Thái Tử Saudi Arabia được bổ nhiệm làm Thủ tướng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 26/9, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã chỉ định con trai và người thừa kế của ông là Thái tử Mohammed bin Salman trở thành Thủ tướng của đất nước, theo một sắc lệnh hoàng gia.

Theo sắc lệnh này, con trai thứ hai của Quốc vương là Hoàng tử Khalid sẽ trở thành Bộ trưởng quốc phòng. Trước đó, ông giữ chức Thứ trưởng quốc phòng, tờ Reuters đưa tin hôm 28/9.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud, Bộ trưởng Tài chính Mohammed al-Jadaan và Bộ trưởng Đầu tư Khalid al-Falih cũng vẫn giữ nguyên chức vụ.

Vị vua cho biết trong sắc lệnh hoàng gia do hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin, cuộc cải tổ vẫn giữ một người con trai khác, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, làm Bộ trưởng năng lượng.

Thái tử Mohammed bin Salman, được thăng chức từ Bộ trưởng Quốc phòng và là người điều hành trên thực tế của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là đồng minh lớn của Mỹ ở Trung Đông.

Một quan chức Saudi Arabia cho biết, vai trò Thủ tướng mới của Thái tử phù hợp với nhiệm vụ mà Quốc vương trước đây giao cho ông, bao gồm đại diện cho nhà vua trong các chuyến thăm nước ngoài và chủ trì các hội nghị thượng đỉnh do đất nước tổ chức, một quan chức Saudi Arabia cho biết.

"Thái tử theo lệnh của nhà vua, đã giám sát các cơ quan điều hành chính của nhà nước hàng ngày, và vai trò Thủ tướng mới của ông ấy nằm trong bối cảnh đó", quan chức giấu tên cho biết.

Trong lịch sử, các nhiệm vụ như vậy đã diễn ra ở đất nước vài lần, quan chức này cho biết.

Thái tử cho biết Saudi Arabia đã tăng khả năng tự cung tự cấp trong các ngành quân sự từ 2% lên 15% và có kế hoạch cán mốc 50%, tờ SPA đưa tin.

Theo sắc lệnh, Quốc vương Salman vẫn sẽ chủ trì các cuộc họp nội các mà ông tham dự. Sau khi sắc lệnh được ban hành, truyền hình nhà nước đã chiếu cảnh ông chủ trì một cuộc họp nội các hàng tuần, theo tờ Reuters.

Vị vua 86 tuổi, người trông coi các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, đã trở thành người điều hành đất nước từ năm 2015. Ông đã phải nhập viện nhiều lần trong hai năm qua vì các căn bệnh khác nhau.

Thái tử Mohammed đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Saudi Arabia kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, dẫn đầu nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, cho phép phụ nữ lái xe và kiềm chế quyền lực của giáo sĩ.

Tuy nhiên, những cải cách của ông đã đi kèm với một cuộc đàn áp đối với nhà bất đồng chính kiến như các doanh nhân, nhà hoạt động nhân quyền, đã bị bỏ tù.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2018 đã làm ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng của ông và làm căng thẳng mối quan hệ của Saudi Arabia với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác.

Mối liên hệ chặt chẽ với Nga

Chuyến thăm vào tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đảm bảo được các cam kết từ Saudi Arabia về việc tăng sản lượng dầu ngay lập tức hoặc đưa ra lập trường khắc nghiệt hơn đối với ông Putin. Động thái này đã nổi bật những căng thẳng đang đè nặng lên mối quan hệ giữa Washington và Riyadh.

Thay vào đó, Saudi Arabia đã giành được thắng lợi ngoại giao lớn khi đảm bảo tự do cho các chiến binh nước ngoài bị bắt ở Ukraine. Đây là tín hiệu đánh dấu 'giá trị' của liên minh giữa Thái tử Mohammed bin Salman với Nga, trong bối cảnh các đối tác phương Tây đang tìm cách cô lập Moscow trước cuộc chiến tại Ukraine.

Với sự hòa giải của Thái tử Mohammed, Nga hôm thứ Tư (21/9) đã trả tự do cho 10 người nước ngoài mà họ đã bắt giữ ở Ukraine, trong đó có 5 người Anh và 2 người Mỹ.

Ông Ali Shihabi, một nhà bình luận ủng hộ chính phủ, cho biết sự hòa giải của Saudi Arabia trong việc phóng thích các tù nhân "là chưa từng có tiền lệ".

Ông Shihabi nói: “Tôi nghĩ rằng Saudi Arabia đang gửi một thông điệp đến phương Tây rằng mối quan hệ của họ với Nga cũng có thể phục vụ một mục đích hữu ích cho họ".

Ông Kristian Ulrichsen, một nhà khoa học chính trị tại Viện Baker của Đại học Rice, Hoa Kỳ, cho biết: “Bằng cách dàn xếp cuộc hòa giải với kết quả tích cực, Thái tử Mohammed bin Salman đã thể hiện mình là người có khả năng đóng vai trò chính khách trong khu vực. Động thái này cũng phản bác lại những tin tức tiêu cực về ông với cái mác là một người bốc đồng và hay gây rối".

Vị thế của Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đối với cả Washington và Moscow đã tăng vọt vào thời điểm cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm chao đảo các thị trường năng lượng toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Saudi Arabia sản xuất thêm dầu. Nhưng Saudi Arabia đã tỏ ra không sẵn lòng tham gia nỗ lực cô lập Nga. Nước này đã tăng cường hợp tác với ông Putin, bao gồm cả trong nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC +.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Thái Tử Saudi Arabia được bổ nhiệm làm Thủ tướng