Solomon đình chỉ các chuyến thăm của hải quân Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Quần đảo Solomon thông báo đình chỉ tất cả chuyến thăm hải quân Mỹ, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Canberra cho biết hôm thứ Ba (30/8). Động thái này khiến cho mối quan hệ Mỹ-Solomon tiếp tục xấu đi kể từ khi đạt được một hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng bắt nạt và chèn ép các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để phục vụ lợi ích cho riêng mình.

Thông báo được đưa ra sau một sự cố xảy ra vào thứ Ba tuần trước (23/8), khi một tàu tuần tra USCGC Oliver Henry của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, không được cấp phép nhập cảnh vào thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon khi đang làm nhiệm vụ tuần tra chống đánh bắt cá bất hợp pháp ở Nam Thái Bình Dương.

Quần đảo Solomon có mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh kể từ khi đạt được một hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào đầu năm nay.

"Vào ngày 29/8, Hoa Kỳ đã nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ Quần đảo Solomon về việc tạm hoãn tất cả các chuyến thăm của hải quân trong khi chờ cập nhật về các thủ tục giao thức", đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare trước đó đã phủ nhận thông tin về lệnh tạm hoãn và nói với Reuters rằng ông Sogavare sẽ có bài phát biểu vào chiều thứ Ba.

Ông Sogavare sẽ phát biểu chào mừng một tàu bệnh viện của hải quân Hoa Kỳ, USNS Mercy, đã cập cảng Honiara vào thứ Hai để thực hiện nhiệm vụ kéo dài hai tuần, ông nói.

Đại sứ quán Mỹ tại tại Canberra cho biết, tàu Mercy đã cập cảng trước khi có lệnh cấm.

"Tàu Mercy của Hải quân Hoa Kỳ đã được thông quan ngoại giao trước khi lệnh cấm được ban bố. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình", đại sứ quán Mỹ cho biết.

Tuần trước, tàu tuần duyên Hoa Kỳ Oliver Henry đang làm nhiệm vụ tuần tra chống đánh bắt cá trái phép ở Nam Thái Bình Dương thì đột nhiên không được phép cập cảng để để tiếp nhiên liệu tại Honiara, thủ đô của Solomons.

Bà Kristin Kam, nhân viên phụ trách công vụ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tại Hawaii, cho biết con tàu được lên kế hoạch cho một chuyến ghé cảng hậu cần như thường lệ ở Quần đảo Solomon.

Bà Kristin Kam cho biết trong một tuyên bố qua email: "Chính phủ Quần đảo Solomon đã không trả lời yêu cầu ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ để tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho con tàu ở Honiara".

Bà nói thêm: "Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang liên lạc với chính phủ Quần đảo Solomon và hy vọng rằng tất cả các tàu Mỹ sẽ được phép cập cảng trong tương lai".

Quan chức này cho biết, sau khi bị từ chối, tàu của Mỹ phải chuyển hướng sang Papua New Guinea.

Cảng Honiara, thủ đô của Quần đảo Solomon. (Ảnh: Brodie Cross/Australian Department of Defence/Getty Images)

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai cho biết "việc không cấp phép cập cảng cho con tàu Oliver Henry là rất đáng tiếc", và Hoa Kỳ hài lòng vì Mercy đã được cấp phép.

Tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH19) thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ, có nhiệm vụ chính là triển khai hỗ trợ y tế và dịch vụ phẫu thuật khẩn cấp, linh hoạt cho các lực lượng chiến đấu của cả hải quân, không quân và bộ binh. Tàu cũng tiến hành các nhiệm vụ phẫu thuật khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan đại diện Mỹ ở nước ngoài trong tình huống thảm họa hoặc cứu trợ nhân đạo.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, thật đáng tiếc khi thấy "Trung Quốc cố gắng bắt nạt và chèn ép các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực hiện yêu cầu của họ và phục vụ những lợi ích an ninh quốc gia của riêng họ, chứ không phải vì lợi ích rộng lớn hơn của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Trước đó, chính phủ Solomon và Trung Quốc đã loại trừ khả năng xây dựng một căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo mặc dù một bản dự thảo bị rò rỉ cho thấy thỏa thuận an ninh hai nước sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc cập cảng và tiếp liệu. Bắc Kinh cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.

Mỹ và các đồng minh nhiều lần bày tỏ lo ngại hiệp ước có thể làm đảo lộn các thỏa thuận an ninh khu vực và tạo chỗ đứng quân sự cho Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc khi nhấn mạnh rằng hiệp ước với Quần đảo Solomon chỉ tập trung vào chính sách trong nước, đồng thời chỉ trích phương Tây can thiệp tới chủ quyền của quốc đảo.

Cơ quan nghề cá của Diễn đàn quần đảo Solomon – khối gồm 17 quốc đảo Thái Bình Dương – có một trung tâm giám sát hàng hải đặt ở Honiara và tổ chức hoạt động giám sát chống đánh bắt trái phép thường niên với sự hỗ trợ của Úc, Mỹ, New Zealand và Pháp.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Solomon đình chỉ các chuyến thăm của hải quân Mỹ