Solomon gia nhập 13 quốc đảo Thái Bình Dương tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 29/9, Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương đã ra tuyên bố chung trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại thủ đô Washington, trong đó cam kết tăng cường quan hệ đối tác và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Quần đảo Solomon đã cùng với 13 quốc đảo Thái Bình Dương ký kết tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ở Washington, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.

Tuyên bố cho biết, các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế và bền vững, ứng phó với thiên tai và đại dịch COVID-19, cũng như duy trì an ninh của khu vực Thái Bình Dương.

"Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương hoan nghênh cam kết tăng cường vai trò của Mỹ, bao gồm việc Washington mở rộng sự hiện diện ngoại giao tại khu vực này cũng như tăng cường các mối quan hệ giữa người dân Mỹ với người dân các quốc đảo Thái Bình Dương và tăng cường sự hợp tác của Mỹ trên toàn khu vực", tuyên bố nêu rõ.

Đài ABC News của Úc đã đưa tin trước đó rằng, dự thảo về một thỏa thuận thương mại và an ninh do Trung Quốc đề xuất với các quốc đảo Thái Bình Dương dường như có "mục đích tương tự", đã bị hoãn hồi tháng 5 do thiếu sự đồng thuận.

Trước khi Mỹ ký tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon đã thông báo cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác rằng, họ sẽ không ký tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh vì quốc hội của họ cần thêm thời gian để xem xét.

Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh vào tháng 4, khiến các quốc gia khác lo ngại rằng, thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự cách bờ biển Australia 1.700 km và gây mất ổn định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Một tàu tuần duyên của Mỹ đã bị Solomon từ chối cho phép cập cảng theo lịch trình hồi cuối tháng 8, trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực.

Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương của Mỹ

Các nhà lãnh đạo Australia và Mỹ đã có nhiều bước tiến để chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm việc khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia.

Chính quyền ông Biden ngày 29/9 đã công bố khuôn khổ chiến lược về quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhằm tăng cường gắn kết và thịnh vượng trong khu vực, cũng như củng cố lợi ích an ninh của các quốc gia.

Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership Strategy) (pdf) ghi nhận sức ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trong khu vực.

“Sự cưỡng chế và ép buộc kinh tế của ĐCSTQ có nguy cơ làm suy yếu hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực và nói chung là của Mỹ", tuyên bố nêu rõ.

Ông Chris Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết: “Trung Quốc đang tìm cách thiết lập mối quan hệ quân sự với một số quốc gia ở Quần đảo Thái Bình Dương", theo VOA.

Ông Johnstone nói thêm rằng, có một dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi các căn cứ quân sự thực tế ở một số quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, khuôn khổ Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương không nhắm vào bất kỳ đối thủ nào cụ thể mà chỉ tìm cách phát triển tích cực trong khu vực thông qua tăng cường liên minh quân sự và hợp tác thương mại.

Mỹ đã viện trợ 1,5 tỷ USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ qua

Theo một quan chức chính quyền cấp cao, Mỹ đã cung cấp tới 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các đảo ở Thái Bình Dương trong thập kỷ qua.

Tờ VOA cho biết, trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh lịch sử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lập một quỹ tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho các quốc đảo này để phát triển nghề cá, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Theo một trong những sáng kiến ​​mới được các nhà lãnh đạo của Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương nhất trí, Mỹ sẽ đầu tư 20 triệu USD để thúc đẩy du lịch của Quần đảo Solomon và xóa đói giảm nghèo ở quốc đảo này.

Mỹ cũng sẽ khởi động một cuộc đối thoại thương mại và đầu tư mới với các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng cường an ninh hàng hải và cung cấp tới 3,5 triệu USD trong 5 năm để cải thiện kết nối internet của khu vực và hỗ trợ an ninh mạng.

Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia được gọi là các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) đã ký các hiệp ước với Mỹ. Theo đó, các thỏa thuận hiện tại với Mỹ của Quần đảo Marshall và Micronesia sẽ hết hạn vào tháng 9/2023, còn Palau thì hết hạn vào năm 2024, theo VOA.

Theo các hiệp ước sắp hết hạn được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do, ba quốc đảo Thái Bình Dương này nhận được viện trợ không hoàn lại và đảm bảo an ninh từ chính phủ Mỹ. Công dân của FAS có thể sống và làm việc tại Mỹ mà không cần thị thực.

Đổi lại, Mỹ có quyền xây dựng các căn cứ quân sự tại ba quốc đảo này và có thể khước từ quyền tiếp cận của nước ngoài đối với vùng biển, không phận và đất liền của ba quốc đảo đó.

Mỹ dự kiến ​​đàm phán cho cả ba Hiệp ước được cho là sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Solomon gia nhập 13 quốc đảo Thái Bình Dương tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