Sự thật về việc ĐCSTQ xóa nợ cho châu Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây không lâu, việc ĐCSTQ tuyên bố xóa nợ 23 khoản vay từ 17 quốc gia châu Phi đã được các cơ quan nghiên cứu tiết lộ. Theo đó, 23 khoản nợ mà Trung Quốc tuyên bố xóa cho châu Phi tổng cộng không quá 610 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số nợ 53,8 tỷ USD mà Trung Quốc hứa hẹn. Điều đó một lần nữa phơi bày hành vi gian lận và dối trá nhất quán của ĐCSTQ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia vay nợ của ĐCSTQ rơi vào tình trạng suy kiệt tài chính vì không trả được nợ, ĐCSTQ cũng đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần dở dang của nhiều dự án.

Vào ngày 18/8 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi rằng Bắc Kinh sẽ xóa 23 khoản nợ cho vay không tính lãi đến hạn vào cuối năm 2021 cho 17 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, ông Vương Nghị không nêu rõ 17 quốc gia mắc nợ và tổng số tiền trong 23 khoản nợ.

Theo đánh giá của Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu về các khoản vay của Trung Quốc cho châu Phi, 23 khoản nợ mà Trung Quốc đã xóa cho châu Phi tổng cộng không quá 610 triệu USD và có thể chỉ khoảng 45 triệu USD.

Theo trung tâm này, ĐCSTQ đã cam kết xóa nợ tổng cộng 53,8 tỷ USD cho châu Phi (đến hạn vào cuối năm 2021) từ năm 2000 đến năm 2012. Do đó, thông báo về việc xóa nợ của Vương Nghị vào tháng 8 năm nay thực tế chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các khoản vay của Trung Quốc dành cho châu Phi.

Tiến sĩ Tạ Điền, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Học viện Nam Carolina, Hoa Kỳ và là một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 14/9 rằng, ĐCSTQ đã đưa ra một tuyên bố về việc xóa các khoản nợ của 17 quốc gia. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có một phần được xóa nợ. Điều đó một lần nữa phơi bày hành vi gian lận và dối trá nhất quán của ĐCSTQ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Hiện đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ

Ông Tạ Điền cho rằng cách tiếp cận về sáng kiến "Vành đai và con đường" của ĐCSTQ thực sự rất vô đạo đức. Các nước phương Tây đã chỉ trích ĐCSTQ vì đã khiến nhiều nước kém phát triển đối mặt với gánh nặng nợ nần. ĐCSTQ đã đáp lại những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế bằng cách thể hiện cái gọi là "hành động tốt đẹp" của mình với thế giới bên ngoài, nhưng trên thực tế, số nợ dược xóa là rất nhỏ, và về cơ bản đó là một số khoản nợ không thể trả được.

Theo báo cáo nghiên cứu "Con đường cho vay ở Trung Quốc" do Viện nghiên cứu AidData của Mỹ, Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức phối hợp hoàn thành và công bố vào tháng 3 năm ngoái, từ năm 2000 đến năm 2017, tổng số tiền cho vay trực tiếp mà ĐCSTQ cam kết là khoảng 560 tỷ USD. Trong đó, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi là các mục tiêu cho vay chính của Trung Quốc.

Thông thường, các khoản vay của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu các nước đi vay phải tiết lộ chi tiết về hạn mức tín dụng, các kế hoạch xóa nợ và tái cơ cấu. Tuy nhiên, AidData và các báo cáo khác nói rằng các thỏa thuận cho vay của ĐCSTQ thường có thỏa thuận không tiết lộ, điều này nghiêm cấm quốc gia đi vay tiết lộ chi tiết hợp đồng, vì vậy việc thực hiện hợp đồng chủ yếu là một hoạt động bí trong bóng tối.

ĐCSTQ bề ngoài thúc đẩy tình hữu nghị với nước đi vay và giúp phát triển kinh tế của quốc gia đó, nhưng chi tiết một số hợp đồng được tiết lộ cho thấy, các hợp đồng cho vay của ĐCSTQ thường rất khắc nghiệt và không có lợi cho người đi vay.

Trong các hợp đồng mẫu do AidData nghiên cứu, 55% các hợp đồng cho vay yêu cầu người vay phải mở một tài khoản chuyên thu ngân hàng đặc biệt để đảm bảo trả nợ. Tất cả thu nhập từ các dự án do ĐCSTQ tài trợ phải được gửi vào tài khoản đặc biệt này, và phía Trung Quốc có quyền sử dụng số dư tài khoản để bù đắp khoản nợ của chủ tài khoản. Người đi vay phải duy trì số dư tối thiểu được chỉ định trong tài khoản, theo quy định trong hợp đồng nợ về các khoản thanh toán, lãi và phí phải trả.

Ví dụ, trong một hợp đồng được ký giữa ĐCSTQ và Venezuela, có quy định rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, với tư cách là người cho vay, có quyền sử dụng toàn bộ hoặc một phần số tiền trong tài khoản bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo cho nhà nước Venezuela.

Ngoài ra, hơn 90% các hợp đồng được nghiên cứu quy định rằng, ĐCSTQ có thể chấm dứt hợp đồng trong trường hợp có sự thay đổi lớn về luật pháp hoặc chính sách ở nước đi vay và yêu cầu trả ngay khoản vay đã giải ngân; 30% số hợp đồng quy định rằng nước đi vay chịu trách nhiệm về các chi phí thay đổi chính sách lao động và môi trường phát sinh.

