Sinh viên Iran xuống đường biểu tình, bất chấp 'tối hậu thư' từ Lực lượng vệ binh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cuộc biểu tình tại Iran đã bước sang giai đoạn bạo lực hơn khi sinh viên nước này bất chấp tối hậu thư từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và cảnh báo từ tổng thống, vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình hôm Chủ Nhật (30/10). Theo Reuters, họ đã phải đối mặt với hơi cay và súng đạn.

Làn sóng biểu tình tại Iran kéo dài hơn 1 tháng qua, sau cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini, 22 tuổi. Cô bị cảnh sát đạo đức nước này giam giữ vì "trang phục không phù hợp" và sau đó qua đời vào ngày 16/9.

"An ninh là lằn ranh đỏ của Cộng hòa Hồi giáo và chúng tôi sẽ không cho phép kẻ thù thực hiện ý định làm suy yếu tài sản quốc gia quan trọng này dưới bất kỳ hình thức nào", Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên bố, theo truyền thông nhà nước.

Kể từ sau cái chết của cô gái Amini, người dân Iran từ mọi tầng lớp đã xuống đường biểu tình. Các giáo sĩ cầm quyền cho rằng, điều này gây nguy hiểm cho an ninh của Cộng hòa Hồi giáo.

Các nhà chức trách đã cáo buộc "kẻ thù không đội trời chung" của Cộng hòa Hồi giáo Iran là Mỹ và Israel (bao gồm cả các đặc vụ địa phương của họ) đã dàn dựng vụ biểu tình nhằm gây mất ổn định đất nước.

Làn sóng biểu tình sau cái chết của cô Amini vào ngày 16/9 đã trở thành một trong những thách thức khó khăn nhất đối với chính quyền giáo sĩ kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Trong đó, một số người biểu tình kêu gọi hành quyết Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hôm thứ Bảy (29/10) đã cảnh báo những người biểu tình rằng, đây sẽ là ngày cuối cùng họ xuất hiện trên đường phố. Đây cũng là cảnh báo cứng rắn nhất của chính quyền Iran, theo Reuters.

Tuy nhiên, các video trên mạng xã hội cho thấy đã diễn ra các cuộc đụng độ giữa sinh viên với cảnh sát chống bạo động và quân đội Basij vào ngày 30/10 tại các trường đại học trên khắp Iran.

Một video cho thấy một thành viên của lực lượng Basij xả súng ở cự ly gần vào sinh viên biểu tình tại một chi nhánh của Đại học Azad ở Tehran. Tiếng súng cũng được nghe thấy trong một video từ các cuộc biểu tình tại Đại học Kurdistan ở Sanandaj do nhóm nhân quyền HENGAW đăng tải.

Reuters không thể xác minh tính xác thực của video.

Trên khắp đất nước, các nhân viên an ninh đã xả hơi cay và dùng gậy gộc để ngăn cản sinh viên bên trong các trường đại học. Các sinh viên không có vũ khí bị đẩy lùi, một số hô vang "Cái chết cho Khamenei".

Lịch sử đàn áp

Kể từ ngày 29/10, ít nhất 10 bác sĩ, nhà báo và nghệ sĩ đã bị bắt giữ, theo các nguồn tin trên mạng xã hội. Theo hãng tin HRANA, tính đến ngày 29/10, 283 người biểu tình, bao gồm 44 trẻ em, đã qua đời. Ngoài ra, 34 thành viên của lực lượng an ninh cũng bị thiệt mạng.

Hơn 14.000 người đã bị bắt, bao gồm 253 sinh viên, trong các cuộc biểu tình ở 132 thành phố, thị trấn và 122 trường đại học, theo Reuters.

Trong quá khứ, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng bán quân sự Basij có lịch sử đàn áp phe đối lập. Hôm 31/10, họ tuyên bố rằng những người biểu tình đã xúc phạm họ tại các trường học và trên khắp đường phố. Các lực lượng này đe dọa sẽ tăng cường sử dụng vũ lực nếu các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn.

"Cho đến nay, Basij đã hết sức kiềm chế và kiên nhẫn", người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng ở tỉnh Khorasan Junubi, Chuẩn tướng Mohammadreza Mahdavi, nói với hãng thông tấn nhà nước IRNA.

"Nhưng mọi thứ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng tôi nếu tình hình vẫn tiếp tục", ông nói.

Các nhà báo Iran bị chính phủ cáo buộc là đặc vụ của CIA

Theo nguồn tin từ tờ Etemad của Iran và các ấn phẩm khác công bố hôm 30/10, hơn 300 nhà báo Iran kêu gọi thả hai đồng nghiệp bị bỏ tù của họ chỉ vì đã đưa tin về cái chết của cô gái Amini.

Nhà báo Niloofar Hamedi đã chụp bức ảnh bố mẹ Amini ôm nhau trong bệnh viện Tehran, nơi con gái họ đang nằm hôn mê.

Bức ảnh mà nhà báo Hamedi chia sẻ trên Twitter, là dấu hiệu đầu tiên cho thế giới thấy rằng cô Amini "không ổn". Cô đã bị cảnh sát đạo đức Iran bỏ tù 3 ngày trước đó vì trang phục không phù hợp.

Ông Elaheh Mohammadi đã làm lễ chôn cất cho cô Amini tại ngôi làng Saqez của người Kurd, nơi đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Hôm thứ Sáu (28/10), Bộ tình báo Iran và tổ chức tình báo Vệ binh Cách mạng đã đưa ra một tuyên bố chung, cáo buộc hai nhà báo Hamedi và Mohammadi là điệp viên nước ngoài của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Sinh viên và phụ nữ là những đối tượng chính tham gia biểu tình. Họ đốt mạng che mặt trong khi đám đông người biểu tình kêu gọi thế giới ủng hộ chấm dứt chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu tình hình, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Baqer Qalibaf tuyên bố rằng người dân đã đúng khi kêu gọi cải cách và yêu cầu của họ sẽ được thực hiện, miễn là họ tránh xa "tội phạm" trên đường phố.

"Chúng tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình không chỉ đúng đắn và cần thiết cho sự tiến bộ, mà các phong trào xã hội này sẽ ảnh hưởng đến luật pháp và sự lựa chọn nếu chúng bị cô lập khỏi những kẻ bạo lực, tội phạm và phần tử ly khai".

Huyền Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Sinh viên Iran xuống đường biểu tình, bất chấp 'tối hậu thư' từ Lực lượng vệ binh