Sau vụ va chạm với máy bay Nga, Mỹ tiếp tục điều UAV tầm xa đến Biển Đen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ nối lại hoạt động của UAV trinh sát trên Biển Đen sau vụ máy bay Nga va chạm làm rơi MQ-9 Reaper, nhưng phi cơ bay cách xa bán đảo Crimea và chuyến bay chỉ kéo dài hai giờ đồng hồ.

Hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết máy bay không người lái (UAV) tầm xa RQ-4 Global Hawk đã làm nhiệm vụ ở Biển Đen hôm 17/3. Đây là chuyến bay đầu tiên của UAV Mỹ trong khu vực kể từ sau vụ chiếc MQ-9A chạm mặt tiêm kích Su-27 Nga và rơi xuống biển hồi đầu tuần. Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không ngăn được Washington thực hiện các nhiệm vụ như vậy.

Dữ liệu trên trang theo dõi chuyến bay dân sự FlightRadar24 cho thấy, chiếc RQ-4B mang hô hiệu Forte 10 xuất phát từ căn cứ Sigonella của Italy và bật thiết bị phát đáp trong phần lớn hành trình. Phi cơ lượn nhiều vòng trên vùng trời Romania, trước khi tiến vào phía nam Biển Đen và hoạt động ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay RQ-4B bay cách bán đảo Crimea hơn 100 km và chỉ hiện diện ở Biển Đen trong vòng hai giờ, ngắn hơn nhiều so với các chuyến bay kéo dài tới 12 tiếng của UAV Mỹ trong khu vực trước vụ chạm mặt ngày 14/3.

"Khoảng cách giữa UAV Mỹ và bờ biển Nga đã tăng đáng kể so với những chuyến bay trước đây. Đây chắc chắn là đường bay lạ lùng nhất mà tôi từng thấy với dòng RQ-4 Mỹ", tài khoản OsintDefender chuyên thu thập dữ liệu tình báo nguồn mở viết trên Twitter.

Trong vụ va chạm hôm 14/3, quân đội Mỹ cáo buộc hai tiêm kích Su-27 Nga đã tiếp cận, bay cắt mặt và xả dầu vào UAV trên vùng biển quốc tế ở Biển Đen. Một chiếc Su-27 được cho là đã va chạm với máy bay MQ-9 và khiến cánh quạt UAV hư hại, buộc không quân Mỹ điều khiển nó lao xuống biển.

Giới chức Nga phủ nhận cáo buộc, cho rằng phi cơ Mỹ tắt thiết bị phát đáp, cơ động ngoặt gấp và tự rơi sau khi mất lái. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định chiếc MQ-9 đang thu thập dữ liệu mục tiêu để chuyển cho Ukraine trước khi rơi.

Quân đội Mỹ ngày 16/3 công bố video sự việc, trong đó tiêm kích Su-27 tiếp cận từ phía sau bên phải MQ-9, xả dầu rồi bay vượt qua phía trên UAV Mỹ. Luồng xả lớn từ đuôi chiếc Su-27 khiến tín hiệu hình ảnh của MQ-9 bị gián đoạn. Camera trên UAV cũng cho thấy cánh quạt phía sau chiếc MQ-9 quay chậm dần và bị hư hại một phần sau khi tiêm kích Nga tiếp cận.

Theo Reuters, vụ rơi UAV MQ-9 của Mỹ hôm 14/3 là vụ va chạm trực tiếp giữa Mỹ và Nga kể từ lúc cuộc chiến Ukraine bắt đầu, làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa đôi bên. Vụ việc xảy ra trên vùng biển quốc tế cũng là lời nhắc nhở về nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga xung quanh Ukraine, quốc gia mà Moscow đã tấn công hơn một năm trước và đang được các đồng minh phương Tây hỗ trợ về tình báo và vũ khí.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Sau vụ va chạm với máy bay Nga, Mỹ tiếp tục điều UAV tầm xa đến Biển Đen