Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản: Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhau "đương đầu với thách thức chung"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại sứ mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel, hôm thứ Hai đã chào hàng liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản và nói rằng hai quốc gia sẽ không “né tránh” bất kỳ thách thức và kẻ thù nào làm suy yếu các giá trị dân chủ.

Chủ nhật (22/1), Tân Đại sứ Hoa Kỳ đã đến Tokyo nhận nhiệm vụ. Ông đã gửi lời chào đến người dân Nhật Bản thông qua một đoạn video được phát hành trên tài khoản Twitter của mình hôm thứ Hai (23/1).

Ông nói: “Chúng ta đang đối mặt với một thời điểm quan trọng, nhưng các quốc gia của chúng ta có thể đương đầu với những thách thức chung, đoàn kết với niềm tin về các giá trị chung, lợi ích chung và mục tiêu chung của hai nước chúng ta”, ông nói.

“Công việc này, công việc của chúng tôi sẽ quyết định vận mệnh của tấm gương dân chủ.”

Mô tả liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản là “ngọn hải đăng của khả năng và lời hứa vô tận”, ông Emanuel nói rằng mối quan hệ đối tác đã thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong hơn 60 năm.

“Hai quốc gia của chúng ta sẽ không né tránh bất kỳ thách thức hoặc bất kỳ kẻ thù nào làm suy yếu các giá trị dân chủ. Những gì chúng tôi làm trong quan hệ đối tác trong ba năm tới sẽ quyết định vị thế của Mỹ và Nhật Bản trong 30 năm tới”, ông nói.

Phát biểu của ông được đưa ra sau cuộc hội đàm ảo của Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tuần trước, trong đó hai nhà lãnh đạo thề sẽ "đẩy lùi" những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào Biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku của Nhật bản. Kể từ năm 1895, Nhật Bản là nước quản lý quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, vào những năm 1970, Bắc Kinh bắt đầu khẳng định quyền của mình đối với quần đảo này và gọi quần đảo này là quần đảo Điếu Ngư.

Nhà Trắng lưu ý rằng Biden “khẳng định cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, sử dụng toàn bộ khả năng của mình”, bao gồm cả việc áp dụng hiệp ước an ninh Nhật Bản - Hoa Kỳ năm 1960.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những căng thẳng ngày càng gia tăng do Nga huy động hàng chục nghìn quân dọc biên giới với Ukraine. Ông Kishida cam kết rằng đất nước của ông "sẽ hoàn toàn đứng sau Hoa Kỳ" trong việc hành động mạnh mẽ để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.

Họ cũng lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cam kết duy trì sự phối hợp chặt chẽ về vấn đề này, kể cả với Hàn Quốc.

Ông Emanuel, 62 tuổi, là cựu thành viên Hạ viện và là Chánh văn phòng Nhà Trắng đầu tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông cũng từng là Thị trưởng Chicago từ năm 2011 đến năm 2019.

Ông Emanuel tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản vào ngày 22/12 năm ngoái. Người tiền nhiệm của ông, Đại sứ William Hagerty đã từ chức vào tháng 7/2019 để tranh cử vào Thượng viện.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản: Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhau "đương đầu với thách thức chung"