Sievierodonetsk rơi vào tay Nga sau những trận chiến đẫm máu nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các lực lượng Nga giành toàn quyền kiểm soát thành phố Sievierodonetsk ở miền đông Ukraine hôm thứ Bảy (25/6). Phía Ukraine gọi đây là "cuộc rút lui chiến thuật" để chiến đấu ở địa thế có lợi hơn. Cả hai bên đều xác nhận những tổn thất to lớn sau nhiều tuần giao tranh đẫm máu.

Ukraine gọi việc rút lui khỏi thành phố này là "rút lui chiến thuật" để chiến đấu từ địa thế cao hơn ở thành phố Lysychansk bên bờ đối diện của sông Siverskyi Donets. Lực lượng ly khai thân Nga cho biết, lực lượng của Moscow hiện đang tấn công Lysychansk.

Chiếm được Sievierodonetsk - thành phố với hơn 100.000 dân nhưng giờ đây là một vùng đất hoang tàn - là chiến thắng lớn nhất của Nga kể từ khi chiếm được thành phố cảng Mariupol vào tháng trước. Nó làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền đông sau nhiều tuần mà lợi thế hỏa lực to lớn của Moscow chỉ mang lại những bước tiến chậm chạp, theo Reuters.

Giờ đây Nga sẽ tìm cách thúc đẩy lực lượng và chiếm thêm lãnh thổ ở bờ đối diện, trong khi Ukraine hy vọng cái giá mà Moscow phải trả để chiếm được đống đổ nát của thành phố nhỏ này sẽ khiến lực lượng của Nga dễ bị phản công.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố trong một phát biểu qua video rằng, Ukraine sẽ giành lại các thành phố mà họ đã mất, bao gồm cả Sievierodonetsk. Thừa nhận tác động tinh thần của cuộc chiến, ông nói: "Chúng ta không biết cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, sẽ còn thêm bao nhiêu cú giáng, tổn thất và nỗ lực nữa trước khi chúng ta thấy chiến thắng phía trước".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (bên phải) và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel tổ chức một cuộc họp giao ban chung hôm 21/6/2022 tại Kyiv, thủ đô Ukraine. (Ảnh: Volodymyr Tarasov/Ukrinform/Future Publishing/Getty Images)

"Thành phố hiện đang bị Nga chiếm đóng hoàn toàn", Thị trưởng Sievierodonetsk, Oleksandr Stryuk, nói trên kênh truyền hình quốc gia. "Họ đang cố gắng thiết lập trật tự của riêng họ, theo như tôi biết họ đã chỉ định một chỉ huy nào đó".

Ông Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với tờ Reuters rằng Ukraine đang thực hiện "một cuộc tái tập hợp chiến thuật" bằng cách rút lực lượng ra khỏi Sievierodonetsk.

"Nga đang sử dụng chiến thuật mà họ đã sử dụng ở Mariupol: xóa sổ thành phố khỏi mặt đất", ông nói. "Trước tình hình đó, duy trì phòng thủ trong đống đổ nát và giữa đồng trống không còn khả dĩ nữa. Vì vậy các lực lượng Ukraine sẽ rời sang địa thế cao hơn để tiếp tục các hoạt động phòng thủ".

Bộ Quốc phòng Nga cho biết "kết quả của chiến dịch tấn công thành công" là lực lượng Nga đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với Sievierodonetsk và thị trấn Borivske gần đó.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một đại diện của các chiến binh ly khai thân Nga cho biết, các lực lượng Nga và thân Nga đã tiến vào Lysychansk bên kia sông và đang chiến đấu trong các khu vực đô thị ở đó.

Một phụ nữ đi ngang qua một miệng hố đạn pháo trước một tòa nhà dân cư bị hư hại ở thị trấn Siversk, vùng Donetsk, hôm 23/6/2022, trong bối cảnh 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ năm. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Trong khi cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế chiến II bước sang tháng thứ năm, một loạt phi đạn của Nga cũng dội xuống các cơ sở quân sự ở miền tây và miền bắc Ukraine và một thành phố ở miền nam, các quan chức Ukraine cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới vào ngày 24/2, khơi mào cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

Kể từ khi từ bỏ cuộc tiến công sớm nhắm vào thủ đô Kyiv trong điều được gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt," Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã chuyển trọng tâm chính sang Donbas, một vùng lãnh thổ phía đông gồm các tỉnh Luhansk và Donetsk.

Việc chiếm được Sievierodonetsk có thể được Nga xem là bằng chứng cho thấy sự sáng suốt của họ khi chuyển từ nỗ lực "chiến tranh chớp nhoáng" thất bại lúc đầu sang một cuộc tiến công dai dẳng, phụ nhiều hơn vào pháo kích tầm xa, theo Reuters.

Phương Tây tăng cường viện trợ cho Ukraine

Bất chấp những thất bại trên chiến trường, Kyiv đã giành được sự ủng hộ từ phương Tây, các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và đang không ngừng đổ vũ khí cho Ukraine.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 dự kiến ​​sẽ thể hiện sự ủng hộ lâu dài đối với Ukraine, và thảo luận về cách siết chặt các mối quan hệ với Nga tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Đức bắt đầu vào Chủ nhật (26/6).

Thủ tướng Boris Johnson gặp Tổng thống Zelenskyy tại Kyiv, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Anh)

Thủ tướng Anh Boris Johnson, xác nhận sẽ tham gia hội nghị và cho biết thêm, ông lo ngại Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với áp lực đồng ý một thỏa thuận hòa bình, và hậu quả của việc ông Putin lấn sân sang Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc tế.

Trong một dấu hiệu ủng hộ lớn, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đã chấp thuận tư cách ứng viên của Ukraine — một quyết định mà Nga hôm thứ Sáu (24/6) cho biết đã khiến EU trở thành "nô lệ" của các nước láng giềng.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sievierodonetsk rơi vào tay Nga sau những trận chiến đẫm máu nhất