏi mà các nghị sĩ cần phải đặt ra”.

“Tôi muốn nói rằng chúng ta đang ở đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim của gián điệp Trung Quốc. Đây là thời kỳ hoàng kim. Nếu ĐCSTQ muốn do thám, nó có người, và nó có thể gây áp lực hoặc tống tiền những người này, khiến họ phải làm những việc mà họ không mong muốn".

Theo Điều tra dân số năm 2016, cộng đồng người gốc Hoa ở Úc có hơn 1,2 triệu người và chiếm khoảng 5% tổng dân số.

Viện Chính sách Chiến lược Úc đã cáo buộc ĐCSTQ đang thực hiện một chiến dịch có chủ đích để thâm nhập vào các cộng đồng Hoa kiều.

Trong những tháng gần đây, lãnh đạo Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) và Quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge đều đưa ra cảnh báo về các lỗ hổng trong các cộng đồng đa văn hóa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo xung quanh hoạt động gián điệp trí tuệ của ĐCSTQ.

“ĐCSTQ đang thâm nhập vào các cơ sở giáo dục đại học của chúng ta vì mục đích riêng của nó, và… những hành động đó làm suy giảm quyền tự do của chúng ta và an ninh quốc gia của Mỹ”, ông phát biểu tại Viện Công nghệ Georgia.

Epoch Times Photo
Khuôn viên của Đại học Bang San Diego, San Diego, California, vào ngày 20 tháng 8 năm 2019. SDSU là trường đại học mới nhất của Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử. (Gisela Sommer / The Epoch Times)

Vào đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các hạn chế thị thực mới đối với các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ, giảm thị thực công tác B-1 và du lịch B-2 xuống còn một tháng so với mức tối đa 10 năm trước đó.

Động thái này cũng là điều mà Thượng nghị sĩ Tasmania Eric Abetz cho rằng Úc cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Ông nói với The Epoch Times: “Như những cơ sở dữ liệu này tiết lộ, việc là thành viên của ĐCSTQ không phải là tham gia vào một mạng lưới lành mạnh. Các thành viên của ĐCSTQ phải tuyên thệ trung thành, trong đó tuyên bố rằng một người phải 'trung thành với Đảng, chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản trong suốt cuộc đời mình và không bao giờ phản bội Đảng'".

Ông nói: “Thật đáng lo ngại khi người ta tham gia vào một đảng chịu trách nhiệm về hàng loạt vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bỏ tù và cưỡng bức lao động một triệu người Duy Ngô Nhĩ, phá hủy tự do ở Hong Kong và có tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông".

Ông Abetz cũng cho biết, gần đây Úc đã có những nỗ lực lập pháp đáng khích lệ, bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Quan hệ Đối ngoại có khả năng khiến thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường giữa Bắc Kinh và Victoria kết thúc. Tuy nhiên, Úc vẫn cần phải cảnh giác với ĐCSTQ, nếu không lòng tốt của đất nước sẽ bị chính quyền độc tài kia "bóc lột một cách không kiêng nể".

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Rò rỉ dữ liệu khổng lồ của 2 triệu đảng viên ĐCSTQ - 'Thời kỳ hoàng kim' của gián điệp Trung Quốc?