Sam Bankman-Fried đối mặt án tù lên đến 115 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sam Bankman-Fried — nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử đã phá sản FTX — đã bị từ chối tại ngoại do nguy cơ bỏ trốn rất cao sau khi bị bắt ở Bahamas, và đối mặt với cáo trạng từ Mỹ có mức án lên đến 115 năm tù.

Đề nghị tại ngoại bị từ chối

Trong phiên tòa kéo dài hơn ba giờ vào ngày 13/12/2022 theo giờ địa phương, Chánh án Joyann Ferguson-Pratt đã ra phán quyết không chấp thuận đề nghị được tại ngoại với số tiền bảo đảm 250.000 USD của Sam Bankman-Fried. Chánh án cho biết, Sam Bankman-Fried có nguy cơ bỏ trốn "rất cao" vì khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính, theo tờ New York Times đưa tin.

Chánh án đã ra lệnh đưa ông Bankman-Fried, 30 tuổi, đến một cơ sở cải huấn ở Bahamas. Một phiên tòa về việc dẫn độ ông Bankman-Fried về Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/2/2023.

Sam Bankman-Fried đã bị cơ quan thực thi pháp luật Bahamas bắt giữ vào ngày 12/12/2022 theo yêu cầu của Văn phòng Ủy viên Công tố quận Nam New York (SDNY). Văn phòng này đã thông báo cho Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Bahamas rằng, họ đã buộc tội hình sự đối với cựu tỷ phú tiền điện tử vốn từng có một giá trị tài sản ròng ước tính là 26 tỷ USD.

Một hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Bahamas đã có hiệu lực từ năm 1994, và phía Mỹ cho biết có khả năng sẽ yêu cầu dẫn độ ông Bankman-Fried về Mỹ. Đội ngũ pháp lý của ông Bankman-Fried được đưa tin đã nói với tòa án rằng, họ có kế hoạch đấu tranh chống lại bất kỳ lệnh dẫn độ nào đến Mỹ.

Nhiều lời buộc tội được công bố

Văn phòng Ủy viên Công tố quận Nam New York (SDNY) đã công bố cáo trạng nhằm vào Sam Bankman-Fried, bao gồm các tội danh: gian lận tài chính liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin, cùng âm mưu thực hiện hành vi gian lận tài chính liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin, gian lận hàng hóa, gian lận chứng khoán, rửa tiền, và lừa đảo Mỹ.

Sam Bankman-Fried đối mặt với án tù lên tới 115 năm nếu ông bị kết án trong tất cả các tội danh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch của Mỹ (SEC) Gary Gensler cho biết, nhà sáng lập FTX "đã dựng nên một tòa tháp bằng những lá bài trên nền tảng của sự lừa dối, trong khi nói với các nhà đầu tư rằng đó là một trong những nơi an toàn nhất trong ngành tiền điện tử", và đã dàn dựng một kế hoạch lừa đảo các nhà đầu tư vốn cổ phần trong FTX.

Tòa tháp bằng những lá bài (House of cards) chỉ một cấu trúc, tình huống, hoặc tổ chức xây dựng trên nền tảng không vững chắc, hoặc luôn có nguy cơ sụp đổ.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) thì đã buộc tội Sam Bankman-Fried với hành vi gian lận và xuyên tạc tài liệu, đồng thời tuyên bố rằng hành động của ông này đã gây ra thiệt hại hơn 8 tỷ USD tiền gửi của khách hàng FTX.

Trong một tuyên bố, CFTC đã cáo buộc FTX chuyển tiền của khách hàng sang quỹ đầu cơ cùng nhà là Alameda Research.

Theo một bản cáo trạng công bố vào ngày 13/12/2022 theo giờ địa phương, các công tố viên Mỹ cáo buộc rằng Sam Bankman-Fried đã tham gia vào một kế hoạch lừa gạt khách hàng của FTX bằng cách chiếm đoạt tiền gửi của những khách hàng đó và sử dụng chúng để thanh toán các chi phí và khoản nợ của Alameda Research.

Các công tố viên cũng cáo buộc ông Bankman-Fried đã đóng góp "hàng chục triệu USD" một cách bất hợp pháp vào các chiến dịch tranh cử của các thành viên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, theo Damian Williams — Ủy viên Công tố quận Nam New York — cho biết.

FTX — có trụ sở tại Bahamas — đã từng được định giá 32 tỷ USD sau khi huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư, và Sam Bankman-Fried được biết đến như một nhà từ thiện, nhà tài trợ cá nhân lớn thứ hai cho đảng Dân chủ, đồng thời cũng tuyên bố đã đóng góp một số tiền tương tự cho đảng Cộng hòa.

Sam Bankman-Fried phủ nhận hành vi gian lận

Tuy nhiên, vào tháng 11, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã sụp đổ một cách ngoạn mục trong một cuộc khủng hoảng thanh khoản, sau khi có thông tin tiết lộ rằng Alameda đã sử dụng tài sản của khách hàng FTX để duy trì hoạt động. Một thỏa thuận giải cứu tiềm năng của đối thủ lớn hơn là Binance sau đó đã bị rút lại và các nhà giao dịch vội vã rút hàng tỷ USD khỏi FTX.

FTX đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/11/2022. Hàng triệu người dùng sàn giao dịch này đã không thể truy cập vào ví tiền điện tử của mình.

Bất chấp sự sụp đổ hoành tráng của FTX và những dấu hỏi liên quan đến hàng tỷ USD bị mất tích, Sam Bankman-Fried vẫn tiếp tục thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông khác nhau và gần đây đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook của tờ New York Times vào ngày 30/11/2022.

Trong các cuộc phỏng vấn như vậy, cựu tỷ phú này đã nhiều lần phủ nhận việc thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào tại FTX, nhưng thừa nhận đã mắc nhiều "sai lầm" khi điều hành công ty.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC được công bố hôm 10/12/2022, Sam Bankman-Fried đã tiết lộ kế hoạch thành lập một doanh nghiệp mới nhằm nỗ lực trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã thua lỗ hàng tỷ USD.

"Tôi sẽ suy nghĩ về cách chúng tôi có thể giúp đỡ thế giới và nếu người dùng chưa nhận lại được nhiều tiền, tôi sẽ suy nghĩ về những gì tôi có thể làm cho họ", ông nói. "Và tôi nghĩ rằng ít nhất, đối với người dùng FTX, tôi có nghĩa vụ là phải đối xử với họ như tôi nên làm, một cách tốt nhất có thể".

Sam Bankman-Fried đã được liên hệ để lấy bình luận.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sam Bankman-Fried đối mặt án tù lên đến 115 năm