So sánh quân đội Mỹ và Trung Quốc, Phần 2: ‘Quân đội Con Một' của Trung Quốc thiếu nhuệ khí và kinh nghiệm chiến đấu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bị suy yếu vì thiếu nhuệ khí và kinh nghiệm chiến đấu. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Thép tốt không thể trở thành đinh”, có nghĩa là người tài giỏi không trở thành binh lính.

Chính sách con một, văn hóa thiếu tôn trọng người lính, lương thấp, thiếu kinh nghiệm chiến đấu và nhu cầu bảo vệ biên giới khiến cho PLA kém hiệu quả hơn quân đội Hoa Kỳ.

Thiếu nhuệ khí

Các chuyên gia quân sự Mỹ và Nhật Bản cho rằng quân đội PLA thiếu nhuệ khí một phần là do vị thế của người lính thấp kém trong xã hội Trung Quốc và cũng do chính sách con một lâu đời tại đất nước này.

Hơn 70% binh lính PLA là con một trong gia đình. Điều này khiến cho PLA trở thành “đội quân con một" hàng đầu thế giới. Nói chung, các bậc phụ huynh Trung Quốc có xu hướng bảo vệ con cái của họ hơn so với người Mỹ. Hơn nữa, văn hóa Nho giáo gây áp lực lớn đối với người con một trong việc chăm sóc cha mẹ.

PLA là một quân đội nghĩa vụ. Những ai gia nhập quân đội có thể không phải là tự nguyện.

Ngược lại, quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn là tự nguyện kể từ năm 1972 với khoảng 150.000 người tình nguyện gia nhập mỗi năm. Về trình độ học vấn, 67% binh lính Hoa Kỳ hoàn thành bậc trung học và/hoặc cao đẳng; 8,9% có bằng cao đẳng liên kết; 13,6% có bằng cử nhân; và 8,3% có bằng sau đại học. Về lương bổng, một trung sĩ bộ binh kiếm được 36.000 đô la Mỹ một năm trong khi một sĩ quan kiếm được 83.400 đô la một năm và một nhà phân tích tình báo có thể được trả lên đến 71.000 đô la một năm. Mặc dù nhiều công việc trong quân đội Hoa Kỳ không được trả lương cao như các công việc dân sự tương đương nhưng không có sự chênh lệch lớn như trong quân đội Trung Quốc.

Cho đến năm 2019, một đại tá của PLA chỉ kiếm được khoảng 24.000 đô la một năm trong khi người đồng cấp thuộc quân đội Hoa Kỳ lại kiếm được tới 124.000 đô la. Đầu năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo tăng 40% lương cho PLA. Một đại tá đã nói với tờ South China Morning Post rằng sau khi được tăng lương, ông sẽ chỉ kiếm được hơn 36.000 đô la một năm. Một tân binh của PLA trước đây được trả 1.876 đô la một năm, nay sẽ kiếm được 2.600 đô la sau khi tăng lương. Trong khi đó, một binh nhì của quân đội Hoa Kỳ kiếm được 20.000 đô la một năm.

Lương cao hơn có thể phần nào giúp thu hút được nhân tài nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí duy trì quân đội. Dưới thời Tập Cận Bình có khoảng 300.000 quân nhân giải ngũ.

Thiếu kinh nghiệm chiến đấu

Một sự khác biệt đáng kể nữa giữa PLA và quân đội Hoa Kỳ là Hoa Kỳ có 2,77 triệu quân nhân đã tham chiến trong hơn 20 năm qua. Kể từ Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991, quân đội Hoa Kỳ đã tham gia vào những cuộc hành quân chiến đấu gần như liên tục.

Ngược lại, quân đội Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Một vài ví dụ như: năm 1959, PLA đã đánh bại Tây Tạng - một quốc gia chỉ bằng khoảng 0.21% Trung Quốc; quân đội Trung Quốc bị chống trả trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979; Trung Quốc có trận giao tranh nhỏ trên biển với Việt Nam vào năm 1988; PLA giao chiến trong xung đột biên giới với quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan năm 2020.

Trận đánh lớn cuối cùng mà PLA tham gia là trận chiến chống Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Và chắc hẳn không có nhiều cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên vẫn còn phục vụ trong PLA.

Thậm chí, sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu còn thể hiện trong cả thời bình. Vào năm 2018, một tàu ngầm Trung Quốc đang tuần tra bí mật trong lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp trên biển Đông đã bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện. Chiếc tàu ngầm ngay lập tức nổi lên, giương cờ Trung Quốc. Điều này khẳng định với Nhật Bản và thế giới rằng một chiến thuyền Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản khiến Bắc Kinh không thể chối cãi.

Phía Nhật Bản suy đoán lý do chiến thuyền của PLA nổi lên một cách nhanh chóng như thế là vì họ sợ bị tấn công bằng các đòn tấn công sâu. Theo luật Quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có quyền tấn công “tàu ngầm không xác định" xâm phạm lãnh hải của họ. Bằng cách giương lá cờ Trung Quốc, chiếc tàu ngầm này tránh được việc bị đánh hủy nhưng đã tiết lộ nhiệm vụ bí mật của họ.

Không phải tất cả 2,1 triệu binh sĩ tại ngũ của PLA đều sẵn sàng khai triển chiến đấu với Hoa Kỳ. Hai triệu binh sĩ phục vụ trong lực lượng mặt đất bảo vệ 14 biên giới của Trung Quốc. Theo cơ quan Ngũ Giác Đài của Hoa Kỳ khoảng 80% trong số đó thiếu thiết bị và khả năng di chuyển trong Trung Quốc.

ĐCSTQ cần duy trì quân đội ở biên giới Afghanistan để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra. Trung Quốc cũng cần duy trì lượng lớn quân đội đồn trú tại biên giới Ấn Độ. Trong quá khứ, Trung Quốc đã tham gia hai cuộc chiến tranh biên giới giới hạn với Ấn Độ và một số cuộc giao tranh gần đây. Ngoài ra, Ấn Độ là một phần của Bộ Tứ, một hiệp ước quốc phòng do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm chống lại các mối đe dọa của nhà nước Trung Quốc. Vì thế, ĐCSTQ không thể đưa quân đội ra khỏi biên giới đó.

ĐCSTQ đã phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam và Việt Nam là một đồng minh của Hoa Kỳ - vì vậy, Trung Quốc không thể đưa quân ra khỏi biên giới đó. Mặc dù Pakistan là một nhà nước có mối quan hệ liên kết nhưng ĐCSTQ vẫn cần duy trì quân đội tại biên giới ở đây bởi vì mối đe dọa khủng bố. Nga chỉ là một đồng minh không thường xuyên mà Trung Quốc không bao giờ tin tưởng. Do đó, quân đội tại biên giới Nga - Trung vẫn phải được duy trì. Hơn nữa, Trung Quốc có chung biên giới trên biển với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan - tất cả đều là đồng minh của Hoa Kỳ.

Ngược lại, Hoa Kỳ có hai biên giới đất liền bất khả xâm phạm để lại phần lớn lực lượng sẵn sàng khai triển ra nước ngoài. Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ được giáo dục tốt hơn, quân đoàn sĩ quan có nhiều kinh nghiệm chỉ huy hơn và quân đội Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn PLA.

Đọc phần 1 ở đây.

Diệp Thanh

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

So sánh quân đội Mỹ và Trung Quốc, Phần 2: ‘Quân đội Con Một' của Trung Quốc thiếu nhuệ khí và kinh nghiệm chiến đấu