Taliban Pakistan phủ nhận dính líu đến vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo khiến 95 người thiệt mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), còn được gọi là Taliban Pakistan tuyên bố, nhóm này không dính líu gì đến vụ đánh bom liều chết ngày 30/1 tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan, khiến ít nhất 95 người thiệt mạng.

Động thái này diễn ra sau khi chỉ huy TTP Sarbakaf Mohmand lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Hai (30/1). Ông Mohmand nói rằng, đó là một cuộc tấn công để trả đũa cho cái chết của chỉ huy hàng đầu của nhóm này, Omar Khalid Khorasani, ở Afghanistan vào năm 2022.

Nhóm chiến binh sau đó phủ nhận việc dính líu đến vụ đánh bom và tuyên bố rằng, việc nhắm mục tiêu vào các nhà thờ Hồi giáo hoặc các địa điểm tôn giáo khác là đi ngược lại chính sách của họ. TTP nói rằng những người tham gia vào các hành vi như vậy sẽ phải đối mặt với hành động trừng phạt theo chính sách của nhóm.

TTP lên tiếng phủ nhận sau khi Bộ Ngoại giao Afghanistan lên án các cuộc tấn công nhằm vào những người cầu nguyện là trái với giáo lý của đạo Hồi.

Chính quyền Pakistan cho biết, hôm thứ Hai (30/1), một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở khu vực trụ sở cảnh sát ở Peshawar, Tây Bắc Pakistan. Vụ tấn công đã làm rung chuyển nhà thờ Hồi giáo trong buổi cầu nguyện buổi trưa, khiến một bức tường sụp đổ trên đầu những người đang cầu nguyện.

Thủ tướng Shebaz Sharif gọi vụ đánh bom là một vụ tấn công liều chết.

“Quy mô lớn của thảm kịch nhân loại là không thể tưởng tượng được. Đây không khác gì một cuộc tấn công nhằm vào Pakistan”, Thủ tướng Shahbaz Sharif viết trên Twitter. Ông đã đến thăm những người bị thương ở Peshawar và tuyên bố chính phủ sẽ có “hành động nghiêm khắc” chống lại những kẻ đứng sau vụ đánh bom. Ông cũng mô tả chủ nghĩa khủng bố là "thách thức an ninh quốc gia hàng đầu" đối với Pakistan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

“Những người cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar đã phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng khiếp ngày hôm nay (30/1), khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Không thể bào chữa cho chủ nghĩa khủng bố vì bất kỳ lý do gì và ở bất kỳ đâu", ông Blinken viết trên Twitter.

Lỗ hổng an ninh

Hôm thứ Ba (31/1), Tổng thanh tra Pakistan Moazzam Jah Ansari cho biết, kẻ đánh bom đã sử dụng 10 đến 12 kg chất nổ trong vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo. Ông Ansari đã đổ lỗi cho lỗ hổng an ninh và nói rằng chính quyền đang tiến hành một cuộc điều tra về vụ việc.

Truyền thông địa phương Geo News dẫn lời ông, cho hay: “Chúng tôi đang kiểm tra đoạn video CCTV trong vòng một tháng và theo dõi những phần tử hỗ trợ kẻ đánh bom”.

Cảnh sát tin rằng kẻ đánh bom có thể đã giả làm khách để có thể lọt vào nhà thờ Hồi giáo. Tòa nhà nằm bên trong một khu phức hợp kiên cố, trong đó có cả trụ sở của lực lượng cảnh sát tỉnh và một bộ phận chống khủng bố.

Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất của thành phố kể từ tháng 3 năm ngoái, khi một vụ đánh bom liều chết tại một nhà thờ Hồi giáo dòng Shi'ite trong buổi cầu nguyện thứ Sáu đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 58 người và làm bị thương gần 200 người khác. Các phần tử cực đoan của nhóm khủng bố IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom đó.

Thành phố Peshawar, nằm bên rìa của khu vực bộ lạc của Pakistan, giáp với Afghanistan. Thành phố này thường xuyên trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố, bao gồm cả tổ chức cấp tiến “Phong trào Taliban Pakistan” (Pakistani Taliban).

Nhóm Taliban địa phương, thường được biết đến với cái tên Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), một nhóm bảo trợ của các nhóm Hồi giáo Sunni. Giáo phái này muốn lật đổ chính phủ và thay thế nó bằng một nhà nước Hồi giáo của riêng mình.

Tức giận trước sự hợp tác của Pakistan với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, các chiến binh Pakistan đã thành lập TTP vào năm 2007, khi nhiều nhóm ngoài vòng pháp luật đồng ý hợp tác chống lại Pakistan và hỗ trợ cho nhóm Taliban Afghanistan. Đây là lực lượng đang chiến đấu để chống lại lực lượng Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

TTP đã tiến hành một cuộc nổi dậy ở Pakistan trong 15 năm qua, nhằm tìm cách thực thi luật Hồi giáo chặt chẽ hơn, trả tự do cho các thành viên đang bị chính phủ giam giữ và giảm sự hiện diện của quân đội Pakistan tại các khu vực của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa mà tổ chức này từ lâu đã sử dụng làm căn cứ của mình.

Kể từ tháng 11/2022, TTP đã đơn phương chấm dứt lệnh ngừng bắn với chính phủ sau thất bại trong nhiều tháng đàm phán do các nhà lãnh đạo Taliban của Afghanistan tổ chức tại Kabul. Sau đó, TTP đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào binh lính và cảnh sát Pakistan. TTP cũng nhiều lần cảnh báo cảnh sát ở Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, không được can dự vào các hoạt động chống lại các chiến binh của họ.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Taliban Pakistan phủ nhận dính líu đến vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo khiến 95 người thiệt mạng