Sự thật về những áp lực chính trị lên rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bức ảnh mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng để nói về đám cháy vào tháng 08/2019 ở Amazon là giả. Những gì bạn được kể về rừng nhiệt đới Amazon không nhất thiết là sự thật. Những gì truyền thông nói về Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và nỗ lực của ông ấy để bảo vệ rừng Amazon cũng chưa chắc đầy đủ và chính xác.

Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) tuyên bố rằng hơn 1/4 diện tích rừng nhiệt đới Amazon sẽ trở nên trơ trụi vào năm 2030 nếu tốc độ chặt phá tiếp tục ở mức như hiện nay. Trên thực tế, vào tháng 5/2022, nạn phá rừng ở Amazon đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhà khoa học về môi trường Michael Shellenberger, nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã giảm đáng kể trong 15 năm qua.

Ông Sérgio Moreira Lima là Đại sứ Brazil tại Úc. Ông Lima cho biết tình trạng phá rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil đã giảm đáng kể, giảm tới 72% trong 15 năm qua; đồng thời hơn 9,4 triệu ha rừng đã được trồng lại và 2 triệu ha đã được trồng mới.

Đại sứ Lima giải thích thêm rằng 66% toàn bộ cảnh quan của Brazil vẫn được bao phủ hoàn toàn bởi thảm thực vật bản địa, trong khi các khu bảo tồn quốc gia chiếm khoảng 1/4 lãnh thổ đất nước và 1/2 khu vực Amazon.

Ít nhất 84% diện tích ​​Amazon của Brazil vẫn duy trì trạng thái nguyên sơ, chưa bị tác động bởi con người. Mặc dù 66% lãnh thổ Brazil được bao phủ bởi thảm thực vật bản địa, quốc gia này vẫn là nhà sản xuất lương thực lớn thứ 4 thế giới. Brazil hoàn toàn tự cung tự cấp về lương thực thực phẩm cơ bản và được xếp hạng là nhà sản xuất số 1 thế giới về chuối, ca cao, sắn, cà phê, ngô, cam, gạo, đậu tương và đường.

Nỗ lực tuyệt vời bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil

Chính phủ Brazil gần đây đã thành lập Hội đồng quốc gia về Amazon để điều phối tất cả các công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững rừng nhiệt đới Amazon. Được ban hành vào tháng 4/2021, Kế hoạch Amazon (Amazon Plan) giai đoạn 2021-2022 đã đưa ra hướng dẫn nghiêm ngặt về chống phá rừng bất hợp pháp, ngăn chặn hỏa hoạn và các tội về môi trường và đất đai khác được thực hiện trong rừng nhiệt đới Amazon. Vào ngày 10/06, một "Lực lượng Quốc gia" đã được chính phủ Brazil triển khai tới khu vực này để đối phó với nạn buôn bán ma túy và tội phạm môi trường có tổ chức.

Nhờ đó, số lượng cảnh báo phá rừng ở Brazil đã giảm trong 2 tháng liên tiếp, số vụ cháy rừng đã giảm đáng kể trong 2 năm qua.

Sự thật ít người biết về rừng nhiệt đới Amazon, Nỗ lực tuyệt vời bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, Chiến dịch reo rắc thông tin sai lệch của giới tinh hoa toàn cầu về rừng nhiệt đới Amazon, Tổng thống Bolsonaro đảm bảo nguồn cung phân bón để bảo vệ rừng Amazon và an ninh lương thực Brazil và giúp tránh thảm họa đói toàn cầu, thông tin sai lệch và áp lực quốc tế đối với rừng nhiệt đới Amazon, rừng Amazon ở nước nào
Một chiếc thuyền đang lướt trên sông Jurura, đoạn qua thị trấn Carauari ở trung tâm rừng Amazon của Brazil, ngày 15/03/2020. (Ảnh: Florence Goisnard / AFP qua Getty Images)

Có thể thấy, thế giới có rất nhiều điều để học hỏi từ quốc gia này khi nói đến bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vậy mà, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ (Joe Biden), Pháp (Emmanuel Macron), Canada (Justin Trudeau) và Vương quốc Anh (Boris Johnson) không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để “đặt bẫy Brazil” về vấn đề rừng nhiệt đới Amazon.

Không có gì bất thường xảy ra tại Amazon của Brazil. Trong bối cảnh đó, chính phủ Brazil đã quyết định từ chối khoản viện trợ của các nước G7 trị giá 20 triệu USD để đối phó với đám cháy ở Amazon vào tháng 08/2019. Đây là một quyết định hợp lý. Brazil là nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và chắc chắn nước này không cần sự “giúp đỡ” như vậy từ các quốc gia khác.

Chiến dịch reo rắc thông tin sai lệch về rừng nhiệt đới Amazon

Dựa trên các bức ảnh mang tính cường điệu trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa "cuộc khủng hoảng quốc tế" tiềm tàng gây ra bởi vụ cháy rừng Amazon thành “điều đầu tiên" được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019. Trước khi Hội nghĩ diễn ra, ông Macron viết trên Twitter: “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Theo đúng nghĩa đen. Rừng nhiệt đới Amazon - lá phổi tạo ra 20% lượng oxy cho hành tinh của chúng ta - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế. Là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh G7, chúng ta trước tiên hãy thảo luận về tình huống khẩn cấp này! #ActForTheAmazon”.

Trước hết, tất cả những gì Tổng thống Pháp viết ở trên là hoàn toàn sai sự thật. Ông Dan Nepstad - chuyên gia hàng đầu thế giới về rừng nhiệt đới Amazon - giải thích rằng khu vực này “tạo ra rất nhiều oxy nhưng lại sử dụng cùng một lượng oxy thông qua quá trình hô hấp”.

Trên thực tế, ngay cả bức ảnh mà ông Macron sử dụng để nói về đám cháy ở Amazon cũng là giả - đó là bức ảnh của một nhiếp ảnh gia đã qua đời vào thời điểm đó. Các đám cháy nhìn thấy trong ảnh là do những người nông dân đang chuẩn bị đất để trồng trọt và chăn nuôi cho năm tới; khu đất này nằm sát cạnh rừng Amazon. Theo NASA, “khu vực Amazon hiếm khi xảy ra cháy trong nhiều năm vì thời tiết ẩm ướt khiến các đám cháy không thể bắt đầu và lan rộng”.

Dựa trên thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, ông Macron thậm chí còn đe dọa hủy bỏ một thỏa thuận thương mại lớn giữa Brazil và Liên minh châu Âu (EU). Có thể thấy, những nhà lãnh đạo toàn cầu này không thực sự quan tâm đến rừng nhiệt đới Amazon hay môi trường thế giới. Thay vào đó, họ chỉ phóng đại tác động của các đám cháy và nạn phá rừng ở Amazon để hạ bệ Tổng thống Brazil - người được coi là “Trump của vùng nhiệt đới”.

Một lý do khác có thể dùng để giải thích là lợi ích kinh tế toàn cầu ở khu vực phía bắc của Brazil - nơi có rừng nhiệt đới Amazon. Rừng nhiệt đới Amazon là kho tài nguyên thiên nhiên vô tận khổng lồ của người Brazil. Khu vực này có tỷ lệ nước ngọt, khoáng sản có giá trị và dầu mỏ lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 20% ​​các loài thực vật trên trái đất, nhiều loài trong số đó không được tìm thấy ở nơi nào khác.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo toàn cầu này lại nhấn mạnh vào các vấn đề môi trường, bởi qua đó, họ có thể làm suy yếu chủ quyền của Brazil.

Đảm bảo nguồn cung phân bón để bảo vệ rừng Amazon

Chính phủ của Tổng thống Bolsonaro cũng đang bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon bằng cách đảm bảo nguồn cung phân bón liên tục cho ngành nông nghiệp khổng lồ của nước này. Brazil là nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, trong đó 44% có nguồn gốc từ Nga.

Ngoài Nga, Brazil có thể lấy phân bón từ đâu?

Trữ lượng kali ở Brazil chủ yếu nằm tại khu vực Amazon. Theo ông Márcio Remédio, Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất - một công ty quốc doanh trực thuộc Bộ Khoáng sản và Năng lượng Brazil, “những trữ lượng này có chất lượng đẳng cấp thế giới. Chúng có tiềm năng hơn trữ lượng tại Dãy núi Ural do Nga và Belarus khai thác, và tại Saskatchewan ở Canada”.

Bằng cách đạt được một thỏa thuận với Nga để tiếp tục mua phân bón, chính phủ Brazil không chỉ ngăn chặn việc khai thác kali - một hành động có thể gây hại cho vùng Amazon, mà còn có khả năng cứu thế giới khỏi một cuộc khủng hoảng lương thực thảm khốc.

Ông Joseph Schmidhuber, nhà kinh tế đang nghiên cứu cho Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với lương thực, cho biết: “Nếu Brazil phải thu hẹp quy mô [sản xuất lương thực] vào năm tới vì thiếu phân bón, đó chắc chắn sẽ là tin xấu cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Như Tổng thống Bolsonaro đã chỉ ra, “Brazil nuôi sống một tỷ người. Chúng tôi đảm bảo an ninh lương thực cho 1/6 dân số thế giới”. Nói cách khác, chính phủ Brazil không chỉ tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực thảm khốc bằng cách bổ sung kho dự trữ lương thực của đất nước với sự giúp đỡ từ Nga, mà còn đóng vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ Amazon khỏi hỏa hoạn và nạn phá rừng. Các nhà lãnh đạo thế giới có rất nhiều điều để học hỏi từ nhà lãnh đạo Brazil khi nói đến an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Sự thật ít người biết về rừng nhiệt đới Amazon, Nỗ lực tuyệt vời bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, Chiến dịch reo rắc thông tin sai lệch của giới tinh hoa toàn cầu về rừng nhiệt đới Amazon, Tổng thống Bolsonaro đảm bảo nguồn cung phân bón để bảo vệ rừng Amazon và an ninh lương thực Brazil và giúp tránh thảm họa đói toàn cầu, thông tin sai lệch và áp lực quốc tế đối với rừng nhiệt đới Amazon, rừng Amazon ở nước nào
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham dự cuộc họp song phương tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 ở Los Angeles, California, ngày 09/06/2022. (Ảnh: Jim Watson / AFP qua Getty Images)

Áp lực quốc tế

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Cúpula das Américas ở Los Angeles (Mỹ), được tổ chức từ ngày 06/06 đến ngày 10/06, ông Bolsonaro đã cay đắng nói về những “thông tin sai lệch và áp lực quốc tế” đối với rừng nhiệt đới Amazon. Trong bài phát biểu của mình, ông nhắc nhở các nhà lãnh đạo khác rằng không có quốc gia nào trên thế giới làm nhiều hơn thế để bảo vệ môi trường thế giới.

Ông Bolsonaro nói: “Xét cho cùng, chúng tôi thải ra ít hơn 3% lượng khí thải nhà kính, mặc dù Brazil là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới”. Tổng thống Brazil cũng nhân cơ hội đó để ca ngợi ngành nông nghiệp của đất nước, nhắc nhở mọi người rằng nếu không có nó, "một phần của thế giới sẽ bị đói".

Kết luận, chúng ta đang chứng kiến ​​một chiến dịch có chủ đích chống lại nhà lãnh đạo của một quốc gia; quốc gia này đang bảo vệ rừng nhiệt đới của họ và có khả năng cứu thế giới khỏi nạn đói hàng loạt sắp xảy ra. Có thể cho rằng, mục tiêu cuối cùng của giới tinh hoa toàn cầu không chỉ là ngăn chặn sự tái đắc cử của một nhà lãnh đạo bảo thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Brazil, mà còn là tước đoạt đất đai của người dân Brazil bằng cách giành quyền kiểm soát một phần lớn đất đai và tài nguyên thiên nhiên của họ - trong đó có rừng nhiệt đới Amazon.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Augusto Zimmermann - The Epoch Times

Tác giả Augusto Zimmermann là Giáo sư và Trưởng khoa luật tại Viện Sheridan thuộc Đại học Sheridan ở Perth. Ông cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Luật học Tây Úc, Tổng biên tập của tờ The Western Australian Jurist, và từng là thành viên của ủy ban cải cách luật của Tây Úc giai đoạn 2012-2017. Ông Zimmermann là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm "Direito Constitucional Brasileiro", "Western Legal Theory" và "Christian Foundation of Common Law".



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật về những áp lực chính trị lên rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil