Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Liên hợp quốc, trong tuần này, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng, sự kiện này sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong vị thế toàn cầu tương ứng của họ, làm gia tăng cạnh tranh và nguy cơ chiến tranh giữa hai quốc gia.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai gã khổng lồ châu Á có chung đường biên giới dài và đã bị quân sự hóa ở khu vực dãy Himalaya. Theo các chuyên gia, nhân khẩu học đóng vai trò quan trọng trong địa chính trị, mang đến cả cơ hội và thách thức. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ vượt qua được các thách thức, thì quá trình gia tăng dân số sẽ được chuyển thành sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự to lớn, đe dọa các đối thủ như Trung Quốc.

“Quý vị có thể so sánh tình huống này với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Thuyết Chuyển dịch Quyền lực chỉ ra rằng một nước Mỹ đang suy yếu bị đe dọa bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trước Thế chiến thứ nhất, nước Anh đang suy tàn đã bị đe dọa bởi nước Đức đang trỗi dậy. Giờ đây, Ấn Độ đang bắt kịp Trung Quốc và Trung Quốc đang lo lắng về sự nổi lên của Ấn Độ”, Tiến sĩ Satoru Nagao - một thành viên khách mời tại Viện Hudson (có trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ) - nói với The Epoch Times trong một email.

“Trung Quốc đang nổi lên, nhưng dân số của họ cho thấy họ sẽ phải đối mặt với một xã hội già hóa trong những thập kỷ tới. Trước khi Trung Quốc suy yếu, Trung Quốc sẽ muốn tấn công Ấn Độ”, ông Nagao nói.

Kể từ giữa thế kỷ XX, Ấn Độ cùng Trung Quốc chiếm hơn ⅔ dân số toàn cầu. Năm ngoái, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã đột ngột giảm - lần giảm đầu tiên kể từ năm 1961. Trung Quốc cũng mất một lượng lớn dân số trong đại dịch COVID-19.

Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Một thi thể được đưa vào container đông lạnh ở nhà tang lễ Đông Giao, Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 18/12/2022. (Ảnh: Getty Images)

Xem thêm:

Tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm xuống còn 2,2 trẻ/một phụ nữ, dù vậy, DESA (một tổ chức tư vấn của Liên hợp quốc) dự đoán dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới.

Ông Frank Lehberger, nhà Trung Quốc học và nhà phân tích địa chính trị đang sống tại Đức, nói với The Epoch Times rằng lợi ích trực tiếp nhất đối với Ấn Độ khi có dân số vượt qua Trung Quốc là nước này được thế giới công nhận là một cỗ máy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Ấn Độ có thể thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn các ngành xuất khẩu.

“Ấn Độ dường như đang trên con đường trở thành 'Trung Quốc tiếp theo', một thập kỷ vàng của Ấn Độ đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, thời kỳ đó chỉ bắt đầu nếu không có cuộc chiến lớn nào nổ ra, do vô tình hay cố ý, trong đó có sự tham gia của Nga và đồng minh mới của họ là Trung Quốc”, ông Lehberger nói.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm gần đây do chính sách zero-COVID hà khắc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành, gây gián đoạn nghiêm trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp và các nhà máy trên toàn đất nước. Giới chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại. Theo phân tích gần đây của ông Michael Pettis - thành viên cao cấp của Carnegie China, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc khó có thể vượt quá 2 đến 3% trong nhiều năm.

Trong khi đó, Ấn Độ lại là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất vào năm ngoái và tăng trưởng GDP của nước này đã vượt xa Trung Quốc trong quý trước, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc hoạt động tồi tệ, ở mức kém nhất trong gần nửa thế kỷ.

Theo ngân hàng Morgan Stanley, Ấn Độ được cho là sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, vượt qua Nhật Bản và Đức, trong khi xuất khẩu toàn cầu của nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2031.

Ông Lehberger cho biết Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ không tỏ ra nao núng trước Ấn Độ và sẽ tiếp tục cố gắng chiếm các vùng đất ở phía Ấn Độ quanh Đường kiểm soát ranh giới thực tế Trung - Ấn (LAC).

“Ông ấy [Tập Cận Bình] có thể sẽ tiến hành các cuộc giao tranh ngắn tại LAC, ít nhiều giống với những cuộc giao tranh mà chúng ta đã vài lần chứng kiến kể từ tháng 05/2020”, ông Lehberger nói.

Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Các binh sĩ của Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ (BSF) tuần tra trên đường cao tốc dẫn về phía Leh, giáp với Trung Quốc, ở Gagangir, Ấn Độ, ngày 19/6/2020. (Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images)

Ý nghĩa sâu rộng

Ấn Độ là quốc gia có nền văn minh cổ xưa không kém Trung Quốc và là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Do đó, các tác động địa chính trị của việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới là rất sâu rộng và phức tạp, theo các chuyên gia.

Ông Nagao cho biết những hệ quả của sự kiện này mang cả tính tích cực và tiêu cực. Dân số đông đồng nghĩa với thị trường lớn, từ đó sức mạnh kinh tế và quân sự cũng được tăng cường.

“Đặc biệt, dân số Ấn Độ còn trẻ. Điều này có nghĩa là họ tạo ra năng lượng tích cực trong xã hội”, ông nói.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 66% dân số Ấn Độ thuộc độ tuổi 18-35 và lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ tăng thêm 8 triệu người mỗi năm.

Ông Lehberger thì cho rằng, trong ngoại giao quốc tế, kết quả đầu tiên và dễ thấy của việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới là nước này có thể có thêm khả năng được một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Việc cho phép chính phủ ở Delhi nắm quyền phủ quyết các vấn đề quốc tế là điều mà Trung Quốc đã quyết liệt ngăn chặn trong nhiều thập kỷ".

Ngoài ra, theo ông Lehberger, việc trở thành nền dân chủ đông dân nhất hành tinh cũng được cho là sẽ thúc đẩy năng lực hạt nhân của Ấn Độ.

“Nhu cầu về năng lượng và tài nguyên không ngừng tăng lên, nó sẽ thúc đẩy chương trình năng lượng hạt nhân của Ấn Độ, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Pháp hoặc Hoa Kỳ”, ông nói.

Theo ông, năng lực phòng thủ hạt nhân ngày càng mạnh mẽ của Ấn Độ có thể được sử dụng như một công cụ răn đe chiến lược đối với Trung Quốc và các cường quốc khu vực kém thân thiện, chẳng hạn như Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Lehberger cho rằng bộ ba hạt nhân của Ấn Độ - gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên đất liền, tàu ngầm trang bị ICBM liên tục tuần tra dưới nước ở chế độ tàng hình, và máy bay chiến lược mang bom hạt nhân hoặc tên lửa - có thể, trong một vài năm, tương đương hoặc thậm chí vượt qua Trung Quốc ở mức hiện tại. [Từ đó] “khiến các cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ trở thành việc không còn thực tế”.

Từ thời cổ đại, vị trí địa lý đã góp phần đáng kể vào sự trỗi dậy của Ấn Độ. Thậm chí ngày nay, theo các chuyên gia, vị trí địa lý, đặc biệt là các đại dương, đã nâng cao vị thế của Ấn Độ trong khía cạnh địa chính trị.

Ông Lehberger gọi đó là “thuận lợi về mặt địa lý” và nói rằng Ấn Độ cần ngay lập tức tận dụng điều này, cùng với thị trường đông hơn và khả năng phòng thủ mạnh hơn, để triển khai sức mạnh và để giữ cho Trung Quốc không có thêm các căn cứ mới ngoài các căn cứ thiếu tính kết nối như Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan) và những cái nhỏ hơn trên bờ biển Myanmar.

Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Bản đồ Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Trung Quốc và các vùng biển xung quanh. (Ảnh: Pinterest)

“Các đơn vị tàu ngầm và tàu nổi hiện đại như tàu hạt nhân sẽ giúp Ấn Độ trở thành cường quốc hải quân có vị thế dẫn đầu trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, bảo vệ được các tuyến đường biển quốc tế từ Vịnh Ba Tư đến eo biển chiến lược Malacca và Lombok - nơi 40% hàng hóa và thương phẩm của thế giới di chuyển hàng ngày”, ông Lehberger nói.

“Khi hai nước cạnh tranh trên toàn cầu về tài nguyên, đầu tư và thương mại, cũng như về ảnh hưởng chính trị - chẳng hạn như quyền lực mềm - thì khả năng mà xung đột quân sự leo thang là rất có thể tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân”.

Theo ông Lehberger, việc Trung Quốc thách thức Ấn Độ sẽ tồn tại cho đến khi ĐCSTQ bị đánh bại từ bên ngoài hoặc sụp đổ dưới sức nặng của các mâu thuẫn chính trị và kinh tế xã hội, tương tự như Liên Xô năm 1991.

Các thách thức đối với Ấn Độ

Theo các chuyên gia, việc Ấn Độ giải quyết được nhiều hay ít các thách thức nội tại sẽ quyết định rằng liệu sự thay đổi nhân khẩu học mang đến thêm cơ hội hay thêm khủng hoảng cho quốc gia này.

Ông Burzine Waghmar của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (có trụ sở tại Vương quốc Anh) nói với The Epoch Times trong một email rằng Ấn Độ là quốc gia đang phát triển đầu tiên thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm 1952 và vẫn tiếp tục cho đến nay. Trong khi đó, chính sách một con của Trung Quốc được thi hành vào năm 1980 và đã ngừng vào năm 2016.

Ông cho biết ⅓ mức tăng trưởng dân số dự kiến của Ấn Độ chủ yếu sẽ diễn ra ở bang Bihar và bang Uttar Pradesh. Kinh tế và xã hội ở hai bang nằm ở phía bắc Ấn Độ này đều kém phát triển.

“Nơi mà sự suy giảm [dân số] diễn ra rõ rệt nhất và dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra là ở các bang miền nam [Ấn Độ], những bang này tiến bộ hơn về tất cả các chỉ số xã hội; và nơi có tỷ lệ sinh giảm cũng là nơi gia tăng dân số già. Ví dụ, cứ 5 người ở bang Kerala [- một bang miền nam] thì có 1 người sẽ trên 60 tuổi vào năm 2025”, ông Waghmar nói.

Theo ông Waghmar, sự khác biệt bắc - nam sẽ tạo ra những hệ quả chính trị trong một khoảng thời gian, từ đó dẫn đến các vấn đề nan giải về chủ nghĩa vùng miền và tính đại diện.

Ông cũng chỉ ra rằng sự gia tăng dân số mang đến những thách thức không nhỏ cho Ấn Độ. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ vẫn ở mức trên 7%. Lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin dù đang bùng nổ - thứ đã góp phần làm nên sự thịnh vượng của Ấn Độ - cũng không thể tiếp nhận tất cả mọi người, đặc biệt là 254 triệu người Ấn Độ trong độ tuổi 15-24.

“Thủ tướng [Narendra] Modi sẽ phải tính đến điều này khi ông ấy ra tranh cử vào năm tới; và New Delhi sẽ phải cố gắng tận dụng xu hướng hiện nay khi các chuỗi cung ứng phương Tây di dời khỏi Trung Quốc”, ông Waghmar nói.

Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự phiên họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10, hôm 27/7/2018, tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: Mike Hutchings/Pool/AFP/Getty Images)

Còn theo ông Lehberger, các chính phủ kế nhiệm sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế và xã hội to lớn nếu họ không đưa ra giải pháp cho các vấn đề.

“Đặc biệt là nếu các chính phủ tương lai đó không hành động để giảm đói nghèo, bất bình đẳng, thất nghiệp trong lực lượng lao động có tay nghề thấp - vốn rất đông đảo, cũng như giảm suy thoái môi trường, thì tất cả chúng đều sẽ gây ra căng thẳng to lớn lên cơ cấu chính trị của Ấn Độ, lên việc phân phối tài nguyên thiên nhiên và lên cơ sở hạ tầng hiện đại”, ông Lehberger nói.

Theo ông, New Delhi gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vấn đề ngày càng nhiều hơn về hậu cần, tiếp vận. Tuy nhiên, làn sóng này cũng mang đến cơ hội việc làm cho lực lượng lao động có tay nghề trung bình hoặc thấp tại Ấn Độ.

Ông Lehberger lưu ý rằng Ấn Độ nên thận trọng trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm buộc Ấn Độ đi theo đường lối của Bắc Kinh thông qua Nhóm năm nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Khi mà sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng khốc liệt, thì Ấn Độ cần xây dựng “hệ thống phòng thủ” mạnh mẽ để đối phó với hoạt động đầu tư mang tính săn mồi và với chủ nghĩa thực dân công nghệ của Trung Quốc. Chủ nghĩa thực dân công nghệ là khi một quốc gia sử dụng các tập đoàn công nghệ lớn để gây ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia khác.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sắp có cuộc chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