Thế giới lên án việc ĐCS Trung Quốc cưỡng chế đóng cửa tòa soạn Apple Daily của HK

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền đã báo động sau khi hãng thông tấn ủng hộ dân chủ Apple Daily của Hong Kong ngừng hoạt động vào ngày 24/6.

Apple Daily là một trong những cơ quan truyền thông duy nhất còn lại ở Hong Kong vẫn đăng tải những phát ngôn chỉ trích chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quan điểm ủng hộ những người biểu tình Hong Kong. Tờ báo này đã in ấn bản cuối cùng vào ngày 24/6. Trang web của nó hiện không thể truy cập được, cũng như ứng dụng di động của nó cùng các tài khoản Twitterkênh YouTube.

Tờ báo cho biết, quyết định đóng cửa dựa trên "cân nhắc về sự an toàn của nhân viên và nhân lực". Tòa soạn báo này rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính sau khi chính quyền Hong Kong ra lệnh đóng băng tài sản trị giá 18 triệu đô-la Hong Kong HKD (khoảng 53,4 tỷ VNĐ) từ 3 công ty có liên quan đến tờ báo vào ngày 17/6. Vụ tịch thu là một phần của hoạt động cảnh sát địa phương đột kích trụ sở của tờ báo trên và việc bắt giữ 5 giám đốc của hãng tin trong cùng ngày.

Hai trong số các giám đốc hiện đang phải đối mặt với cáo buộc thông đồng, một tội danh có thể bị phạt tù chung thân theo luật an ninh quốc gia hà khắc của thành phố. Người sáng lập tờ báo là ông Jimmy Lai hiện đang ở trong tù trong khi chờ một phiên tòa xét xử riêng về vấn đề an ninh quốc gia.

Cũng trong ngày 23/6, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ Yeung Ching-kee (bút danh Li Ping) với cáo buộc thông đồng, một cây bút viết xã luận ​​cho Apple Daily.

Những người ủng hộ tờ báo Hong Kong Apple Daily vẫy đèn điện thoại di động của họ bên ngoài trụ sở của tờ báo ở Hong Kong vào ngày 23/6/2021. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)
Những người ủng hộ tờ báo Hong Kong Apple Daily vẫy đèn điện thoại di động của họ bên ngoài trụ sở của tờ báo ở Hong Kong vào ngày 23/6/2021. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)

Hàng trăm người ủng hộ đã tập trung bên ngoài trụ sở của Apple Daily vào tối ngày 23/6 để thể hiện sự ủng hộ của họ, sau khi tờ báo này thông báo đóng cửa trước đó vào thứ Tư (22/6). Những người ủng hộ vẫy đèn điện thoại di động của họ và các nhân viên của tờ báo vẫy chào lại bằng điện thoại của họ từ ban công của tòa nhà.

Những người ủng hộ cũng hô vang các khẩu hiệu, bao gồm “Cảm ơn tất cả các nhà báo” và “Hongkongers, thêm dầu”, nghĩa là “giữ vững” bằng tiếng Trung. Họ cũng để lại ghi chú và thẻ trên lan can bên ngoài tòa nhà để cảm ơn tờ báo và nhân viên của tòa soạn.

Một trong những người ủng hộ là một phụ nữ họ Li cho biết, cô rất xúc động khi thấy những người dân địa phương khác quay ra ủng hộ tờ báo. Cô chỉ trích luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, khẳng định những ai không chấp thuận đạo luật này sẽ trở thành mục tiêu của chính quyền địa phương.

Người dân xếp hàng để mua báo Apple Daily tại Mong Kok ở Hong Kong vào ngày 24/6/2021. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)
Người dân xếp hàng để mua báo Apple Daily tại Mong Kok ở Hong Kong vào ngày 24/6/2021. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)

Những người dân địa phương khác đã chọn thể hiện sự ủng hộ của họ bằng cách xếp hàng tại các sạp báo vào đầu giờ ngày 24/6, một số mua nhiều ấn bản của tờ báo hôm 24/6. Hàng dài chờ đợi đã được nhìn thấy tại quận Mong Kok của Hong Kong. Apple Daily cho biết họ sẽ in 1 triệu bản của ấn bản cuối cùng.

Để đối phó với hành động của chính quyền Hong Kong buộc Apple Daily phải đóng cửa, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã công khai bày tỏ mối quan ngại của họ trên Twitter.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch (Idaho), thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã chỉ trích ĐCSTQ khi nhận định, chế độ này “đã thành công trong việc chặn đứng quyền tự do ngôn luận” ở Hong Kong.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez (New Jersey) viết: “Một cú đánh khác đối với nền dân chủ ở Hong Kong, một ngày đáng buồn cho tự do báo chí và một sự đau lòng cho những nhà báo dũng cảm đã mạo hiểm tất cả để theo đuổi sự thật và minh bạch”. Ông Menendez hiện là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Florida) tuyên bố, Hong Kong “đã đi vào thời kỳ đen tối” sau khi Apple Daily bị buộc đóng cửa. Ông nói thêm: "Một thành phố do ĐCSTQ kiểm soát không có pháp quyền hoặc không được bảo vệ cho các quyền cơ bản không thể là một trung tâm tài chính quốc tế".

Một phụ nữ mua nhiều ấn bản của Apple Daily tại quầy báo ở Mong Kok, Hong Kong vào ngày 24/6/2021. (Andrian Yu / The Epoch Times)
Một phụ nữ mua nhiều ấn bản của Apple Daily tại quầy báo ở Mong Kok, Hong Kong vào ngày 24/6/2021. (Andrian Yu / The Epoch Times)

Lãnh đạo Hong Kong thân Bắc Kinh Carrie Lam đã bào chữa cho các cuộc đột kích và bắt giữ của Apple Daily. Vào ngày 24/6, Văn phòng Ủy viên tại Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ tại Hong Kong đã ra tuyên bố yêu cầu các chính trị gia nước ngoài ngừng “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” khi phát biểu ý kiến ​​của họ về quyền tự do báo chí của Hong Kong.

Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Canada và Đài Loan, đều đã lên tiếng lên án về sự xói mòn tự do báo chí ở Hong Kong. Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China - IPAC), một nhóm các nhà lập pháp đa đảng quốc tế, đã kêu gọi "các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong chịu trách nhiệm về việc vi phạm luật pháp quốc tế và lạm dụng nhân quyền ở Hong Kong".

“Việc [Apple Daily] đóng cửa là một đòn giáng mạnh vào cộng đồng báo chí ở Hong Kong và làm dấy lên những lo ngại chính đáng về tương lai của tự do báo chí ở thành phố”, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Hong Kong cho biết trong một tuyên bố.

Hiệp hội Nhà báo Hong Kong cùng với 7 tổ chức và công đoàn truyền thông địa phương đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định các thành viên của họ sẽ mặc đồ đen vào ngày 24/6 “để phản đối đòn giáng của chính phủ [ĐCSTQ] đối với quyền tự do báo chí”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thế giới lên án việc ĐCS Trung Quốc cưỡng chế đóng cửa tòa soạn Apple Daily của HK