Tên lửa Nga bắn trúng cảng Ukraine, Kyiv vẫn quyết tâm xuất khẩu ngũ cốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tên lửa của Nga bắn trúng thành phố cảng Odesa ở miền nam của Ukraine vào ngày thứ Bảy (23/7), đe dọa một thỏa thuận được kí kết chỉ một ngày trước đó cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen và giảm bớt tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do chiến tranh gây ra, quân đội nước này cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói vụ tấn công cho thấy không thể nào tin tưởng Moscow thi hành thỏa thuận. Tuy nhiên, đài truyền hình công cộng Suspilne dẫn lời quân đội Ukraine cho biết, tên lửa không gây ra thiệt hại đáng kể. Một bộ trưởng chính phủ Ukraine cho biết, công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục để khởi động lại việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của nước này.

Thỏa thuận được Moscow và Kyiv kí hôm thứ Sáu (22/7) và được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hoà giải được ca ngợi là một bước đột phá sau gần 5 tháng chiến sự ác liệt kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng. Đây được coi là vấn đề hệ trọng trong việc kiềm chế giá lương thực toàn cầu đang leo thang bằng cách cho phép ngũ cốc xuất khẩu được vận chuyển từ các cảng Biển Đen bao gồm cả Odesa.

Các quan chức Liên Hợp Quốc hôm 22/7 cho biết, họ hy vọng thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vài tuần nữa, và các cuộc tấn công nhắm vào Odesa đã thu hút sự lên án mạnh mẽ từ Kyiv, Liên Hợp Quốc và Mỹ.

Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các quan chức Nga nói với Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) rằng Moscow "không liên quan gì" đến các cuộc tấn công vào thành phố cảng này. Một phát biểu của bộ quốc phòng Nga ngày thứ Bảy (23/7) nêu ra những bước tiến trong cuộc chiến không nhắc tới bất cứ cuộc tấn công nào ở Odesa. Bộ không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Hai tên lửa Kalibr của Nga bắn trúng khu vực có một trạm bơm ở cảng Odesa, trong khi hai tên lửa khác bị lực lượng phòng không bắn hạ, theo Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam của Ukraine. Ông Yuriy Ignat, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, cho biết các tên lửa hành trình được bắn từ tàu chiến ở Biển Đen gần Crimea.

Đài Suspilne sau đó dẫn lời người phát ngôn bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, Natalia Humeniuk, cho biết khu vực kho chứa ngũ cốc của cảng không bị trúng đạn. Không có thương vong nào được báo cáo.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov nói trên Facebook rằng “chúng tôi tiếp tục công tác chuẩn bị kỹ thuật cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các cảng của chúng tôi".

Cuộc tấn công dường như vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hôm 22/7, cho phép việc đi lại an toàn ra vào Odesa và hai cảng khác của Ukraine.

“Việc này chỉ chứng minh một điều: cho dù Nga có nói và hứa gì đi chăng nữa, thì họ sẽ tìm mọi cách để không thi hành", ông Zelenskyy nói trong một video đăng trên Telegram.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres “lên án dứt khoát” các cuộc tấn công được báo cáo, một người phát ngôn cho biết. Đồng thời, ông nói thêm rằng tất cả các bên đã nhất trí về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và nhất thiết phải thực thi đầy đủ.

Hạm đội Biển Đen của Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Moscow vào ngày 24/2, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc và nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt.

Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp trong chuỗi cung ứng toàn cầu và, cùng với các chế tài của phương Tây nhắm vào Nga, làm tăng giá thực phẩm và năng lượng. Nga và Ukraine là hai nước cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu và một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã đẩy khoảng 47 triệu người vào tình trạng “đói ăn nguy kịch", theo Chương trình Lương thực Thế giới.

Các quan chức Liên Hợp Quốc hôm 22/7 nói rằng thỏa thuận này, dự kiến sẽ có hiệu lực hoàn toàn trong vài tuần, sẽ khôi phục khối lượng vận chuyển ngũ cốc từ ba hải cảng được mở lại về mức trước chiến tranh là 5 triệu tấn mỗi tháng.

Mỹ sẽ thúc đẩy Nga thi hành thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine

Hoa Kỳ hôm 22/7 nói sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc thi hành một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Thoả thuận này nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen và kêu gọi Trung Quốc tích trữ ngũ cốc có thể được sử dụng cho nhu cầu nhân đạo toàn cầu.

Nga và Ukraine là những nước cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu, nhưng việc Moscow xâm lược nước láng giềng vào ngày 24/2 đã khiến giá lương thực tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà Chương trình Lương thực Thế giới nói đã đẩy khoảng 47 triệu người vào “nạn đói cấp tính”.

Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào ngày 22/7 để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc. Chiến tranh đã khiến hoạt động xuất khẩu của Kyiv bị đình trệ, khiến hàng chục con tàu bất động và khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, nói Washington hy vọng thỏa thuận “sẽ giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà Nga đã gây ra”, nói thêm rằng “chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng Nga thực sự tuân theo".

Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, tại một cuộc họp giao ban ở Thành phố New York vào ngày 1/3/2021. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Ông James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng điều phối các chế tài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với phóng viên rằng Hoa Kỳ cũng muốn thấy Trung Quốc giúp chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc hoạt động như một cường quốc lớn và cung cấp nhiều ngũ cốc hơn cho những người nghèo trên khắp thế giới".

“Trung Quốc đã tích cực mua ngũ cốc và đang tích trữ ngũ cốc ... vào thời điểm mà hàng trăm triệu người đang bước vào giai đoạn thảm khốc của tình trạng mất an ninh lương thực".

Dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc vào cuối niên vụ 2021/22 được Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ước tính là 323,4 triệu tấn, hơn một nửa tổng số 607,4 triệu tấn toàn cầu.

Ông O'Brien cho biết: “Chúng tôi muốn thấy họ đóng vai trò nhiều hơn trong việc cung cấp ngũ cốc từ kho dự trữ của chính họ bằng cách cho phép WFP (Chương trình Lương thực Thế giới) và các tổ chức khác có được ngũ cốc", ông O'Brien nói.

Ông cho biết khoảng 40% lô hàng ngũ cốc đầu tiên ra khỏi Ukraine vào tháng 4 đã đến Trung Quốc. “Điều này thật kỳ quặc”, ông nói thêm. “Sẽ tốt hơn nhiều nếu thấy số ngũ cốc đó được chuyển đến Ai Cập, Sừng châu Phi và những nơi khác".

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận về nhận xét của ông O'Brien.

“Chúng tôi tin rằng điều cần thiết là lương thực, bao gồm cả ngũ cốc, phải có mặt tại những nơi cần kíp”, phát ngôn viên Farhan Haq của Liên Hiệp Quốc nói ngày 22/7.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tên lửa Nga bắn trúng cảng Ukraine, Kyiv vẫn quyết tâm xuất khẩu ngũ cốc