Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian đàm phán hạt nhân Nga - Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy (03/9) đã đề nghị làm trung gian đàm phán căng thẳng xoay quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nguyên tử.

Báo động đã tăng lên trong những tuần gần đây do các cuộc pháo kích tấn công vào khu vực của nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia.

Ukraine hôm thứ Sáu cho biết họ đã ném bom một căn cứ của Nga ở thị trấn Energodar gần đó, phá hủy ba hệ thống pháo cũng như một kho đạn dược.

'Trung gian trong đàm phán hạt nhân'

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm thứ Bảy (03/9), ông Erdogan nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng "Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trung gian trong vấn đề nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tương tự thỏa thuận ngũ cốc".

Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã buộc phải tạm dừng hầu như tất cả các chuyến giao hàng sau khi Nga xâm lược vào cuối tháng Hai, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Biển Đen đã tiếp tục trở lại sau khi Kyiv và Moscow vào tháng 7 ký một thỏa thuận với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là người bảo lãnh.

Ankara đang duy trì quan hệ hợp tác với cả Moscow và Kyiv. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại quan trọng của Nga giữa bối cảnh nước này bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà cung cấp máy bay không người lái (UAV) hàng đầu cho Ukraine, tác động đáng kể đến cục diện chiến trường nửa năm qua.

Thỏa thuận đảm bảo vận chuyển an toàn ngũ cốc qua Biển Đen được Moscow và Kyiv ký hồi tháng 7 đã giải vây hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine. Nga cũng được đảm bảo không bị cản trở xuất khẩu nông sản và phân bón. Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc giữ vai trò trung gian đàm phán, thuyết phục Nga và Ukraine hạ nhiệt trên Biển Đen để giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu

Điện Kremlin sau đó ra thông cáo nói rằng ông Erdogan đánh giá Nga giữ "vai trò mang tính xây dựng" trong chuyến thăm của phái đoàn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hôm 1/9.

Tổng thống Erdogan tháng trước cảnh báo nguy cơ thảm họa hạt nhân vì căng thẳng leo thang ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Hiện hai trong số 6 lò phản ứng của cơ sở vẫn hoạt động, 4 lò còn lại đã bị ngừng chạy vì nguy cơ an ninh.

Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.

Các thanh sát viên IAEA do Tổng giám đốc Rafael Grossi dẫn đầu tới nhà máy ngày 1/9. Chuyến thăm được thông báo đã kết thúc vào ngày 2/9. Phía Nga sau đó khẳng định hai thanh sát viên IAEA sẽ ứng trực tại nhà máy, trong khi IAEA chưa lên tiếng xác nhận kế hoạch chi tiết sắp tới.

Tháng trước, ông Erdogan đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân khi ông đến thăm Lviv để hội đàm với nhà lãnh đạo Ukraine.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông muốn tránh "một thảm họa Chernobyl khác", ám chỉ vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới ở một khu vực khác của Ukraine vào năm 1986, khi nước này vẫn còn là một phần của Liên Xô.

Tuần này, một nhóm gồm 14 người từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã đến thăm Zaporizhzhia, với người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, ông Rafael Grossi cho biết địa điểm này đã bị hư hại do giao tranh.

Đặc phái viên của Nga tại Vienna, Mikhail Ulyanov, cho biết sáu thanh sát viên của IAEA sẽ ở lại trong vài ngày và hai người nữa sẽ ở lại đó "trên cơ sở thường trực".

'Vũ khí'

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thân phương Tây đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Các cường quốc phương Tây đã phản ứng bằng cách gửi viện trợ quân sự cho Kyiv nhằm ngăn chặn bước tiến của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Hôm thứ Sáu, Nhóm Bảy nền dân chủ công nghiệp lớn đã tuyên bố sẽ khẩn trương đưa ra mức giới hạn giá đối với nhập khẩu dầu của Nga, một nguồn thu quan trọng của Moscow.

Ngay sau đó, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ đã tạm dừng việc cung cấp khí đốt cho Đức trong thời gian không xác định vì có rò rỉ trong một tuabin. Nhà sản xuất của Đức cho rằng đó không phải là lý do hợp lệ để ngăn dòng khí đốt.

Tuy nhiên, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni hôm thứ Bảy cho biết Liên minh châu Âu đã "chuẩn bị tốt" trong trường hợp việc cung cấp khí đốt của Nga bị ngừng hoàn toàn, nhờ vào khả năng lưu trữ và các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông nói với các phóng viên bên lề một diễn đàn kinh tế do Hạ viện châu Âu - Ambrosetti tổ chức: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chống lại việc Nga sử dụng vũ khí khí đốt một cách cực đoan".

Tại Liên minh châu Âu, "trữ lượng khí đốt hiện đang ở mức khoảng 80%, nhờ vào việc đa dạng hóa nguồn cung cấp", ngay cả khi tình hình thay đổi giữa các quốc gia, ông Gentiloni nói.

Ukraine đã cáo buộc Nga tích trữ đạn dược tại Zaporizhzhia và triển khai hàng trăm binh sĩ ở đó.

Kyiv cũng nghi ngờ rằng Moscow đang có ý định chuyển nguồn điện từ nhà máy sang bán đảo Crimea gần đó, được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian đàm phán hạt nhân Nga - Ukraine