Rối loạn chuỗi cung ứng buộc ngành sản xuất thời trang di dời khỏi châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp thời trang đang chuyển hướng sản xuất ra khỏi các trung tâm sản xuất chi phí thấp ở châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc, và hướng tới thị trường của họ ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Sự chuyển hướng của chuỗi sản xuất thời trang theo sau sự bùng phát đại dịch COVID-19 do biến thể Delta của virus Corona Vũ Hán ở Việt Nam và Trung Quốc vào đầu năm nay.

Nhà bán lẻ hàng may mặc Tây Ban Nha Mango nói với Reuters rằng, họ đã “tăng tốc” tăng cường sản xuất địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc và Bồ Đào Nha. Trong năm 2019, công ty chủ yếu cung cấp các sản phẩm của mình từ Trung Quốc và Việt Nam. Nhà bán lẻ giày của Mỹ Steve Madden cho biết, họ đã giảm sản xuất tại Việt Nam và chuyển 50% sản lượng giày từ Trung Quốc sang Brazil và Mexico.

Các đợt ngừng sản xuất gần đây của Việt Nam đã gây ra sự gián đoạn đáng kể do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa vì đại dịch và tình trạng thiếu lao động. Vào tháng Mười, chính phủ Việt Nam thông báo sẽ giảm 5 tỷ USD mục tiêu xuất khẩu hàng may mặc trong năm nay trong trường hợp xấu nhất.

Giám đốc điều hành Massimo Renon cho biết, hãng Benetton của Ý đang chuyển hoạt động sản xuất về gần quê nhà, tăng sản lượng ở Serbia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Ai Cập, với mục tiêu giảm một nửa sản lượng ở châu Á vào cuối năm 2022.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia thu hút sự quan tâm mới từ các nhà sản xuất quần áo và giày dép. Theo số liệu từ Hội đồng hàng may mặc và Liên minh Trang phục của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu hàng may mặc của nước này dự kiến ​​đạt 20 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất mọi thời đại, do sự gia tăng đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu (EU).

Hãng thời trang Hugo Boss dự định chuyển hoạt động sản xuất của mình đến gần các thị trường của họ hơn, hay còn gọi là "near-shoring" (tận dụng nguồn nhân lực tại các khu vực gần gũi về mặt địa lý). Công ty dự kiến ​​sẽ đáp ứng các xu hướng nhanh hơn và linh hoạt hơn. Giám đốc điều hành Daniel Grieder nói với Giám đốc tạp chí Đức Manager Magazin: "Đó là một lợi thế cạnh tranh thực sự".

“Nhiều công ty từ Liên minh Châu Âu, đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi, đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới và chuỗi cung ứng mới tại thị trường Balkan”, thư ký Muris Pozderac của tổ chức dệt may Bosnia và Herzegovina cho biết.

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may, da và giày dép ở Bosnia và Herzegovina đạt tổng cộng 436 triệu USD, vượt tổng số cả năm 2020. Xuất khẩu quần áo ở Guatemala, nơi Nordstrom đã tăng đáng kể sản lượng nhãn hiệu riêng vào năm 2020, đạt hơn 1 tỷ USD vào cuối tháng Tám năm nay, tăng 34,2% so với năm 2020 và thậm chí tăng 8,8% so với năm 2019.

Tình trạng tắc nghẽn vận chuyển kéo dài nhiều tháng đang làm tăng chi phí, làm chậm trễ việc giao hàng và buộc ngành công nghiệp thời trang phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Tháng trước, Lululemon tiết lộ rằng họ đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Việt Nam, tăng cường sử dụng vận tải hàng không và ưu tiên sản xuất cho các dịp lễ lớn. Nhà sản xuất thiết bị ngoài trời Columbia Sportswear là một trong những thương hiệu đã cảnh báo về sự chậm trễ của bộ sưu tập vào mùa thu và mùa xuân, cũng như không đủ kích cỡ trong một số trường hợp. Nhà sản xuất túi xách Michael Kors, Capri Holdings, đã thông báo vào ngày 10/11 rằng họ sẽ không có đủ hàng tồn kho cho kỳ nghỉ lễ.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Rối loạn chuỗi cung ứng buộc ngành sản xuất thời trang di dời khỏi châu Á