'Sự cố khinh khí cầu' hé lộ tham vọng bá quyền của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba năm đổ lại đây, Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu di chuyển trong tầng bình lưu để quấy rối các đồng minh của Mỹ và giờ đây họ trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Hoa Kỳ. Vụ việc vừa qua là một cú sốc đối với người dân Mỹ, đồng thời cho thấy sự thiếu quyết đoán đầy bi thảm của chính quyền ông Biden.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả là những khinh khí cầu này đã đánh dấu một giai đoạn mới trong công cuộc theo đuổi quyền bá chủ về chính trị và quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hôm 1/2, khi cư dân của Billings, tiểu bang Montana chứng kiến ​​Lực lượng Không quân Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu khổng lồ dài 120 feet (36,5 m) với trọng tải lớn chạy bằng năng lượng mặt trời, người dân Mỹ đã vô cùng phẫn nộ. Ngay sau đó, chiếc khinh khí cầu được xác định là của Trung Quốc.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/2 tuyên bố đó là một khinh khí cầu “dân sự” đang “nghiên cứu khí tượng” hoặc thời tiết, “với khả năng tự điều khiển hạn chế” và bị thổi bay lệch khỏi lộ trình, nhưng nó có khả năng cơ động để cố ý tiếp cận hai căn cứ Không quân Mỹ: Malmstrom (AFB) của tiểu bang Montana và Warren AFB của tiểu bang Wyoming.

Mỗi một căn cứ này hiện đang giám sát 150 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Hoa Kỳ.

Ngay cả khi đó chỉ là một khinh khí cầu "thời tiết" của Trung Quốc, thì nó cũng đang thực thi một nhiệm vụ nghiêm trọng chết người: truyền thông tin chi tiết về thời tiết như nhiệt độ và mật độ khí quyển của Mỹ về Trung Quốc.

Trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân, những thông tin này là vô cùng trọng yếu, sẽ tiếp tay cho Lực lượng tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF) phá hủy các hầm chứa tên lửa ICBM của Mỹ.

Với những hệ quả hạt nhân nghiêm trọng như thế, thì tại sao hôm 3/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lại có đủ tự tin để hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự việc này và thúc giục Mỹ xử lý sự cố khinh khí cầu một cách “bình tĩnh”?

Có lẽ sự tự tin của Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều năm thực hiện các chiến dịch do thám tương tự nhắm vào các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Washington vẫn im lặng cho đến khi xảy ra vụ việc mới nhất.

Trong cuộc họp báo ngày 4/2, một "quan chức quốc phòng cấp cao" giấu tên tuyên bố rằng khinh khí cầu Trung Quốc "đã bay qua lục địa Hoa Kỳ ít nhất ba lần trong một thời gian ngắn" dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump và nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của ông ngay lập tức bác bỏ tuyên bố này.

Hành trình 'quấy rối' của khinh khí cầu do thám Trung Quốc

Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy rằng trong ba năm qua, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã quấy rối các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ và một căn cứ quân sự của nước này ở Hawaii.

Vào ngày 17/7/2020, một cấu trúc và tải trọng khí cầu tương tự đã được phát hiện ở Sendai, Nhật Bản.

Vào tháng 9/2021, một khinh khí cầu khác xuất hiện trên bầu trời Đài Bắc, Đài Loan. Sau đó, vào tháng 3/2022, khí cầu này bay qua Sân bay Tùng Sơn. Sân bay này có tầm quan trọng chiến lược đối với Đài Loan. Đây rất có thể là một mục tiêu của lực lượng đổ bộ đường không Trung Quốc.

Vào ngày 6/1/2022, khinh khí cầu tương tự đã được phát hiện xuất hiện trên không phận của Cảng Blair tại Ấn Độ, một cảng quân sự vô cùng trọng yếu của nước này. Cảng Blair thuộc Quần đảo Andaman, nằm gần Eo biển Malacca.

Vào ngày 16/2/2022, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết, họ đã điều động “máy bay chiến thuật” để điều tra một “vật thể ở tầm cao lơ lửng trên không” gần Hawaii, đặc biệt là đảo Kauai. Đảo Kauai của Hawaii nổi tiếng với Căn cứ Tên lửa Thái Bình Dương (PMRF). Quân đội Mỹ thường thử nghiệm công nghệ phòng thủ tên lửa và tiến hành các cuộc tập trận tại đây.

Vào ngày 18/12/2022, một khinh khí cầu lớn hơn di chuyển trong tầng bình lưu đã được phát hiện cách Vịnh Subic ở Philippines khoảng 62 dặm (99 km). Philippines đã cho phép Hải quân Mỹ quay lại căn cứ Vịnh Subic của nước này.

Chiến dịch quấy rối bằng khinh khí cầu của ĐCSTQ phát đi hai thông điệp

Thứ nhất, nó cho thấy rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang tích cực cạnh tranh trong "không gian gần" Trái đất. Đây là khu vực ngay bên dưới quỹ đạo Trái đất tầm thấp, ở độ cao khoảng 100 dặm (160 km). Đây cũng là nơi khí cầu tầm cao, máy bay không người lái và máy bay siêu thanh có thể tiến hành các nhiệm vụ trinh sát và tấn công, cũng như phá hủy các vệ tinh và nhanh chóng thay thế các vệ tinh này.

Ngoài chiếc khinh khí cầu di chuyển ở tầng bình lưu chứa đầy khí Heli (giống như chiếc gần đây bay qua Hoa Kỳ), vào năm 2015, Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (BUAA) đã trưng bày kết quả nghiên cứu một khí cầu lớn có thể di chuyển trong tầng bình lưu và chạy bằng năng lượng mặt trời.

Các học viện kỹ thuật quân sự Trung Quốc và các tập đoàn nhà nước, chẳng hạn như Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), cũng từng khoe khoang về các chương trình phát triển tương tự như phi thuyền Đằng Vân (Tengyun); máy bay không người lái (UAV) chạy bằng năng lượng mặt trời ở tầm bay rất cao; và một phương tiện siêu thanh chạy bằng động cơ phản lực hoặc động cơ tên lửa với chu trình hỗn hợp để phóng các trọng tải vào không gian hoặc thực hiện các nhiệm vụ do thám và tấn công tầm xa.

Thứ hai, chiến dịch khinh khí cầu do thám của Trung Quốc cho thấy ĐCSTQ và PLA đang bắt đầu triển khai các chiến dịch cưỡng chế quân sự từ các khu vực lân cận cho đến các khu vực xa xôi như Tây bán cầu.

Các tàu của Hải quân PLA thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra xung quanh và giữa các đảo của Nhật Bản, trong khi Đài Loan phải chịu sự quấy rối hàng ngày của Không quân PLA và Hải quân PLA.

Lực lượng Hải quân và Hàng hải Dân sự PLA quấy rối các đảo do Việt Nam và Philippines kiểm soát ở Biển Đông, trong khi các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc quấy rối Indonesia. Các tàu của Hải quân PLA diễu hành ngoài khơi nước Úc, và Hải quân PLA thiết lập sự hiện diện thường trực ở khu vực Ấn Độ Dương.

Vào tháng 9/2021, tàu khu trục lớn nhất của Hải quân PLA Type 055 - với độ choán nước là 12.000 tấn và dài gần 180 m - đã tiến hành một cuộc tuần tra “tự do hàng hải” giữa một số đảo Aleutian của Hoa Kỳ. Hoạt động này ít được giới truyền thông Hoa Kỳ chú ý.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc triển khai khinh khí cầu do thám bay ngang qua lục địa Hoa Kỳ cho thấy, một khi PLA đạt được các năng lực mới, họ sẽ sử dụng chúng để thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn nhằm đe dọa người Mỹ.

Như vậy, Hoa Kỳ có thể hình dung ra một viễn cảnh như sau:

Các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân PLA di chuyển ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Hoa Kỳ.

Các máy bay ném bom của Lực lượng Không quân PLA tiến hành các cuộc tuần tra tầm xa về phía đông Hawaii.

PLA tìm cách tiếp cận căn cứ quân sự và các cảng biển ở Trung và Nam Mỹ để bổ sung lối vào và căn cứ quân sự trên bờ biển phía tây của châu Phi.

Tham vọng của ĐCSTQ là cô lập Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác hòng làm bá chủ toàn cầu.

Không thể chấp nhận được việc ĐCSTQ có thể do thám nước Mỹ trong suốt bảy ngày, từ khi khinh khí cầu Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Hoa Kỳ hôm 28/1 cho đến khi nó bị bắn hạ vào ngày 4/2, trong khi chính quyền ông Biden còn đang tranh luận về việc có nên bảo vệ quốc gia hay không.

Như vậy, ĐCSTQ có thể rút ra một bài học là: Mỹ sẽ mất 7 ngày để quyết định xem có nên chống trả cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc hay không.

Mỹ phải làm gì để ngăn chặn sự việc tương tự?

Nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc dùng khinh khí cầu và máy bay không người lái để quấy rối các đồng minh của Mỹ và xâm phạm lãnh thổ Hoa Kỳ, Washington cần có giải pháp để đánh chặn thiết bị bay này, ví dụ như dùng đến máy bay vận tải đa năng hạng trung Lockheed-Martin C-130 không người lái.

Để chuẩn bị cho các cuộc tấn công quân sự trong tương lai của PLA ở Tây bán cầu, Mỹ cần trang bị một hạm đội lớn gồm các tàu khu trục cỡ nhỏ được trang bị vũ khí mạnh hơn khinh hạm tàng hình lớp Constellation.

Để đối phó với việc phóng chiếu sức mạnh của ĐCSTQ hay PLA ở Tây bán cầu và bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cần xây dựng một phi đội lớn gồm máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 4, cùng nhiều máy bay tiếp dầu và vận tải lớn hơn.

Hơn nữa, khi phải đấu tranh để bảo vệ các tài sản quân sự trong không gian và bảo vệ quyền tiếp cận Mặt Trăng của Mỹ và đồng minh, Mỹ phải phát triển các nền tảng và vũ khí để đối phó với năng lực của Trung Quốc trong không gian gần Trái đất.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Tác giả Rick Fisher là chuyên gia cấp cao về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế (Mỹ).



BÀI CHỌN LỌC

'Sự cố khinh khí cầu' hé lộ tham vọng bá quyền của Trung Quốc