Tại sao vụ nổ amoni nitrat ở Lebanon gây hậu quả tàn khốc đến vậy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ nổ amoni nitrat tại Beirut là một trong những tai nạn công nghiệp lớn nhất liên quan đến chất nổ của đất nước Lebanon. Thảm kịch càng trở nên tồi tệ hơn khi nó xảy ra trong bối cảnh đại dịch virus Corona Vũ Hán và khủng hoảng kinh tế của nước này.

Vào tối ngày 4/8, khi Pierre Khoueiry đang lên kế hoạch tổ chức sinh nhật cùng vợ và con trai 2 tuổi thì một vụ nổ làm vỡ cửa sổ căn hộ của gia đình của anh ở Beirut.

Cách đó khoảng 2,5 km, tại cảng của thành phố, một vụ nổ mạnh đã tạo ra một quả cầu lửa màu cam khổng lồ lên bầu trời, sau đó là một đợt sóng xung kích lớn làm lật các xe ô tô, phá hủy các tòa nhà và làm rung chuyển mặt đất khắp thủ đô Lebanon.

Khoueiry cũng một nhà nghiên cứu gen tại Đại học Hoa Kỳ Beirut cho biết: “Đó là một khoảnh khắc vô cùng khiếp sợ”.

Các nhà chức trách Lebanon nói rằng vụ nổ, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương và khoảng 300.000 người mất nhà cửa. Nó được gây ra bởi 2.750 tấn amoni nitrat, một hợp chất hóa học thường được sử dụng làm phân bón nông nghiệp, được lưu trữ 6 năm tại một nhà kho ở cảng.

Một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ nổ đang được tiến hành và các báo cáo ban đầu cho thấy có thể đó là do một đám cháy gần đó.

Vụ nổ là một trong những vụ nổ amoni nitrat lớn nhất từng được ghi nhận - mạnh đến mức tiếng nổ có thể được nghe thấy cách đó hơn 200 km ở Síp.

Andrea Sella, một nhà hóa học tại Đại học College London, cho biết chắc chắn amoni nitrat liên quan đến vụ nổ.

Hóa chất này cũng từng gây ra thảm họa công nghiệp nghiêm trọng trong quá khứ. Năm 1921, một vụ nổ tại nhà máy sản xuất amoni nitrat ở Oppau, Đức, khiến 561 người thiệt mạng và có thể nghe thấy tiếng nổ cách xa hàng trăm km. Và vào năm 2015, vụ nổ khoảng 800 tấn amoni nitrat ở cảng Thiên Tân, Trung Quốc, đã giết chết 173 người.

Được sản xuất dưới dạng các hạt nhỏ giống như muối ăn, amoni nitrat rẻ và thường an toàn khi sử dụng, nhưng việc lưu trữ nó có thể gây một vấn đề. Theo thời gian, hợp chất này hấp thụ độ ẩm làm cho các hạt kết dính với nhau thành một tảng lớn. Khi một lượng lớn amoni nitrat nén như vậy tiếp xúc với nhiệt độ cao - ví dụ, một đám cháy ngẫu nhiên - nó có thể phát nổ. Sóng xung kích sau một vụ nổ kiểu như vậy tạo ra một vùng áp suất cao di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh, làm vỡ kính và gây ra thương vong cho con người.

Tuy nhiên ở Beirut, thảm họa đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn vì những lý do không liên quan đến vụ nổ. Những nỗ lực cứu chữa những người bị thương trở nên khó khăn do các bệnh viện gần nơi xảy ra vụ nổ cũng bị thiệt hại. Ngoài ra, nhiều bệnh viện trong số đó cũng đang căng mình chống chọi với đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Paul Gardner-Stephen, chuyên gia nghiên cứu công nghệ giảm nhẹ thiên tai tại Đại học Flinders ở Adelaide, Australia, cho biết những người không được hỗ trợ y tế đủ nhanh có thể sẽ phải gánh chịu thương tật suốt đời. Ông nói: “Cuộc sống và sinh kế sẽ bị mất đi, vì khả năng ứng phó hạn chế”.

Charlotte Karam, một nhà khoa học xã hội tại Đại học Hoa Kỳ Beirut, cho biết Lebanon cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ tháng 10 năm 2019. Kể từ khi đồng tiền của nước này bắt đầu mất giá so với đồng đô-la Mỹ, giá lương thực tăng cao và khoảng 1/3 người dân nước này thất nghiệp.

Bây giờ, với việc cảng của Beirut và hầm chứa ngũ cốc chính của đất nước - gần với nhà kho chứa nitrat amoni - bị phá hủy, tình hình càng trở nên trầm trọng.

Karam nói rằng hậu quả của vụ nổ sẽ ảnh hưởng trên toàn quốc. Bà nói: “Đây là một cuộc khủng hoảng chồng lên nhiều cuộc khủng hoảng khác - khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng sức khỏe. Chúng ta cần hành động cùng nhau để tái thiết Lebanon”.

Trong một động thái mới, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab hôm 10/8 thông báo toàn bộ chính phủ của ông từ chức sau vụ nổ thảm khốc ở Beirut.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Thủ tướng Diab nói rằng vụ nổ kho vật liệu dễ nổ cất trữ tại cảng ở thủ đô trong 7 năm qua là “hậu quả của nạn tham nhũng”.

"Hôm nay chúng tôi tuân theo ý muốn của người dân với yêu cầu truy cứu những người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, những người đã trốn tránh suốt 7 năm. Và chúng tôi đáp ứng nguyện vọng về sự thay đổi thực sự của người dân... Tôi thông báo hôm nay toàn bộ chính phủ từ chức", ông Diab phát biểu.

Amoni nitrat là gì?

Amoni nitrat hay còn gọi ammonium nitrate là một hợp chất hóa học, có công thức hóa học là NH4NO3, là một tinh thể màu trắng và hòa tan cao trong nước trong nhiệt độ bình thường và áp suất tiêu chuẩn.

NH4NO3 từng có thời kỳ chiếm 80% được sử dụng làm chất nổ ở Bắc Mỹ, tuy nhiên hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang dần loại bỏ việc sử dụng nó do lo ngại về khả năng bị lạm dụng gây nguy hiểm.

Amoni nitrat là chất ôxi hóa mạnh, amoni nitrat tạo thành một hỗn hợp chất nổ khi kết hợp với nhiên liệu như hyđrô, thường là dầu diesel (dầu) hoặc kerosene. Amoni nitrat cũng được sử dụng trong các loại thuốc nổ quân sự như bom phát quang BLU-82B/C-130 được thả từ máy bay MC-130, và là một thành phần của vật liệu nổ amatol, làm từ hỗn hợp của TNT và NH4NO3. Các hỗn hợp sử dụng trong mục đích quân sự thường pha chế thêm gần 20% bột nhôm nữa để tăng sức công phá…

Tuy nhiên ngày nay, ứng dụng phổ biến nhất của amoni nitrat là để sản xuất phân bón, do nó chứa nhiều nitơ cần thiết cho cây trồng bởi cây cần nitơ để tạo ra các protein và được sản xuất công nghiệp với giá không quá đắt.

Văn Thiện

Theo Nature, Zingnews, Nongnghiep



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao vụ nổ amoni nitrat ở Lebanon gây hậu quả tàn khốc đến vậy?