Thành viên OPEC+ ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu sau cuộc 'khẩu chiến' giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quốc gia thành viên OPEC+ hôm 16/10 xác nhận việc cắt giảm sản lượng dầu mà nhóm đã nhất trí trong tháng này, sau cuộc 'khẩu chiến' giữa quan chức cấp cao nhất của chính quyền ông Biden với Ả Rập Xê Út.

Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cho biết động thái này dựa trên các chỉ số kinh tế và đạt được sự nhất trí của các thành viên.

"Có sự đồng thuận cao giữa các thành viên OPEC+ rằng, cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với các điều kiện thị trường dầu trong giai đoạn bất ổn và thiếu rõ ràng như hiện nay là một cách tiếp cận phòng ngừa hỗ trợ sự ổn định của thị trường và đưa ra hướng dẫn cần thiết trong tương lai", cơ quan dầu mỏ nhà nước Iraq cho biết trong một tuyên bố.

Nhóm OPEC+ gồm thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Nga là một trong 13 thành viên chủ chốt của OPEC+, cùng với Iraq, Iran, Kuwait, Venezuela, v.v.

Oman và Bahrain cũng cho biết trong các tuyên bố riêng biệt rằng, OPEC+ đã nhất trí trong việc quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vài tuần trước. Bộ trưởng năng lượng Algeria gọi quyết định hôm 5/10 là “mang tính lịch sử”. Bên cạnh đó, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais, hiện đang thăm Algeria, cũng bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào quyết định này, đài Ennahar TV của Algeria đưa tin.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi phát ngôn viên Nhà Trắng và Lầu Năm Góc John Kirby cáo buộc Riyadh ép buộc các nước thành viên OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp OPEC vừa qua.

“Bộ ngoại giao Ả Rập Xê Út đang cố gắng xoay chuyển hoặc làm chệch hướng, nhưng sự thật rất đơn giản. Thế giới đang hợp lực lại giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga”, ông Kirby cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước, đồng thời nói thêm rằng “hơn một” thành viên OPEC+ không đồng ý với việc cắt giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, ông không nêu tên thành viên này.

Đáp lại, Ả Rập Xê Út hôm thứ Tư (12/10) bác bỏ những chỉ trích 'vô căn cứ' của Nhà Trắng về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, đồng thời khẳng định quyết định cắt giảm dầu mỏ 'đơn thuần là vì lý do kinh tế'.

Tòa Bạch Ốc nói thỏa thuận bán 300 tên lửa Patriot không phải là 'điều kiện trao đổi' với Ảrập Xêút, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán 300 tên lửa Patriot cho Ảrập Xêút với giá khoảng 3,05 tỷ USD
Tổng thống Joe Biden và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan tham dự cuộc họp song phương tại một khách sạn ở Jeddah, Ảrập Xêút, ngày 16/07/2022. (Ảnh: Mandel Ngan / AFP / Getty Images)

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, tuyên bố rằng, thông qua cuộc tham vấn liên tục với Chính quyền Hoa Kỳ, nước này cho rằng việc hoãn quyết định của OPEC+ trong một tháng sẽ gây ra "những hậu quả tiêu cực về kinh tế".

“Ả Rập Xê Út nhấn mạnh, nước này vẫn duy trì mối quan hệ với tất cả các quốc gia thân thiện, đồng thời khẳng định từ chối mọi mệnh lệnh, hành động hoặc nỗ lực nào làm sai lệch các mục tiêu cao cả của mình trong việc bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi sự biến động của thị trường dầu mỏ", ông bin Farhan Al Saud nói.

'Mỹ nên gửi tên lửa vốn dành cho Ả Rập Xê Út cho Ukraine'

Một số thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Chris Murphy, chỉ ra rằng Mỹ nên gửi các hệ thống tên lửa vốn dành cho Ả Rập Xê Út sang cho Ukraine - như một biện pháp trả đũa cho việc cắt giảm dầu. Tổng thống Joe Biden cũng nói với một phóng viên trong tháng này rằng, Ả Rập Xê Út sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt, mặc dù ông không nói chi tiết.

"Nếu Ả Rập Xê Út không sẵn sàng đứng về phía Ukraine và Mỹ trước Nga, tại sao chúng ta phải giữ những khẩu đội tên lửa Patriot ở lại Ả Rập Xê Út trong khi Ukraine và các đồng minh NATO của chúng ta đang cần đến chúng?", ông Murphy viết trên Twitter.

“Chúng ta nên loại bỏ các khẩu đội tên lửa Patriot này khỏi Ả Rập Xê Út và chuyển chúng đến Ukraine hoặc các đối tác NATO, những nước đã chuyển vũ khí cho Ukraine và cần bổ sung các hệ thống phòng thủ của họ”, ông cho hay.

Ảnh của Epoch Times
Các đường ống chưa sử dụng, được chuẩn bị cho kế hoạch đường ống Keystone X, nằm ở Gascoyne, North Dakota, ngày 14/10/2014. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Cuộc khẩu chiến diễn ra trong bối cảnh lạm phát cán mốc nhất trong hàng thập kỷ và giá xăng tăng vọt đã ăn mòn xếp hạng tín nhiệm của Đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử tháng 11, nơi các nhà phân tích dự đoán rằng Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ lấy lại Hạ viện.

Đảng Cộng hòa nói rằng, một loạt các lệnh hành pháp đầu năm 2021 do ông Biden ban hành, bao gồm việc chấm dứt hợp đồng thuê khoan dầu mới và đình chỉ đường ống Keystone, đã làm xói mòn vị thế độc lập về năng lượng của Mỹ và củng cố các quốc gia sản xuất dầu hàng đầu như Ả Rập Xê Út và Nga.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng cáo buộc chính quyền ông Biden ủng hộ năng lượng xanh và xe điện trong khi đưa ra những lời đe dọa đối với các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thành viên OPEC+ ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu sau cuộc 'khẩu chiến' giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út