Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối lời buộc tội 'diệt chủng' của ông Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc ông Biden xác định tội danh diệt chủng là "không công bằng và đáng tiếc", và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng theo nhiều cách khác nhau trong những tháng tới.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Ankara để phản đối quyết định của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khi xác định việc Đế quốc Ottoman giết và trục xuất người Armenia là tội ác diệt chủng.

Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ David Satterfield vào cuối ngày 24/4 để lên án tuyên bố này.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Tuyên bố không có cơ sở pháp lý về mặt luật pháp quốc tế và đã làm tổn thương người dân Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra vết thương khó chữa trong quan hệ của chúng ta”.

Trước đó vào ngày 24/4, ông Biden đã thực hiện lời hứa của mình khi còn tranh cử và công nhận việc Đế quốc Ottoman giết hại khoảng 1,5 triệu người Armenia bắt đầu từ năm 1915 là tội ác diệt chủng. Đế chế Ottoman là tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Trong một tuyên bố không bao gồm bất kỳ đề cập nào đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông Biden khẳng định: “Chúng tôi nhìn thấy nỗi đau ấy. Chúng tôi xác nhận lịch sử. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ lặp lại".

Ông Biden đưa ra tuyên bố vào ngày 24/4, trùng với ngày kỷ niệm vào năm 1915 khi chính quyền Ottoman bắt đầu bắt giữ giới trí thức và các nhà lãnh đạo cộng đồng Armenia ở Constantinople. Tuyên bố này khiến các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lên án.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/4 cho biết, việc ông Biden xác định tội danh diệt chủng là "không công bằng và đáng tiếc", và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng theo nhiều cách khác nhau trong những tháng tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, phát ngôn viên và cố vấn Ibrahim Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói: “Sẽ có phản hồi cho vấn đề này".

Ông Kalin không nói rõ liệu Ankara (thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ) có hạn chế quyền tiếp cận của Hoa Kỳ đối với căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hay áp dụng các biện pháp khác hay không. Căn cứ này vốn được sử dụng để hỗ trợ liên minh quốc tế chống lại các nhóm khủng bố IS ở Syria và Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc sử dụng từ "diệt chủng", khẳng định cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Armenia đều đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh thời Thế chiến thứ nhất. Chính quyền nước này đã kêu gọi một ủy ban lịch sử chung để điều tra. Trong nhiều năm liền, các tổng thống Hoa Kỳ đã tránh sử dụng từ "diệt chủng" khi nhắc đến sự kiện này.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ đang gặp phải nhiều vấn đề. Mỹ đã trừng phạt các quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu sau khi thành viên này của NATO mua hệ thống phòng thủ S400 do Nga sản xuất.

Phía Ankara thì thất vọng trước sự hỗ trợ của Washington đối với các chiến binh người Kurd ở Syria có liên quan đến lực lượng nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu dẫn độ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc dàn xếp một âm mưu đảo chính đẫm máu chống lại chính phủ của ông Erdogan vào năm 2016. Hiện ông Gulen đang sống ở Hoa Kỳ và phủ nhận có liên quan đến vụ việc.

Hôm 23/4, ông Erdogan và ông Biden có cuộc nói chuyện đầu tiên qua điện thoại, kể từ cuộc bầu cử năm 2020 ở Hoa Kỳ.

Trong bài đăng trên Twitter hôm 25/4, phát ngôn viên Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã viết: “Tổng thống Erdogan đã mở kho lưu trữ quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi một ủy ban lịch sử chung để điều tra các sự kiện năm 1915, mà phía Armenia chưa bao giờ phản hồi. Thật đáng tiếc [Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ] đã bỏ qua, trong số nhiều điều khác, sự thật đơn giản này và đưa ra một nhận định vô trách nhiệm và vô kỷ luật".

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối lời buộc tội 'diệt chủng' của ông Biden