Taliban, Nga và Trung Quốc: Hợp tác nhưng không Liên minh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Taliban ở Afghanistan đang mở rộng thương mại và hợp tác với Nga và Trung Quốc, nhưng khó có thể hình thành một liên minh thực thụ.

Đầu tháng này, Kabul và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận trị giá 540 triệu USD để phát triển các mỏ khai thác dầu khí tại Afghanistan. Đây là thỏa thuận lớn nhất mà Taliban từng ký kết kể từ khi lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021.

Ngay sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, nền kinh tế của đất nước này đã sụp đổ ngay lập tức. Không có chính phủ phương Tây nào công nhận chính quyền Taliban, và thậm chí Taliban được coi là một tổ chức khủng bố trên toàn cầu. Hơn nữa, Kabul đã bị trừng phạt, hạn chế dòng tiền chảy vào nước này. Washington cũng đóng băng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan được giữ tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ gửi số tiền này vào một quỹ ủy thác và chỉ giải ngân sau khi Kabul có một chính phủ ổn định và được quốc tế công nhận.

Kể từ tháng 8/2021, nền kinh tế Afghanistan đã suy giảm từ 20% đến 30%. 97% dân số nước này hiện đang sống dưới mức nghèo khổ, trong khi 95% dân số cho biết, họ vừa trải qua nạn đói trong năm 2022. Afghanistan giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài, mà Hoa Kỳ là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo lớn nhất cho nước này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ đã đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt về việc gửi viện trợ cho quốc gia này, nhằm đảm bảo rằng tiền đến tận tay người dân chứ không phải chảy vào túi các quan chức chính phủ.

Nhiều nhóm viện trợ quốc tế đang cân nhắc lại các khoản viện trợ cho Afghanistan, khi chính quyền Taliban thắt chặt các hạn chế đối với sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống cộng đồng.

Các bé gái không được đến trường, còn phụ nữ không được làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 28/12/2022 rằng, nếu phụ nữ Afghanistan không được phép đảm nhiệm công việc trong các tổ chức phi chính phủ thì một số chương trình viện trợ sẽ phải tạm dừng.

Trữ lượng khoáng sản của Afghanistan, bao gồm khoáng sản đất hiếm, ước tính trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD. Các biện pháp trừng phạt đã cản trở nhiều quốc gia phương Tây rót tiền vào các dự án khai thác khoáng sản, điều này vô hình trung đã “trải thảm” cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Hiện tại, một công ty khai khoáng quốc doanh đang đàm phán với Taliban về việc khai thác đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại đáng kể về vấn đề an ninh. Trong khi Taliban kiểm soát phần lớn đất nước, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tích cực phản đối sự cai trị của Taliban và sự hiện diện của Trung Quốc. Vào tháng 12/2022, nhóm khủng bố IS đã đánh bom một khách sạn do người Trung Quốc sở hữu ở thủ đô Kabul.

Bên cạnh mối đe dọa về các cuộc tấn công của IS, một yếu tố khác thúc đẩy Taliban bắt tay với Bắc Kinh là việc Afghanistan chứa chấp Phong trào Hồi giáo Turkistan, trước đây gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (East Turkestan Islamic Movemen - ETIM). Đây là một nhóm chiến binh người Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan và không ngừng phản đối cuộc đàn áp của Trung Quốc khu vực Tân Cương.

Sự dính líu của Bắc Kinh với Taliban cũng đang làm tổn hại đến mối quan hệ của họ với Islamabad. Tổ chức khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), còn được gọi là Taliban Pakistan - một tổ chức có liên kết chặt chẽ với Taliban ở Afghanistan - đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan. Mục tiêu đã nêu của TTP là đánh bại quân đội Pakistan và nắm quyền kiểm soát khu vực Afghanistan - Pakistan. Islamabad lo ngại rằng dòng tiền chảy từ Bắc Kinh đến Kabul sẽ được dùng để tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan.

Quân đội Pakistan đã kêu gọi tấn công phủ đầu nhắm vào lực lượng nòng cốt của TTP ở bên trong lãnh thổ Afghanistan. Trong khi đó, Taliban vẫn giữ quan điểm trung lập, nhưng cũng khẳng định rõ rằng, họ sẽ không dung thứ cho hành vi xâm phạm biên giới quốc gia của quân đội Pakistan.

Taliban vẫn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với một số quốc gia bao gồm: Kazakhstan, Turkmenistan và Iran; trong khi Trung Quốc, Nga và Iran đều bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến việc đầu tư vào Afghanistan. Giống như Trung Quốc và Iran, Nga không chính thức công nhận chính quyền Taliban, mặc dù các quan chức Taliban từng là khách của Điện Kremlin.

Taliban rất mong muốn Trung Quốc công nhận lực lượng này là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng họ đã bị từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, vào tháng 9/2022. Cả Nga và Trung Quốc đều sẵn sàng đầu tư và giao thương với Afghanistan, nhưng họ lo ngại về những kẻ khủng bố giả làm người tị nạn và cố gắng xâm nhập vào lãnh thổ nước mình. Vào tháng 9/2022, một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ gần Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Vụ việc này càng làm trầm trọng thêm những lo ngại kể trên.

IS - tổ chức từng gọi Nga là “chính phủ thập tự chinh” và “kẻ thù của đạo Hồi” - sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Vài tuần sau, Kabul đã ký một thỏa thuận nhập khẩu xăng, dầu diesel và khí đốt với Nga. Việc Nga liên tục bán tài nguyên năng lượng cho Afghanistan đã giúp nước này né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Bên ngoài trật tự phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, Iran, Nga, Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan dường như đang tăng cường hợp tác với nhau. Dù có sự ngờ vực lẫn nhau, thậm chí thù hận với Mỹ, nhưng họ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận rõ ràng về các lợi ích căn bản. Những khác biệt và căng thẳng giữa họ là rào cản ngăn họ hình thành một liên minh thực thụ.

Hiện tại, có vẻ như Bắc Kinh đang trở thành cứu cánh cho Afghanistan và Kabul sẽ giúp Nga trụ vững bằng cách nhập khẩu dầu của Moscow. Tuy nhiên, việc thành lập một liên minh có ý nghĩa về mặt chính trị và kinh tế dường như là điều khó có thể xảy ra.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Taliban, Nga và Trung Quốc: Hợp tác nhưng không Liên minh