Thổ Nhĩ Kỳ lại tuyên bố không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau các cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Stockholm của một nhà hoạt động chống Hồi giáo và các nhóm ủng hộ người Kurd, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Hai (23/1) đã bày tỏ ngờ vực nghiêm trọng về sự mở rộng của NATO, đồng thời cảnh báo Thụy Điển đừng mong đợi sự ủng hộ của nước này đối với việc xin gia nhập liên minh quân sự này.

Hôm thứ Bảy (21/1), Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên án cuộc biểu tình đốt kinh Koran của ông Rasmus Paludan và gọi đó là sự xúc phạm đối với mọi người, đặc biệt là người Hồi giáo. Ông đặc biệt phẫn nộ với việc chính quyền Thụy Điển cho phép cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm diễn ra dưới sự "bảo vệ" của lực lượng an ninh.

“Rõ ràng là những kẻ đã cho phép hành động báng bổ như vậy diễn ra trước Đại sứ quán của chúng tôi không còn có thể mong đợi bất kỳ sự ủng hộ của chúng tôi đối với tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ”, ông Erdogan nói trong những bình luận đầu tiên liên quan đến các cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua. Đồng thời, ông cũng cho rằng Thụy Điển hẳn đã tính toán hậu quả của việc cho phép cuộc biểu tình của ông Paludan.

Việc đốt kinh Koran đã khiến mọi người dân trên khắp các lĩnh vực chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Sự việc này cũng tương tự như việc Thụy Điển và Phần Lan gần như tiệm cận với tư cách thành viên NATO, sau khi hai nước này từ bỏ chính sách không liên kết quân sự lâu đời của họ sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Erdogan cũng chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd, trong đó những người biểu tình vẫy cờ của nhiều nhóm người Kurd khác nhau, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd (hay PKK) đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Mặc dù PKK được coi là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, nhưng các biểu tượng của họ không bị cấm ở Thụy Điển.

“Vì vậy, các vị cho phép những tổ chức khủng bố lộng hành trên các đại lộ và đường phố của các vị và sau đó họ lại mong đợi sự hỗ trợ của chúng tôi để gia nhập NATO. Điều đó sẽ không xảy ra", ông Erdogan nói, đề cập đến việc Thụy Điển và Phần Lan đề nghị gia nhập liên minh quân sự. Ông nói nếu Thụy Điển không thể hiện sự tôn trọng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Hồi giáo, thành viên NATO, thì "họ sẽ không thấy bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chúng tôi trên vấn đề NATO".

Vào hồi tháng 6/2022, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã ký một bản tuyên bố chung nhằm ngăn chặn quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại hội nghị thượng đỉnh Madrid của NATO. Tại đây, họ xác nhận PKK là một tổ chức khủng bố và cam kết ngăn chặn các hoạt động của tổ chức này. Các cuộc biểu tình tiếp diễn đang khiến Ankara tức giận và nói rằng, Thụy Điển phải giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như yêu cầu quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của họ.

Ông nói thêm: “Nếu các vị yêu mến các thành viên của những tổ chức khủng bố và kẻ thù của Hồi giáo nhiều đến vậy, cũng như bảo vệ họ, thì chúng tôi khuyên các vị nên tìm kiếm hỗ trợ từ họ cho vấn đề an ninh của đất nước mình”. Hình nộm của ông Erdogan được treo trên cột đèn trong một cuộc biểu tình trước đó.

Các quan chức Thụy Điển cũng nhấn mạnh rằng, quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Thụy Điển đảm bảo và cho phép người dân có nhiều quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai, mặc dù không được phép kích động bạo lực hoặc sử dụng ngôn từ kích động thù địch.

Người biểu tình phải nộp đơn cho cảnh sát để xin phép được tụ tập nơi công cộng. Cảnh sát chỉ có thể từ chối những giấy phép như vậy với những lý do ngoại lệ, chẳng hạn như rủi ro đối với an ninh công cộng. Các quan chức hàng đầu của Thụy Điển cho hay, quyền tự do ngôn luận là điều tối quan trọng đối với nền dân chủ, trong khi tiếp tục chỉ trích hành động của ông Paludan là thiếu tôn trọng và Thụy Điển không nhất trí với hành động này.

Ông Paludan, một công dân Đan Mạch và Thụy Điển, đã thành lập các đảng chống Hồi giáo ở cả hai quốc gia nhưng không giành được ghế nào trong các cuộc bầu cử quốc gia, khu vực hoặc thành phố. Trong cuộc bầu cử quốc hội Thụy Điển năm ngoái, đảng của ông chỉ nhận được 156 phiếu bầu trên toàn quốc. Cuối tuần qua, những người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đốt ảnh của ông và một lá cờ Thụy Điển để đáp trả việc ông đốt Kinh Koran.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ lại tuyên bố không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO