Tác giả Tuyên bố Great Barrington tham gia vụ kiện 'Chính phủ thông đồng Big Tech đàn áp tự do ngôn luận'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai bác sĩ và một cựu giáo sư Trường Y Harvard đã ký vào đơn kiện cáo buộc chính phủ Mỹ và Big Tech (các công ty công nghệ lớn) thông đồng kiểm duyệt những tiếng nói bất đồng.

Hôm 02/8/2022, Tiến sĩ Bác sĩ Jay Bhattacharya và Tiến sĩ Martin Kulldorff — hai tác giả của Tuyên bố Great Barrington — đã tham gia cùng các bang Missouri và Louisiana vào vụ kiện, đang tiếp tục tiến triển lên bước điều tra thông tin, sau phán quyết gần đây.

Bác sĩ Aaron Kheriaty người đã bị sa thải vì từ chối tiêm vaccine COVID-19 cũng tham gia vụ kiện.

Cả ba đều nói rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi sự kiểm duyệt của Big Tech, và tin rằng các biện pháp trừng phạt đã chịu ảnh hưởng hoặc bị chỉ đạo bởi các quan chức chính phủ.

Ví dụ: tháng 4/2021, YouTube do Google sở hữu đã xóa một video về TS. BS. Bhattacharya và TS. Kulldorff đặt ra câu hỏi liệu khẩu trang có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 — virus gây bệnh COVID-19 hay không.

TS. Kulldorff cựu giáo sư Trường Y Harvard hiện đang làm việc tại Viện Brownstone cũng bị Twitter đình chỉ tài khoản trong nhiều tuần, sau khi đăng tải rằng khẩu trang mang lại cho mọi người cảm giác an toàn sai lầm, khiến họ có nhiều khả năng tiếp xúc với COVID hơn. Đó cũng chính là lý thuyết được các quan chức hàng đầu của Mỹ ủng hộ, cho đến lúc họ quay sang tán thành việc đeo khẩu trang trên diện rộng vài tháng sau khi đại dịch bắt đầu.

BS. Kheriaty cũng nói rằng mình đã bị Twitter kiểm duyệt.

"Tôi luôn chia sẻ các kết quả nghiên cứu đã qua bình duyệt, cũng như ý kiến ​​và quan điểm của riêng tôi trên Twitter và LinkedIn. Tuy nhiên, chỉ đến lúc tôi bắt đầu đăng thông tin về COVID và về các chính sách phản ứng với COVID của chúng ta, tôi mới gặp phải sự kiểm duyệt trên nền tảng Twitter", ông viết trong một tuyên bố nộp trong vụ kiện.

Trong khi đó, nhiều nền tảng đã có hành động chống lại Tuyên bố Great Barrington, vốn kêu gọi tập trung bảo vệ người cao tuổi trong khi để phần còn lại của xã hội sống cuộc sống bình thường. Tuyên bố Great Barrington đã bị các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) lúc bấy giờ là Francis Collins, phản đối kịch liệt.

Kết quả tìm kiếm trên Google ban đầu đặt trang web của Tuyên bố Great Barrington ở đầu danh sách, nhưng ngay sau đó đã xếp hạng trang này thấp hơn so với các bài viết chỉ trích Tuyên bố, theo tuyên bố từ TS. BS. BhattacharyaTS. Kulldorff. Reddit đã xóa các đường dẫn đến Tuyên bố, và Facebook đã xóa một trang dành riêng cho Tuyên bố, mặc dù sau đó họ đã khôi phục nó.

Giáo sư Y khoa Đại học Stanford, Tiến sĩ Bác sĩ Jay Bhattacharya, thành viên sáng lập Học viện Khoa học và Tự do thuộc Đại học Hillsdale, tại Trung tâm Kirby thuộc Đại học Hillsdale ở Washington, 17/03/2022. (Bao Qiu / The Epoch Times)

'Tự kiểm duyệt'

Các nhà khoa học này cho biết đã phải "tự kiểm duyệt" để cố gắng duy trì hoạt động trên các mạng xã hội.

Điều đó đôi khi có nghĩa là, hoàn toàn không đăng bài, và có những lần thì đăng bài sử dụng "cách viết sáng tạo", TS. Kulldorff cho biết.

Họ cũng nói rằng, thời điểm xảy ra các quyết định kiểm duyệt giúp khẳng định rằng, các động thái này là do chính phủ gây ra, bao gồm cả việc kiểm duyệt Tuyên bố Great Barrington đã xảy ra nhanh như thế nào sau khi Francis Collins kêu gọi "dập tắt tức tốc và tàn khốc" Tuyên bố Great Barrington trong khi trao đổi riêng với Anthony Fauci, và chê bai Tuyên bố này trước công chúng.

"Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho tôi thấy rằng, chính phủ đang phối hợp với Big Tech để trấn áp những người bất đồng quan điểm về khoa học", TS. BS. Bhattacharya chia sẻ với tờ Epoch Times.

Các quan chức chính phủ như cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã công khai thừa nhận mình đã xác định "các bài đăng có vấn đề" để Facebook kiểm duyệt chúng, và nêu ra vấn đề với các bài đăng trên Twitter, trong khi một số mạng xã hội thừa nhận đã tham khảo ý kiến ​các quan chức chính phủ về việc kiểm duyệt nội dung, theo bên nguyên đơn cho biết trong hồ sơ vụ kiện.

"Chiến dịch sâu rộng của chính phủ nhằm ngăn chặn quan điểm của các nguyên đơn và những người như họ, thể hiện sự bài trừ nghiêm trọng nhất đối với Tu chính án thứ nhất trong thời hiện đại, và chúng tôi mong muốn được chứng kiến ​​sự tàn bạo đối với hiến pháp này được sửa chữa trước tòa án luật", Jenin Younes một luật sư của Liên minh Tự do Dân sự Mới, đại diện cho các nguyên đơn mới tham gia vụ án — cho biết trong một tuyên bố.

Các nguyên đơn đã được thêm vào trong một đơn kiện mới sửa đổi, được đệ trình để phản ứng lại đề nghị của chính phủ về việc bãi bỏ vụ kiện.

Nhiều bị cáo hơn

Đơn kiện sau khi sửa đổi đã loại bỏ một bị cáo — Jen Psaki, người không còn làm việc trong chính phủ liên bang — và thêm vào một số bị cáo khác.

Những cái tên được thêm vào bao gồm Carol Crawford với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC); Cục Thống kê Dân số Mỹ và Jennifer Shopkorn, cố vấn cấp cao của Cục; Bộ Thương mại; Robert Silvers và Samantha Vinograd, các quan chức Bộ An ninh Nội địa; Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng và Jen Easterly, giám đốc Cơ quan; và Gina McCarthy, một cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng.

Những bị cáo trên không được nêu tên trong hồ sơ gốc.

Tổng thống Joe Biden, Bác sĩ Anthony Fauci, và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cũng nằm trong số các bị cáo có tên trong cả hai đơn kiện.

Các bị cáo mới được bổ sung vào sau khi có thông tin mới được đưa ra, bao gồm các email giữa CDC và các quan chức cấp cao tại các công ty Big Tech như Twitter.

Các email cho thấy Carol Crawford và các đồng nghiệp đã gặp gỡ và thảo luận về hoạt động chống lại cái gọi là thông tin sai lệch về COVID-19.

Cục Thống kê Dân số đã tham gia vào việc điều phối hoạt động, theo các bức thư cho thấy.

Hồ sơ sửa đổi nêu rõ, các bức thư "xác nhận các cáo buộc thông đồng giữa các quan chức [chính phủ] và các nền tảng mạng xã hội để kiểm duyệt các bài phát biểu, các diễn giả, và các quan điểm không được tán thành, như cáo buộc ở đây".

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tác giả Tuyên bố Great Barrington tham gia vụ kiện 'Chính phủ thông đồng Big Tech đàn áp tự do ngôn luận'