Theo gót EU, Vương quốc Anh lần đầu tiên trừng phạt các quan chức Trung Quốc sau 30 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt chính thức đối với các quan chức và thực thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm nhân quyền vào ngày 22/3, nước Anh sau đó cũng đưa ra một tuyên bố trừng phạt tương tự kể từ sau sự kiện thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Tờ The Guardian của Anh bình luận rằng, cả Liên minh châu Âu và Anh đều áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trên quy mô lớn. Điều này cho thấy, họ đã vượt qua những khó khăn chính trị (Political Rubicon).

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã công bố các biện pháp trừng phạt, áp đặt lệnh đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại đối với 4 quan chức của chính phủ ĐCSTQ và một thực thể ở Tân Cương. Đây là hành động đầu tiên của nước Anh trong khuôn khổ "Nhân quyền toàn cầu" (Global Human Rights) của chính nước này.

Giống như EU, Anh trừng phạt các đối tượng là: Giám đốc Sở Cảnh sát Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), hai quan chức cấp cao của ĐCSTQ gồm Vương Minh Sơn (Wang Mingshan) và Vương Quân Chính (Wang Junzheng) cùng nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Chu Hải Luân (Zhu Hailun). Thực thể bị trừng phạt là Cục Cảnh sát thuộc Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương.

Ông Raab nói rằng, không thể xem nhẹ các bằng chứng về việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở Tân Cương, trong đó bao gồm các báo cáo về việc tiến hành giam giữ, giám sát, tra tấn và cưỡng bức triệt sản người Tân Cương trên quy mô lớn.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh viết rằng, các biện pháp trừng phạt này là một phần trong các hành động tập thể của Anh, Hoa Kỳ, Canada và EU. Xu hướng quốc tế hiện nay là, ngày càng có nhiều nước lên án hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ. Ví dụ, đã có 39 nước ký vào một bản tuyên bố chung có liên quan tại Liên Hợp Quốc.

Hiện tại, cả Anh và EU đều không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ tham gia đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ ở Hong Kong. Anh tuyên bố vào tuần trước rằng, ĐCSTQ đã vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh, nhưng cho đến nay, nước này vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với ĐCSTQ. Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 24 quan chức ĐCSTQ xâm phạm nền dân chủ của Hong Kong.



BÀI CHỌN LỌC

Theo gót EU, Vương quốc Anh lần đầu tiên trừng phạt các quan chức Trung Quốc sau 30 năm