Tài sản các hộ gia đình Mỹ giảm lần đầu sau 2 năm do thị trường chứng khoán sụt giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tài sản của các hộ gia đình ở Mỹ đã giảm lần đầu tiên sau 2 năm trong 3 tháng đầu năm 2022, theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang công bố hôm 9/6 cho thấy.

Trong báo cáo, Cục Dự trữ Liên bang đổ lỗi tình trạng tài sản hộ gia đình giảm xuống là do sự sụt giảm "khá lớn" của thị trường chứng khoán xóa sổ 3 nghìn tỷ USD giá trị cổ phiếu của các hộ gia đình trong quý đầu tiên. Khoản thất thoát được bù đắp một phần nhờ giá trị bất động sản tăng 1,6 nghìn tỷ USD và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cao.

Giá trị tài sản ròng của hộ gia đình giảm 0,5 nghìn tỷ USD xuống còn 149,3 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên, giảm từ mức kỷ lục 149,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021. Đây chủ yếu là do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá cổ phiếu và giá nhà tăng mạnh, theo như Cục Dự trữ Liên bang cho biết.

Tuy nhiên, bảng cân đối của các hộ gia đình nhìn chung vẫn ổn định trong quý đầu tiên, nằm ở mức cao hơn khoảng 32,5 nghìn tỷ USD so với mức trước đại dịch.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình đã tăng trong 3 tháng đầu năm, với các khoản tiền gửi và tiền tệ thanh toán tăng khoảng 209 tỷ USD lên mức 4,29 nghìn tỷ USD. Tiền gửi tiết kiệm và có kỳ hạn tăng khoảng 59 tỷ USD lên 11,28 nghìn tỷ USD.

Các số liệu mới nhất đánh dấu sự sụt giảm tài sản của hộ gia đình lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát quý 1 năm 2020.

Tại những mặt khác, nợ của các hộ gia đình đã tăng 8,3% trong quý 1, lên mức 18,3 nghìn tỷ USD. Con số này cao hơn một chút so với quý trước, mà Cục Dự trữ Liên bang cho là phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vay thế chấp nhà lẫn tín dụng tiêu dùng.

Vay thế chấp nhà tăng 8,6% trong lúc giá nhà tăng. Tín dụng tiêu dùng không thế chấp tăng 8,7%, do sự tăng trưởng nhanh chóng của các khoản vay bằng thẻ tín dụng và vay mua ô tô.

Cục Dự trữ Liên bang lưu ý rằng: "Tỷ lệ giá trị tài sản ròng của hộ gia đình trên thu nhập khả dụng đạt xấp xỉ mức cao kỷ lục 8,2 được công bố trong quý trước, và vẫn cao hơn nhiều so với mức ngay trước đại dịch vào năm 2019".

Các số liệu mới nhất được đưa ra khi chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng trên toàn nước Mỹ. Lạm phát hàng năm của tháng 4 là 8,3%, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong 40 năm là 8,5% vào tháng 3.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 9/6 rằng giá khí đốt đạt mức lịch sử là trung bình 5 USD/gallon khó có thể giảm sớm.

Một số quan chức Nhà Trắng trong tuần này lưu ý rằng, giá khí đốt có thể sẽ tăng trong mùa hè.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói rằng, chính quyền Biden ngày càng có ít lựa chọn để làm hạ giá khí đốt.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang đặt mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2% mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết vào tháng 5 rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang xảy ra và "các sự kiện địa chính trị khổng lồ đang diễn ra trên khắp thế giới" có thể tác động đến các kế hoạch đó, nhưng các quan chức nên "kiểm soát những gì có thể kiểm soát được".

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tài sản các hộ gia đình Mỹ giảm lần đầu sau 2 năm do thị trường chứng khoán sụt giảm