Sức mạnh hệ thống Patriot mà Ukraine dùng để hạ gục 6 tên lửa siêu thanh Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine hôm thứ Ba cho biết họ đã bắn hạ 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga chỉ trong một đêm, đây sẽ là bước thụt lùi lớn đối với những nỗ lực của Moscow nhằm phát triển vũ khí không thể đánh chặn thế hệ tiếp theo.

Không rõ Kyiv đã sử dụng hệ thống phòng không nào để bắn hạ tên lửa này nhưng tuần trước quân đội Mỹ xác nhận Ukraine đã bắn hạ một tên lửa Kinzhal bằng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Patriot, viết tắt của Phased Array Tracking Radar for Intercept on Target, là một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không do Tập đoàn Raytheon chế tạo và được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới.

Hệ thống này lần đầu tiên được sử dụng thực chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, với các khẩu đội bảo vệ Ả Rập Saudi, Kuwait và Israel. Sau đó nó được sử dụng trong cuộc tấn công Iraq của Mỹ năm 2003.

Hệ thống Patriot được thiết kế trước khi vũ khí siêu thanh xuất hiện trên chiến trường. Raytheon chưa từng công khai rằng hệ thống này có hiệu quả chống lại tên lửa bay ở tốc độ siêu thanh hay không. Mặc dù Mỹ nói rằng hệ thống Patriot đã bắn hạ tên lửa Khinzal vào tuần trước, nhưng không rõ liệu tên lửa đó có di chuyển với tốc độ siêu thanh vào thời điểm đó hay không.

Trong khi tên lửa Kinzhal của Nga có thể đạt tốc độ lên tới 12.350 km/h, "việc Nga gọi Kinzhal là tên lửa 'siêu thanh' có phần gây hiểu lầm, vì gần như tất cả các tên lửa đạn đạo đều đạt tốc độ siêu thanh (tức là trên Mach 5) tại một số thời điểm trong hành trình bay của nó", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một báo cáo vào tháng 3 năm 2022.

Các thành viên của quân đội Đức lao về phía hai hệ thống phóng tên lửa Patriot trong buổi thuyết trình ngày báo chí tại trung tâm huấn luyện Luftwaffe Warbelow vào ngày 18 tháng 12 năm 2012 ở Warbelow, Đức. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Patriot là một hệ thống di động thường bao gồm radar mạnh, trạm điều khiển, máy phát điện, bệ phóng và các phương tiện hỗ trợ khác.

Hệ thống có các khả năng khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa đánh chặn - tên lửa được bắn từ khẩu đội - được sử dụng.

Tên lửa đánh chặn PAC-2 trước đó sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh, trong khi dòng tên lửa PAC-3 sử dụng công nghệ hit-to-kill tiên tiến hơn.

Không rõ loại hệ thống Patriot nào đã được tặng cho Ukraine nhưng có khả năng Kyiv có một số tên lửa đánh chặn PAC-3 CRI mới hơn.

Radar của hệ thống có tầm hoạt động hơn 150 km, theo thông báo từ NATO vào năm 2015.

Theo CSIS, một khẩu đội Patriot mới được sản xuất có giá hơn 1 tỷ USD, với 400 triệu USD cho hệ thống và 690 triệu USD cho các tên lửa trong một khẩu đội.

Ukraine cho biết họ cần nhiều hệ thống phòng không hơn để bảo vệ trước hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ lực lượng Nga.

Hoa Kỳ cũng đã cung cấp một cặp Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS cho Ukraine.

Mặc dù hệ thống Patriot được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa như máy bay và tên lửa đạn đạo, nhưng nó cũng có thể bắn hạ máy bay không người lái cảm tử mà Nga thường điều động để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Nhưng đó sẽ là một cách cực kỳ tốn kém để tiêu diệt những chiếc máy bay không người lái chỉ có giá vài chục nghìn USD. Trong khi đó, một quả tên lửa của Patriot có giá tới 3 triệu USD.

Raytheon đã chế tạo hơn 240 hệ thống Patriot và chúng hiện đang được sử dụng bởi 18 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Hệ thống này chứng kiến cầu cao ở Trung Đông vì mối đe dọa do Iran gây ra cho khu vực.

Theo Raytheon, hệ thống này đã đánh chặn hơn 150 tên lửa đạn đạo trong chiến đấu kể từ năm 2015.

Trong một diễn biến liên quan, ba quan chức Mỹ nói một số thành phần tổ hợp Patriot tại Ukraine bị hỏng do đòn tập kích của Nga, nhưng hệ thống vẫn duy trì hoạt động.

"Hệ thống phòng không Patriot bị hư hại do một đầu đạn chưa rõ chủng loại rơi gần trận địa, mức độ nghiêm trọng vẫn đang được đánh giá. Nó vẫn duy trì khả năng hoạt động", quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP hôm 17/5, thêm rằng Washington đã cử chuyên gia đến hiện trường sau khi Kyiv thông báo về tình trạng của tổ hợp Patriot.

CNN dẫn lời một nhóm quan chức Mỹ cho biết hai thành phần của tổ hợp Patriot đã bị hỏng, nhưng họ khẳng định hệ thống vẫn hoạt động trong suốt đòn không kích của Nga. Các bộ phận cụ thể không được tiết lộ, nhưng các quan chức Mỹ mô tả mức độ hư hại là "tối thiểu" và nhấn mạnh radar, một trong những thiết bị quan trọng nhất, không bị ảnh hưởng.

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày nói rằng đòn tập kích bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hỏng radar đa năng và 5 bệ phóng của tổ hợp Patriot Ukraine.

Nếu một thành phần bị hư hại nghiêm trọng, Ukraine sẽ phải rút hệ thống khỏi biên chế và chuyển ra nước ngoài, có thể là Ba Lan, để tìm phương án khắc phục.

Giới chức Mỹ cho rằng Nga đã thu được tín hiệu từ radar Patriot, sau đó sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để tập kích. Khác với những hệ thống phòng không tầm ngắn mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, Patriot có tính cơ động kém và khẩu đội lớn hơn, cho phép lực lượng Nga có thời gian ngắm mục tiêu.

Ukraine đang biên chế hai tổ hợp Patriot bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở Kyiv. Một đơn vị do Mỹ chuyển giao, hệ thống còn lại do Đức phối hợp cùng Hà Lan cung cấp.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Sức mạnh hệ thống Patriot mà Ukraine dùng để hạ gục 6 tên lửa siêu thanh Nga