Gần 3/4 hợp đồng bao gồm các điều khoản không được giải quyết việc tái cơ cấu nợ (hoặc tái cơ cấu tương tự) thông qua Câu lạc bộ Paris. "Câu lạc bộ Paris" là một nền tảng quốc tế quan trọng để giải quyết việc tái cơ cấu nợ song phương chính thức.

Các khoản vay nước ngoài của ĐCSTQ có mục đích chính trị

Ông Tạ Điền nói rằng những khoản nợ khổng lồ của các "con nợ" của ĐCSTQ đều do ĐCSTQ thực hiện khi thúc đẩy sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” và tham gia vào các hoạt động ngoại giao bị mua chuộc bằng tiền. Đây hoàn toàn không phải là viện trợ hay đầu tư thực sự, mà có động cơ chính trị mạnh mẽ để buộc các nước này ủng hộ ĐCSTQ trong các lá phiếu của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Theo thống kê từ báo cáo "Con đường cho vay ở Trung Quốc", về cơ bản tất cả các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc đều đến từ các ngân hàng chính thức của ĐCSTQ và do chính quyền ĐCSTQ thu xếp. Phân tích 1.046 khoản vay do chính phủ Trung Quốc cấp cho 130 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2014 cho thấy, 55% nguồn vốn đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank of China) và 36% từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank).

Một báo cáo do Viện Hudson công bố vào tháng 9 năm nay cho biết, ĐCSTQ đã thúc đẩy mạnh mẽ dự án “Vành đai và Con đường” trong những năm gần đây, ngoài việc tạo cơ hội kinh doanh cho các công ty Trung Quốc, mục đích lớn hơn là đảm bảo rằng tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, mạng kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích và mục đích của ĐCSTQ.

Hầu hết các khoản đầu tư của ĐCSTQ không bền vững về mặt kinh tế, vì việc cho vay được thúc đẩy bởi các cân nhắc chính trị. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 4/2019 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nhiều dự án “Vành đai và con đường” đã hoàn thành nhưng không thể biện minh cho các quyết định đầu tư ban đầu về tài chính của các nước đi vay.

Nhiều món nợ đã trở thành dự án dang dở của ĐCSTQ

Ông Tạ Điền cho biết, nhiều quốc gia vay nợ hiện không thể trả được các khoản nợ của ĐCSTQ, và nhiều quỹ đã bị các quan chức có liên quan biển thủ; hoặc ban đầu là một khoản đầu tư lãng phí. Vì vậy khoản nợ này đã trở thành một dự án dang dở của chính quyền ĐCSTQ .

Nhiều hợp đồng cho vay của ĐCSTQ bao gồm các điều khoản “cho vay tài nguyên” và “nợ bằng cổ phần và cơ sở hạ tầng”.

Nghiên cứu của AidData cho thấy trong gần 40% tài khoản thu đặc biệt của các quốc gia đi vay, tiền trong tài khoản đến từ thu nhập không liên quan đến dự án. Ví dụ, trong tài khoản đặc biệt của Ecuador và Venezuela, có thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ; tài khoản đặc biệt của Ghana có thu nhập từ xuất khẩu từ bauxite; tài khoản của Costa Rica có thu nhập từ tài sản tài chính, v.v. Những khoản tiền này được sử dụng để trả nợ của ĐCSTQ.

Năm 2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cung cấp cho Ecuador khoản vay 1 tỷ USD cho dự án dầu mỏ. 20% số tiền vay được yêu cầu phải được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ từ các nhà thầu của Trung Quốc. Ngoài ra, thỏa thuận cho vay cũng yêu cầu công ty dầu mỏ Ecuador bán ít nhất 380.000 thùng nhiên liệu mỗi tháng cho công ty dầu mỏ Trung Quốc trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, cũng như 15.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Tất cả số tiền thu được được gửi vào một tài khoản thu đặc biệt ở Ecuador, và tài khoản đặc biệt này được mở tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc của Trung Quốc, được điều chỉnh bởi luật pháp của ĐCSTQ.

Năm 2017, quốc gia Tây Phi Sierra Leone đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 659 triệu USD với Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để nâng cấp và mở rộng một bến tàu. Quy mô khoản vay tương đương 15% tổng sản phẩm quốc nội năm 2017 của Sierra Leone, nhưng mục đích chính của khoản vay này là tài trợ cho dự án mở rộng cảng của một tập đoàn gồm các công ty xây dựng, mua sắm và kỹ thuật Trung Quốc.

Ngoài ra, hợp đồng còn có thỏa thuận thế chấp cổ phần và thỏa thuận thế chấp tài sản. Người đi vay phải cầm cố cổ phần của họ trong dự án, cũng như thiết bị và các tài sản khác trong dự án làm tài sản thế chấp để trả nợ.

Cũng trong năm 2017, do không có khả năng trả nợ, Sri Lanka buộc phải giao quyền hoạt động 99 năm của Cảng Hambantota cho chính quyền Trung Quốc để trả nợ, điều này đã làm dấy lên sự phẫn nộ và chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật về việc ĐCSTQ xóa nợ cho châu Phi