Thông qua chiến lược 'dung hợp quân - dân', Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Nga gần đây tuyên bố rằng, toàn bộ mạng lưới vệ tinh và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay. Đồng thời, khi sắp tròn một năm xung đột Nga - Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ đến thăm Moscow, báo hiệu thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

"Chúng tôi thấy toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang hoạt động chống lại Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào ngày 1/2. Theo ông Peskov, Moscow cho rằng tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của NATO, bao gồm cả các vệ tinh, đang ngày đêm hỗ trợ Ukraine. Các hoạt động này đã gây ra những tình thế "rất đặc biệt và thù địch" đối với Nga.

Hiện xung đột Nga - Ukraine đang ở tháng thứ 11. Vào thời điểm này, các năng lực không gian trở nên trọng yếu hơn bao giờ hết. Năng lực vệ tinh tập thể của các thành viên NATO mang lại những lợi thế đáng kể cho quân đội Ukraine và hỗ trợ các lực lượng vũ trang, bao gồm cả việc cung cấp nhanh chóng dữ liệu mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh. Những cuộc tấn công này đã gây thiệt hại không nhỏ cho quân đội Nga, đặc biệt là khi Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Moscow thắt chặt mối quan hệ Nga - Trung

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp tròn một năm, Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/1 thông báo ông Tập Cận Bình sẽ thăm Moscow vào mùa xuân năm nay. Bộ này cho biết, chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới được coi là "ưu tiên hàng đầu của mối quan hệ song phương trong năm 2023".

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ Lan Shu nói với The Epoch Times rằng, bà tin rằng có thể có hai lý do khiến ông Tập đến thăm Nga vào thời điểm này.

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đang cố gắng củng cố vị thế thương lượng của mình trước chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Trung Quốc.

Chuyến thăm đó đã bị hoãn vô thời hạn chỉ vài giờ trước khi ông Blinken khởi hành theo lịch trình tới Bắc Kinh vào ngày 5/2, do một khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã xâm phạm không phận Hoa Kỳ. Sau đó ĐCSTQ đã thừa nhận rằng khinh khí cầu đó là của Trung Quốc.

Thứ hai, ông Tập có thể muốn đưa ra một tuyên bố công khai ủng hộ Nga.

Bà Lan nhận định rằng, sau một năm xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc có thể đã phát triển một lập trường cởi mở và hiếu chiến hơn với phương Tây thông qua động thái liên kết với Nga.

Doanh nghiệp do ĐCSTQ hậu thuẫn hỗ trợ quân đội Nga

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt nhà sản xuất vệ tinh Trung Quốc Spacety China vào ngày 26/1 vì đã hỗ trợ Tập đoàn Wagner, một tổ chức bán quân sự của Nga, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tập đoàn Wagner, gần đây bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đã cung cấp hàng chục nghìn lính đánh thuê cho quân đội Nga trong cuộc xung đột này.

The Epoch Times đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập và phát hiện ra rằng, Spacety China, một công ty vỏ bọc tư nhân, có mối liên hệ mật thiết với quân đội của ĐCSTQ. Công ty này là một mắt xích của tổ hợp công nghiệp - quân sự của Trung Quốc.

Viện nghiên cứu Thiên Ý (Tianyi), một nhà sản xuất vệ tinh nhỏ, có văn phòng tại Bắc Kinh và Luxembourg. Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Spacety China đã cung cấp hình ảnh vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) của Ukraine cho công ty công nghệ Terra Tech của Nga. Các hình ảnh được tập hợp lại để Tập đoàn Wagner thực hiện các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Theo trang web của Spacety China, công ty này có quan hệ chặt chẽ với một số doanh nghiệp công nghiệp quân sự của ĐCSTQ. Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALVT), viện nghiên cứu và phát triển chính của quân đội ĐCSTQ, là một trong những đối tác kinh doanh chính của công ty. Các "đối tác kinh doanh" khác của Spacety China bao gồm các nhà thầu quốc phòng của ĐCSTQ trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh và vũ trụ, cũng như một số trường đại học lớn có liên kết trực tiếp với các dự án nghiên cứu quân sự của ĐCSTQ.

Spacety China: Con ngựa thành Troy của ĐCSTQ

Bà Lan Shu nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ đối với chiến lược tích hợp quân sự và dân sự (Civil Military Integration - CMI) có khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận của các nước phương Tây.

Ở các nước phương Tây, CMI nói chung là một chiến lược phối hợp giữa các ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự nhằm phát triển công nghệ. Những tiến bộ trong công nghệ quân sự có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích dân sự, để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và thương mại. Ngược lại, những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực thương mại mang lại lợi ích cho quân đội và có thể nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể khi quân đội yêu cầu.

Điều này thể hiện rõ rệt ở Hoa Kỳ, khi quân đội Hoa Kỳ đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân. Họ nhận ra rằng phần lớn công nghệ đột phá ngày nay đến từ các nguồn thương mại.

Mặt khác, Trung Quốc thiếu các nguồn nhân lực và công nghệ cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phòng thủ của ĐCSTQ. Do đó, ĐCSTQ đã tạo ra phiên bản “dung hợp quân - dân” (MCF) của riêng mình, mà họ gọi là "chính sách hợp nhất quân sự - dân sự".

ĐCSTQ dự định sử dụng sự kết hợp giữa quân sự và dân sự để xây dựng quân đội có công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, "ĐCSTQ đang thực hiện chiến lược này, không chỉ thông qua các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của riêng mình, mà còn bằng cách thu thập và chuyển hướng các công nghệ tiên tiến của thế giới - bao gồm cả thông qua hành vi trộm cắp - nhằm đạt được sự thống trị trong lĩnh vực quân sự”. (pdf)

Sự hợp nhất giữa quân sự và dân sự của ĐCSTQ liên quan đến cú bắt tay giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và các tổ chức nghiên cứu học thuật, cũng như các trường đại học và viện nghiên cứu phương Tây nhằm đánh cắp công nghệ mà ĐCSTQ muốn. Những công nghệ này sau đó sẽ được chuyển giao cho quân đội của ĐCSTQ.

Kết luận

Tập đoàn Wagner của Nga, giống như Spacety China, hoạt động như một công ty tư nhân. Tuy nhiên, hoạt động quản lý và vận hành của nó gắn bó chặt chẽ với cộng đồng tình báo và quân đội Nga. Tập đoàn này hiện có khoảng 50.000 quân ở Ukraine.

Các “công ty công nghệ tư nhân” của Trung Quốc cũng hoạt động tương tự. Các công ty này trông giống như các doanh nghiệp tư nhân, nhưng chúng không thể so sánh với các tập đoàn công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ như Lockheed Martin, Boeing và Raytheon. Thay vào đó, ĐCSTQ sử dụng chúng như những con ngựa thành Troy để xâm nhập và đánh cắp các công nghệ quân sự quan trọng của phương Tây.

Khi đã hiểu rõ được ý định của Trung Quốc trong chiến lược “dung hợp quân - dân”, mối liên hệ giữa Spacety China và quân đội ĐCSTQ, cũng như Tập đoàn Wagner và quân đội của ông Putin, không khó để rút ra kết luận rằng, chính quyền Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thông qua chiến lược 'dung hợp quân - dân', Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine