Tâm tình người Ả Rập gửi ông Biden: Đừng ký Thỏa thuận Hạt nhân Iran, nó sẽ kích hoạt chiến tranh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Ả Rập vô cùng lo lắng về cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với chính quyền Biden và các nước phương Tây khác. Họ đặc biệt lo ngại về hàng tỷ USD mà Iran sẽ nhận được khi thỏa thuận có hiệu lực. Người Ả Rập cho biết họ không nghi ngờ gì về việc số tiền này sẽ được Iran sử dụng để thúc đẩy khủng bố và bạo lực, đồng thời mở rộng các tổ chức khủng bố của Tehran ở Trung Đông bao gồm Hezbollah, Houthi, Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad), cũng như nhiều lực lượng dân quân khác nhau ở Iraq.

Ông Obama căm ghét Ả Rập, ngưỡng mộ Iran - ông Biden đi theo con đường đó

Phó Tổng biên tập Sayed Zahra của ấn phẩm Akhbar Al-Khaleej - tờ nhật báo của Vương quốc Bahrain - viết rằng: “Người Ả Rập sẽ bị sốc khi các chi tiết trong Thỏa thuận Hạt nhân Iran mới được công bố”.

Ông gợi ý rằng trước khi người Ả Rập chìm trong nỗi bàng hoàng, họ cần ghi nhớ một số sự kiện liên quan đến thỏa thuận mới này.

Đầu tiên, thỏa thuận được tạo ra chủ yếu dựa trên sự kiên quyết của chính quyền Biden - bên mà đang rất nỗ lực để đạt được nó”, ông Zahra viết. “Chính quyền Biden nghĩ rằng họ rất cần thỏa thuận đó vào lúc này để có thể nói về nó như một trong những thành tựu to lớn của họ”.

Thứ hai, chính Mỹ, chứ không phải Iran, đã khởi xướng các nhượng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được thỏa thuận. Vài ngày trước, các quan chức Mỹ tuyên bố rằng chính Iran, chứ không phải Mỹ, đã từ bỏ các yêu cầu cốt lõi. Mỹ đã nói dối. Iran không từ bỏ bất cứ điều gì cốt yếu. Ngược lại, Iran đang có được những điều trọng yếu mà họ mong muốn”.

Thứ ba, nhượng bộ nguy hiểm nhất từ phía Mỹ là không thừa nhận vai trò khủng bố của Iran trong khu vực, các mối đe dọa từ Iran đối với an ninh và ổn định của các nước Ả Rập, vai trò trong các cuộc lật đổ mang tính khủng bố mà lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran thực hiện ở các nước Ả Rập, và các vấn đề liên quan đến chương trình tên lửa của Iran”.

Thứ tư, thỏa thuận sẽ cung cấp nguồn tài chính khổng lồ cho chính quyền Iran bởi nước này sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và bởi các nước phương Tây đang gấp rút [hành động để] đạt được thỏa thuận”.

Theo ông Zahra, người Ả Rập cũng cần tính đến việc chính quyền Biden bật đèn xanh, thì thỏa thuận sẽ tạo động lực rất lớn để Iran leo thang hoạt động xâm lược khủng bố chống lại các nước Ả Rập, để Iran có thể tài trợ gấp đôi cho lực lượng dân quân có mối quan hệ với họ - tất cả nhằm phá hoại an ninh và ổn định của các quốc gia Ả Rập.

Ông cũng cảnh báo rằng thỏa thuận này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới mà Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của các nước Ả Rập.

“Đây là những sự thật cơ bản mà chúng ta phải biết trước khi chúng ta bị sốc”, ông Zahra nói thêm. “Dựa trên những điều này, các nước Ả Rập phải quyết định xem họ sẽ làm gì và họ sẽ đối phó với mối nguy hiểm sắp tới như thế nào”.

Ông Zahra, trích dẫn ý kiến từ nhiều nhà phân tích và bình luận chính trị khác, cho rằng ông Biden đã quyết định "cúi đầu" trước Iran.

“Tại sao ông Biden lại làm điều này mặc dù ông ấy hoàn toàn nhận thức được nỗi sợ hãi và những đề nghị của người Ả Rập, điều mà ông ấy đã nghe trực tiếp, chắc chắn và rõ ràng từ tất cả các nhà lãnh đạo Ả Rập trong chuyến thăm gần đây của ông tới Ảrập Xêút?”.

