Solomon kêu gọi Trung Quốc cung cấp cố vấn cảnh sát sau bạo loạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm ngày 23/12, quốc đảo Thái Bình Dương cho biết, Trung Quốc sẽ cử các sĩ quan cảnh sát đến Quần đảo Solomon để giúp đào tạo lực lượng cảnh sát. Kể từ khi nước này cắt đứt mối quan hệ ngoại giao 36 năm với Đài Loan để bắt tay với Bắc Kinh vào năm 2019, liên tục xảy ra bạo loạn trong làn sóng phản kháng.

Theo Nikkei Asia, tình trạng an ninh ở quần đảo Solomon trở nên bất ổn, đặc biệt là vào tháng trước khi hàng chục tòa nhà bị người biểu tình thiêu rụi. Việc Thủ tướng Manasseh Sogavare quyết định khởi động quan hệ với Trung Quốc đã làm dấy lên tranh chấp giữa chính phủ quốc gia và tỉnh đông dân nhất, Malaita. Các vấn đề trong nước khác cũng khuấy động sự bất bình.

Sáu sĩ quan liên lạc của cảnh sát Trung Quốc sẽ trang bị và huấn luyện cho Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Solomon Hoàng gia, một tuyên bố từ chính quyền Quần đảo Solomon cho biết.

“Trang bị của Trung Quốc bao gồm lá chắn, mũ bảo hiểm, dùi cui và các thiết bị phi sát thương khác sẽ nâng cao hơn nữa khả năng của lực lượng cảnh sát quần đảo Solomon trong việc đối mặt với các mối đe dọa trong tương lai", tuyên bố cho biết

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: "Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Quần đảo Solomon trong việc bảo vệ sự ổn định trong nước, các mối quan hệ song phương và các quyền và lợi ích của công dân Trung Quốc tại Quần đảo này".

Thủ tướng Sogavare đã quy trách nhiệm cho "các đặc vụ của Đài Loan" ở tỉnh Malaita về các cuộc biểu tình, trong đó hàng chục tòa nhà bị đốt cháy ở khu Phố Tàu của Honiara và các cửa hàng bị cướp phá, sau khi thủ tướng từ chối nói chuyện với những người biểu tình.

Đài Loan đã phủ nhận mọi liên quan đến tình hình bất ổn.

Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan được quản lý dân chủ là lãnh thổ của riêng mình và đã tăng cường sức ép quân sự và ngoại giao để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, làm gia tăng sự tức giận ở Đài Bắc và quan ngại sâu sắc ở Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây.

Để chống lại những lợi ích ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Australia đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương thông qua việc trở thành thành viên của nhóm "Bộ tứ", cùng với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.

"Chúng tôi biết về sự tham gia ​​của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh ở Honiara. Đây là vấn đề của chính quyền Quần đảo Solomon", người phát ngôn của bộ ngoại giao Australia cho biết trong một phản hồi qua email.

Khoảng 200 cảnh sát và binh sĩ từ Australia, New Zealand, Fiji và Papua New Guinea đã đến thủ đô Honiara của Solomons trong vòng vài ngày sau cuộc bạo loạn, theo yêu cầu của ông Sogavare.

Một số binh sĩ Úc đã được triển khai ở Honiara đã bắt đầu trở về nhà vào thứ Năm ngày 23/12.

Úc có một thỏa thuận an ninh song phương với Quần đảo Solomon. Cảnh sát Úc trước đây đã được triển khai ở đó vào năm 2003 trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình khu vực trong một thập kỷ.

Theo đài BBC, đầu tháng 12, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm thứ Hai, khi các nhà lập pháp bỏ phiếu áp đảo để giữ ông nắm quyền.

Nó diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi bạo loạn làm rung chuyển quốc đảo Thái Bình Dương trong ba ngày liên tiếp. Bạo loạn được thúc đẩy bởi sự bất bình trước quyết định chuyển quan hệ từ Đài Loan sang Trung Quốc của ông Sogavare vào năm 2019.

Lãnh đạo phe đối lập Matthew Wale đã đệ trình kiến ​​nghị "để ghi nhận sự tức giận về các vấn đề chính trị lâu nay".

Trong một phiên họp quốc hội hôm thứ Hai, ông Wale cáo buộc ông Sogavare lấy tiền từ Trung Quốc trong một nỗ lực để củng cố vị thế chính trị của mình, và nói rằng ông đang "phục vụ một cường quốc nước ngoài."

Nhưng ông Sogavare cho biết ông chuyển quan hệ ngoại giao vì Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, theo báo cáo của Reuters.

Trong bài phát biểu trước quốc hội kéo dài hai giờ, ông Sogavare nói rằng lời kêu gọi ông từ chức được "đưa ra trong bối cảnh một cuộc đảo chính bất hợp pháp được cố gắng". Tại một thời điểm, ông Sogavare được cho là đã đứng dậy, đập bàn và la hét với ông Wale.

Phong trào bất tín nhiệm cuối cùng đã thất bại, với 15 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, 32 phản đối và hai bỏ phiếu trắng.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Solomon kêu gọi Trung Quốc cung cấp cố vấn cảnh sát sau bạo loạn