Tại sao thỏa thuận hòa bình mới nhất của Tổng thống Trump giúp ‘tất cả đều hưởng lợi’ cho Hoa Kỳ, Sudan và Israel?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 23/10, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố hai sự kiện lịch sử trong quan hệ Mỹ-Sudan: thông báo chính thức cho Quốc hội rằng, sau 27 năm, Tổng thống dự định đưa Sudan ra khỏi danh sách Nhà nước bảo trợ khủng bố, đồng thời tuyên bố rằng Sudan đã bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.

Cả hai sự kiện đều là những tin tức đáng hoan nghênh và có khả năng đóng góp cho một Trung Đông và Đông Phi ổn định và thịnh vượng hơn.

Sudan nằm trong danh sách khủng bố từ năm 1993 vì hậu thuẫn các nhóm khét tiếng như al Qaeda và Hamas. Tuy nhiên, sau vụ tấn công 11/9, lo sợ phải chịu chung số phận với Afghanistan, Khartoum [Sudan] đã bắt đầu hợp tác với Hoa Kỳ đề chống khủng bố.

Kể từ đó, các nỗ lực liên tục nhằm loại bỏ Sudan khỏi danh sách Nhà nước bảo trợ khủng bố gặp nhiều cản trở, thường là do những quan ngại về nhân quyền đối với sự tàn bạo của chính quyền Khartoum ở những vùng như Darfur.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2019, một cuộc nổi dậy của đông đảo quần chúng ở Sudan đã châm ngòi cho cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhà độc tài Omar al-Bashir và sau đó buộc nhóm đảo chính phải thành lập chính phủ lâm thời dân sự.

Hoa Kỳ nhận ra cơ hội chưa từng có để một chính phủ dân sự, không theo đạo Hồi, thân thiện lên nắm quyền nên đã tìm cách hỗ trợ quá trình chuyển đổi kể từ đó.

Một trong những điều rõ ràng nhất là loại Sudan khỏi danh sách khủng bố. Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Obama đã bắt đầu quá trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khác mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Sudan. Chính quyền Tổng thống Trump đã hoàn tất quá trình này, nhưng việc Sudan nằm trong danh sách khủng bố vẫn là trở lực đối với nền kinh tế Sudan vốn đã lâm vào cảnh khốn cùng.

Trước khi lệnh khủng bố có thể được dỡ bỏ, Sudan phải đáp ứng tất cả các yêu cầu. Yêu cầu cuối cùng là giải quyết vụ kiện của gia đình các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố do Sudan hỗ trợ: Vụ đánh bom đại sứ quán năm 1998 ở Kenya và Tanzania, vụ đánh bom tàu khu trục U.S.S. Cole của Hoa Kỳ năm 2000 và vụ giết hại một nhà ngoại giao Hoa Kỳ năm 2008.

Ngày 22/10, Sudan đã chuyển khoản 335 triệu USD đã thỏa thuận vào một tài khoản ký quỹ, và ngay ngày hôm sau Tổng thống Donald Trump đã đưa ra thông báo chính thức cho Quốc hội rằng ông dự định loại Sudan khỏi danh sách khủng bố.

Quốc hội có 45 ngày kể từ ngày thông báo để hành động nếu họ muốn ngăn chặn biện pháp này. Một điểm đáng chú ý là có một phiên tòa đang diễn ra liên quan đến khả năng Sudan có sự đồng lõa trong vụ tấn công tòa tháp đôi ngày 11/9.

Sudan muốn được khôi phục quyền miễn trừ quốc gia, thì phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Hoa Kỳ, cho phép nước này không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đô la trong một phán quyết bất lợi trong vụ tấn công ngày 11/9 hoặc bất kỳ trường hợp nào trong tương lai.

Một giải pháp khả thi đang được đưa ra là Sudan sẽ vẫn chịu trách nhiệm về những thiệt hại phát sinh từ vụ tấn công 11/9, nhưng Quốc hội sẽ khôi phục quyền miễn trừ quốc gia của Sudan đối với bất kỳ trường hợp nào trong tương lai.

Ngay sau khi tuyên bố loại trừ Sudan khỏi danh sách khủng bố, chính phủ Hoa Kỳ xác nhận rằng Sudan và Israel đã bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hoa Kỳ đã trường kỳ nỗ lực thuyết phục các quốc gia Ả Rập thực hiện bước đi này. Sudan đang trở thành quốc gia thứ ba, sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, bình thường hóa quan hệ với Israel trong hai tháng qua.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 23 tháng 10 năm 2020: "Sudan và Israel đã đồng ý bình thường hóa quan hệ - một bước quan trọng khác hướng tới xây dựng hòa bình ở Trung Đông với một quốc gia khác tham gia Hiệp định Abraham. (Ảnh của ALEX EDELMAN / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 23 tháng 10 năm 2020: "Sudan và Israel đã đồng ý bình thường hóa quan hệ - một bước quan trọng khác hướng tới xây dựng hòa bình ở Trung Đông với một quốc gia khác tham gia Hiệp định Abraham. (Ảnh của ALEX EDELMAN / AFP qua Getty Images)

Có một điều gì đó không chắc chắn về bản chất thực sự của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Sudan và Israel. Quá trình này ban đầu tập trung vào việc xây dựng các liên kết kinh tế. Giữa hai nước đã tồn tại một số liên kết quân sự, vì Sudan đã hợp tác với Israel trong việc chống khủng bố trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chưa có thông báo công khai nào về việc mở đại sứ quán ở thủ đô của hai nước.

Cũng có thông tin cho rằng chính phủ lâm thời của Sudan sẽ cần đệ trình thỏa thuận lên hội đồng lập pháp của quốc gia, mà hiện tại vẫn chưa được thành lập để phê chuẩn.

Bất kể vẻ bề ngoài chuẩn xác của thỏa thuận cuối cùng là gì, hiện tại, đó là thỏa thuận các bên cùng có lợi:

  1. Sudan, đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và chính trị, sẽ nhận được một gói hỗ trợ lớn của Hoa Kỳ và có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm chuyên môn của Israel trong các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như công nghệ nông nghiệp. (Nhưng chính phủ sẽ phải quản lý cẩn thận những phần tử Hồi giáo trong nước, những người chắc chắn sẽ tức giận vì mối quan hệ được cải thiện với Israel);
  2. Israel chấm dứt sự cô lập ngoại giao của họ trong thế giới Ả Rập; và
  3. Hoa Kỳ đồng thời giúp đỡ đồng minh của mình là Israel và bằng cách tạo điều kiện cho một thỏa thuận có thể giúp Sudan về mặt kinh tế, hỗ trợ quá trình chuyển đổi chính trị mong manh nhưng đầy hy vọng ở Sudan

Nguyên Hương
Theo Daily Signal



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao thỏa thuận hòa bình mới nhất của Tổng thống Trump giúp ‘tất cả đều hưởng lợi’ cho Hoa Kỳ, Sudan và Israel?