“Người ta hiểu rằng ông Biden muốn ký thỏa thuận hạt nhân [với Iran] trong bối cảnh chính phủ của ông ấy ngày càng mất tín nhiệm và đảng Dân chủ lo sợ sẽ thua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Nói cách khác, ông ấy muốn lấy thỏa thuận hạt nhân mới như một thắng lợi ngoại giao mà chính phủ của ông ấy đạt được”.

Ông Zahra cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden về cơ bản đang đi theo bước chân của cựu Tổng thống Barack Obama, người đã đạt được thỏa thuận với Iran vào năm 2015.

“Sự thật là đây là một lựa chọn chiến lược của Mỹ, và nó không sinh ra vào ngày hôm nay. Đúng hơn, nó đã được quyết định từ nhiều năm trước, cụ thể là kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Obama nắm quyền. Ông Biden đang đi theo con đường của ông Obama và hoàn toàn bị thuyết phục về lựa chọn này. Ông Obama là người đã quyết định rằng lợi ích chiến lược của Mỹ là thông đồng với Iran và hoàn toàn lờ đi những nỗi sợ hãi hay đề nghị của người Ả Rập. Ông Obama đã không che giấu sự căm ghét của ông ấy đối với người Ả Rập và sự ngưỡng mộ của ông ấy đối với Iran. Những gì ông Biden đang làm ngày hôm nay là đi trên con đường tương tự, với sự tin tưởng hoàn toàn”.

Người Syria sẽ đói khổ và ly tán hơn nữa

Một cây viết khác, ông Ibrahim Allush đến từ Syria, bày tỏ nỗi lo sợ rằng đất nước của ông sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu Thỏa thuận Hạt nhân Iran mới được ký kết.

Ông Allush chỉ ra sự thật là người Syria bị Iran tấn công nhiều hơn bất kỳ người dân quốc gia nào khác. Bình luận về sự hiện diện của các quan chức an ninh Iran và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở đất nước của mình, ông Allush viết:

“Người Syria hiện sống đói khổ và ly tán. Đất nước Syria đã bị chế độ cầm quyền - một chế độ liên kết với Iran và Nga - bắt làm con tin. Người Iran và các đồng minh của họ đang gieo rắc ảo tưởng về giải phóng và phản kháng, trong khi thực tế họ thực thi chủ nghĩa khủng bố. Chính quyền Iran, với các hoạt động của họ, không khác với chế độ Taliban hay Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Khủng bố, gây bất ổn và kiểm soát người dân là những mục tiêu duy nhất của các chế độ như vậy”.

Ông Allush cảnh báo rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân có nghĩa là “tái cấp hàng tỷ USD mỗi năm cho chính quyền Iran và các lực lượng dân quân của họ”.

“Việc ký kết Thỏa thuận Hạt nhân Iran có thể phần nào giải quyết các cuộc khủng hoảng dầu và khí đốt gây ra bởi cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại nhân dân Ukraine. Nhưng đó sẽ không phải là giải pháp mang lại hòa bình cho Syria. Iran, quốc gia kích động chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, sẽ vui mừng với sự trở lại của nguồn tài trợ hào phóng; trong khi người Syria chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta phản đối thỏa thuận này, bất chấp hoàn cảnh khó khăn của chúng ta, bởi vì nó sẽ mang nhiều tiền hơn đến cho chế độ Assad [chính quyền đương nhiệm ở Syria] và hệ thống tình báo của họ, cũng như cho các lực lượng dân quân người Iran đang tham gia cùng họ trong việc thực thi tội ác chống lại người Syria”.

Washington đặt cược vào sự trung lập của Tehran và đã thua cược

Nhà báo người Lebanon, ông Abdul Wahab Badrakhan, cho rằng thay vì chú ý đến các chính sách và hoạt động của các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong khu vực, chính quyền Biden lại chọn cách xoa dịu Iran để họ có thể mặc cả với Iran về vấn đề hạt nhân.

“Mỹ mong muốn có mối quan hệ đối tác [ở mức độ] nào đó với Tehran để đối đầu với Trung Quốc … Họ đặt cược vào sự ‘trung lập’ của Tehran trong cuộc chiến ở Ukraine, để rồi sau đó họ bị bất ngờ bởi các thỏa thuận [Iran bán cho Nga] thiết bị bay không người lái. Mỹ phớt lờ những lo ngại của các quốc gia vùng Vịnh và các quốc gia Ả Rập khác. Washington đã rất chậm trễ trong việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm, hoặc ít nhất là cố gắng quy trách nhiệm cho Iran về các vụ phá hoại có hệ thống mà nước này đã và đang thực hiện ở Yemen, Syria, Iraq, Lebanon và Gaza. Đây là hoạt động phá hoại mang tính quốc tế lớn nhất mà Hội đồng Bảo an chưa xem xét. Không có nghị quyết nào về các cuộc khủng hoảng trong khu vực của Hội đồng Bảo an lại đề cập đến Iran, mặc dù vai trò của Iran là rất rõ ràng trong việc can thiệp và phá hủy các thể chế tại 4 quốc gia”.

Hỗn loạn, bất ổn, khủng bố sẽ lan đến toàn thế giới

Nhà phân tích chính trị người Ảrập Xêút, ông Abdullah Bin Bijad Al-Otaibi, viết trong một bài bình luận rằng những lo ngại của các quốc gia Ả Rập liên quan đến Thỏa thuận Hạt nhân Iran là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Al-Otaibi chỉ ra, những lo ngại này không chỉ giới hạn ở vũ khí hạt nhân của Iran mà còn là sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Ả Rập cũng như sự lan rộng của các tổ chức và nhóm dân quân theo chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Người Ả Rập cũng lo lắng về việc các nhà lãnh đạo Hồi giáo đang nỗ lực xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố sang các nước khác.

“Một khi thỏa thuận hạt nhân tồi tệ này được ký kết, Iran sẽ nhận được hàng tỷ USD và toàn khu vực sẽ chứng kiến ​​hỗn loạn, bất ổn và khủng bố mới … Mối đe dọa từ Iran sẽ không chỉ hướng tới các nước trong khu vực mà sẽ lan sang tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước phương Tây. Nhiều dân tộc sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc này. Bao gồm cả các dân tộc phương Tây, không có nghi ngờ gì về điều này”.

Iran không bao giờ từ bỏ giấc mơ hạt nhân

Cây bút người Ai Cập, ông Emil Amin, cũng bày tỏ lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Hồi giáo sẽ sử dụng hàng tỷ USD mà họ sắp nhận được theo thỏa thuận mới để hỗ trợ các lực lượng dân quân khủng bố và các lực lượng ủy nhiệm của họ.

“Iran sẽ không từ bỏ giấc mơ có được vũ khí hạt nhân”, ông Amin viết.

“Iran đã đi một chặng đường dài và gần về đích. Chính phủ của Tổng thống Biden đang cố gắng tạo ra một hình ảnh trong mắt người Mỹ rằng việc Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân sẽ khiến nước này nằm trong tầm kiểm soát. Washington dường như đang ở trong một vị thế yếu và bấp bênh, đặc biệt là trong bối cảnh không có lựa chọn vũ trang. Trong mọi trường hợp, ý định của Iran là không thay đổi - dù có hay không có thỏa thuận, và các nước trong khu vực phải đánh giá tình hình theo cách mà phù hợp với sức mạnh an ninh quốc gia tổng hợp của họ”.

Vở kịch sẽ còn diễn ra trong bao lâu?

Nhà bình luận người Ảrập Xêút, ông Mashar Al-Thaydi, viết rằng các quốc gia vùng Vịnh và các quốc gia Ả Rập khác, bao gồm Iraq, Lebanon, Syria và Yemen, vô cùng lo ngại về tương lai một khi Mỹ đạt được thỏa thuận với Iran. Ông lưu ý rằng từ lâu các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã đảm nhiệm “vai diễn tồi tệ” trong công việc nội bộ của các quốc gia Ả Rập kể trên. Ông Al-Thaydi đặt câu hỏi:

“Chúng ta sẽ xem vở kịch lố bịch này giữa phương Tây và Iran trong bao lâu, trong khi chúng ta, các nước láng giềng của Iran, phải lo ngại về điều gì sẽ đến với chế độ [Iran]? Ông Obama trao cho chế độ này tiền bạc và tính hợp pháp để đổi lấy cái gọi là đảm bảo sẽ làm chậm lại, nhưng không chấm dứt, chương trình hạt nhân phi hòa bình. Ngày nay, ông Biden, và nói đúng hơn, đội ngũ của ông Obama trước đây, đang cố gắng trấn an những người được cho là đồng minh của Washington trong khu vực. Nhưng nếu hàng tỷ USD này đổ vào kho bạc của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Lực lượng Quds, thì Washington sẽ đảm bảo an ninh cho các quốc gia này như thế nào?”.

Bài kiểm tra dành cho Mỹ sẽ sớm bắt đầu

Cây bút người Lebanon, ông Rafik Khoury, cảnh báo: “Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang lặp lại cuộc thử nghiệm thất bại mà chính quyền Barack Obama đã thử nghiệm trước đó … Mỹ đang thực thi mọi chuyện trên cơ sở rằng việc hồi sinh Thỏa thuận Hạt nhân Iran sẽ giúp đạt được 3 mục tiêu: [được cho là có thể] ngăn chặn Iran trở thành cường quốc quân sự hạt nhân, chuyển chế độ [Iran] sang ôn hòa bằng cách hợp tác cùng họ, và sự cải thiện trong kinh tế ở Iran sẽ thúc đẩy cải cách”.

Theo ông Khoury, chừng nào việc quay trở lại thỏa thuận bị giới hạn trong hồ sơ hạt nhân và không có gì khác ngoài nó, thì “tương lai được xây dựng bởi các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các đặc vụ của họ trong khu vực thật đáng lo ngại … Tehran có được mọi điều mà họ muốn và có thể hoàn thành mọi thứ mà họ đang làm”.

“Sẽ không có hạn chế nào đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, sẽ không có giới hạn nào đối với ảnh hưởng của Iran trong khu vực, không có thúc ép nào đối với hành vi gây bất ổn của họ, không có sự rút quân nào khỏi Syria, Iraq và Lebanon, và cũng không ngừng lại việc trang bị vũ khí cho [tổ chức khủng bố] Houthi ở Yemen, không ngừng lại việc cung cấp cho Houthi nhiều tên lửa và thiết bị bay không người lái vốn được dùng để tấn công các mục tiêu dân sự ở Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Liệu Washington có từ bỏ lợi ích sống còn của Mỹ cũng như lợi ích của các đồng minh và bạn bè? Bài kiểm tra đầy khó khăn đối với Mỹ và các cam kết của nước này với đồng minh và bạn bè ở Trung Đông sẽ bắt đầu ngay sau khi Thỏa thuận Hạt nhân Iran được ký kết. Các quốc gia Ả Rập, với niềm tin vào Mỹ ngày càng giảm sút, sẽ phải đối mặt với một thử thách khác: đối đầu với sự bành trướng của Iran, bất kể Mỹ làm gì”.

Chính quyền Biden càng gần gũi với các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Tehran, Hoa Kỳ càng mất uy tín trong thế giới Ả Rập. Người Ả Rập dường như đã mất niềm tin vào ông Biden, đó là lý do tại sao họ đang nói về sự cần thiết phải tự giải quyết các vấn đề để ngăn chặn Iran gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định. Người Ả Rập cũng tin rằng việc đổ hàng tỷ USD vào các nhà lãnh đạo Hồi giáo, thông qua Thỏa thuận Hạt nhân Iran, cuối cùng sẽ mang đến khủng bố và bạo lực cho Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, thậm chí là một cuộc chiến tranh lớn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Khaleb Abu Toameh - The Epoch Times

Tác giả Khaled Abu Toameh là nhà báo kỳ cựu từng đạt giải thưởng và là thành viên cấp cao xuất sắc tại Viện Gatestone. Ông đã đưa tin về các vấn đề của Palestine trong gần 3 thập kỷ. Ông là nhà sản xuất và tư vấn cho NBC News từ năm 1989.



BÀI CHỌN LỌC

Tâm tình người Ả Rập gửi ông Biden: Đừng ký Thỏa thuận Hạt nhân Iran, nó sẽ kích hoạt chiến tranh