Sợ hãi bị cô lập, Trung Quốc gấp gáp xích lại gần Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau nhiều năm hiếu chiến, Trung Quốc bắt đầu có động thái lôi kéo Ấn Độ. Bắc Kinh cảm thấy bất an về mối quan hệ thương mại ngày càng sứt mẻ với Nhật Bản và phương Tây, do vậy đã thúc đẩy giao thương với New Delhi. Dù vậy, việc thắt chặt quan hệ Trung - Ấn còn rất nhiều khó khăn.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã có những bước tiến đáng ngạc nhiên. Tổng thương mại qua lại giữa hai nước tăng 47% chỉ trong năm 2021, theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ. Trong khi đó, số liệu thống kê của Bắc Kinh chỉ kém ấn tượng hơn một chút, ghi nhận bước nhảy vọt 45%. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ tăng 49%. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc tăng ít hơn đáng kể nhưng vẫn ở mức cao là 21%.

Trung Quốc, với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, có vẻ rất vui mừng trước tình hình hiện tại. New Delhi cũng vậy, mặc dù nhiều người Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của Ấn Độ với Trung Quốc. Năm 2021, thâm hụt đó ở mức tương đương 64,5 tỷ USD, tăng khá nhiều so với mức 51,3 tỷ USD được ghi nhận chỉ 2 năm trước. Bắc Kinh đã lên tiếng sẵn sàng giúp Ấn Độ giải quyết tình trạng mất cân bằng; tuy vậy, New Delhi nhận thức rõ ràng rằng trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra những cam kết tương tự với Mỹ nhưng đều không thực hiện.

Trong khi đó, Ấn Độ đang cố gắng thay thế các sản phẩm của Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh cạnh tranh nội địa các sản phẩm mà đang nhập khẩu lượng lớn từ Trung Quốc. Bắc Kinh không mấy vui vẻ về động thái này của Ấn Độ, nhưng vẫn chỉ coi đó là mối đe dọa trong tương lai xa.

Bước ngoặt tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ là hoàn toàn đáng chú ý trong bối cảnh hai quốc gia này có lịch sử thù địch. Trong 70 năm qua, cả hai nước không ngừng tranh cãi về Đường kiểm soát ranh giới thực tế Trung - Ấn (Line of Actual Control) trên dãy Himalaya. Thật vậy, đã có hai cuộc đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo ranh giới này chỉ trong vài năm qua. Vào năm 2017, một số binh lính đã thiệt mạng ở vùng Doklam; và vào tháng 5 năm ngoái, điều tương tự cũng đã xảy ra ở Ladakh.

Ấn Độ cũng cực kỳ nhạy cảm về mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan - đối thủ của Ấn Độ kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào cuối những năm 1940. Các nguồn tin ở Ấn Độ đã nhanh chóng chỉ ra rằng, trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Pakistan, ông này không chỉ tham gia cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ở Islamabad mà còn nói về Kashmir - vùng đất nóng trong giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan. Sẽ rất khó để Bắc Kinh và New Delhi vượt qua lịch sử. Trong số khoảng 70 sự kiện được lên kế hoạch trong hoạt động tiếp cận ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm ngoái, đã không có sự kiện nào diễn ra.

Nguyên nhân gốc rễ của việc Trung Quốc xích lại gần Ấn Độ

Gốc rễ của việc Trung Quốc thay đổi thái độ với Ấn Độ thật rõ ràng. Nước này muốn Ấn Độ thay thế vị thế các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc như phương Tây và Nhật Bản.

Những rắc rối đầu tiên đã xuất hiện vào năm 2019 khi Tòa Bạch Ốc của ông Trump áp đặt mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc - mức thuế mà Tổng thống Joe Biden tiếp tục giữ nguyên. Đại diện thương mại của chính quyền Biden, bà Katherine Tai, tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc theo những cách không khác mấy với chính sách dưới thời ông Trump. Trong khi đó, một số dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội sẽ hạn chế việc người Mỹ mua hàng và đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Tất cả những điều này khác xa so với những lời cổ vũ chung chung và sự nhẫn chịu của chính quyền Obama và George W. Bush.

So với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ít đối đầu với Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ thương mại từng rất được hoan nghênh trước đây. EU đã thực thi một loại cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI). Canada cũng không mấy tha thiết trong việc đẩy mạnh quan hệ thương mại với Bắc Kinh, trong khi Nhật Bản và Úc ngày càng mất kiên nhẫn với cách thức làm việc độc đoán và không tuân thủ cam kết của Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại. Úc vẫn đang bị Trung Quốc áp mức thuế cao chỉ vì yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Trong khi đó, vào năm 2010, Bắc Kinh đã tạm ngừng xuất khẩu kim loại đất hiếm đến Nhật Bản bởi họ tức giận về các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Chiến tranh ở Ukraine đã làm gia tăng khó khăn của Trung Quốc trong việc giữ chân các đối tác thương mại lớn. Washington, London, Brussels, Tokyo và các cường quốc khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Bắc Kinh miễn cưỡng gia nhập, nhưng thương mại Trung - Nga vẫn tăng trưởng liên tục. Washington và các đồng minh đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả thương mại nếu có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đang cung cấp vũ khí cho Nga hoặc đang giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt. Cảnh báo này từ phương Tây và Nhật Bản thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là ở nền kinh tế tương đối lớn như Ấn Độ. Cũng cần nói rằng, New Delhi đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt Nga.

Tất nhiên, Ấn Độ không thể nào thay thế được các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ngay cả sau sự cải thiện ấn tượng vào năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ chỉ đạt 87,5 tỷ USD. Con số này còn xa mới chạm tới mức 480 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào năm ngoái hay 553,7 tỷ USD xuất khẩu sang EU. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Bắc Kinh có động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy mọi lựa chọn thay thế, đặc biệt là những nước như Ấn Độ - nơi có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn cải thiện quan hệ thương mại hơn nữa. Trung Quốc cần giảm bớt mức độ tổn thương tiềm tàng trong quan hệ thương mại với phương Tây và Nhật Bản. Ấn Độ muốn mở rộng nền kinh tế và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Những mong muốn và nhu cầu của đôi bên có thể sẽ vượt qua được thái độ thù địch lâu đời, và cũng có thể vượt qua lo lắng của Ấn Độ về vấn đề mất cân bằng thương mại. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian để Ấn Độ có thể thay thế cho hoạt động thương mại bị mất giữa Trung Quốc với Nhật Bản và phương Tây.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sợ hãi bị cô lập, Trung Quốc gấp gáp xích lại gần Ấn Độ