Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tại nhiệm đến giữa những năm 2030

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (26/6), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ đặt mục tiêu tiếp tục nắm quyền đến giữa thập kỷ tới, bất chấp những nghi vấn về chức vụ thủ tướng của mình do vấp phải thất bại kép trong cuộc bầu cử.

Ông Johnson nói với các phóng viên một ngày trước đó rằng, ông đang "suy nghĩ tích cực" về nhiệm kỳ thứ ba tại vị, sẽ kéo dài đến giữa những năm 2030.

Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứng chịu 2 thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung. Trong đó có việc đánh mất một ghế đại diện vùng Tây Nam xứ England vốn do đại diện của đảng nắm giữ suốt một thế kỷ qua. Kết quả này đưa đến quyết định từ chức của Chủ tịch đảng Oliver Dowden.

Thủ tướng Boris Johnson gặp Tổng thống Zelenskyy tại Kyiv, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Anh)

Đảng Bảo thủ đã mất ghế đại diện đơn vị bầu cử Tiverton và Honiton vào tay đại diện của đảng trung lập Tự do dân chủ.

Trong khi đó, đảng đối lập chính là Công đảng đã lấy lại ghế đại diện đơn vị bầu cử Wakefield ở phía Bắc xứ England trước đó rơi vào tay đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019, khi đảng của Thủ tướng Johnson giành chiến thắng thuyết phục với cam kết hoàn tất quá trình Brexit kéo dài dai dẳng. Đây được xem là cú sốc kép làm gia tăng áp lực với Thủ tướng Johnson.

Sau khi Đảng Bảo thủ hứng chịu hai thất bại trong cuộc bầu cử hôm thứ Năm (23/6), chủ tịch đảng Oliver Dowden đã từ chức và nói rằng "ai đó phải chịu trách nhiệm".

Cũng có ý kiến ​​cho rằng, những kẻ nổi dậy trong ủy ban năm 1922 gồm những người ủng hộ đảng Bảo thủ có thể đang âm mưu loại bỏ ông Johnson bằng cách thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ hai. Tuy nhiên, ông Johnson hôm thứ Bảy (25/6) nói rằng, những kẻ nổi dậy nên từ bỏ những tư tưởng cố hữu đó.

Khi được hỏi liệu ông có dẫn dắt đảng của mình tham gia cuộc tổng tuyển cử tiếp theo hay không, ông Johnson nói với các phóng viên đã đi cùng ông đến Kigali, “Liệu tôi có thắng không ư? Có".

"Hiện tại, tôi đang suy nghĩ tích cực về nhiệm kỳ thứ ba và, bạn biết đấy, điều gì có thể xảy ra sau đó”, Thủ tướng Johnson nói với các phóng viên ở Rwanda vào ngày cuối cùng của chuyến tham dự hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung.

Ông Johnson: Anh Quốc còn một tá việc phải làm

Khi được hỏi tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào hôm Chủ nhật, liệu tham vọng về nhiệm kỳ thứ ba của ông có viển vông hay không, ông Johnson nói: “Điều tôi muốn nói là, Vương Quốc Anh đang bắt tay vào việc phụng sự cho người dân đất nước này và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm".

Ông Johnson cho biết chính phủ phải "đưa mọi người vượt qua" "áp lực lạm phát trầm trọng hậu COVID và cuộc chiến tại Ukraine", cải thiện nền kinh tế, cải cách thị trường năng lượng và nhà ở, cũng như mạng lưới giao thông, giảm chi phí của chính phủ, cắt giảm thuế và nâng cao các giá trị của Anh bằng cách giúp giải quyết "vấn đề khủng khiếp ở Ukraine".

Trước câu hỏi về việc liệu ông Johnson có lo lắng về một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác hay không, ông đã phản hồi bằng cách nói “quy tắc vàng” là “tập trung vào những điều đang làm”.

Thủ tướng Johnson nói với ITV News rằng, ông tin rằng Vương Quốc Anh đã đạt được những thành tựu "khá đáng kể" và tuyên bố sẽ "tiếp tục làm điều đó".

Bị giám sát chặt chẽ là 'một điều tích cực'

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, thủ tướng Anh cho biết, việc “các nhà lãnh đạo đang bị giám sát chặt chẽ” là một điều tích cực.

“Chính phủ của quý vị phải đáp ứng, suy nghĩ xem công chúng mong muốn gì và đưa ra quan điểm nghiêm túc về các nước G7… trái ngược với các chế độ chuyên quyền. Cả Trung Quốc và Nga, tôi nghĩ rằng họ đã mắc sai lầm lớn bởi vì họ không có những sự giám sát và cân bằng dân chủ đó", ông nói và nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ không xâm lược Ukraine nếu "ông ấy có một ủy ban gồm những người ủng hộ như Ủy ban 1922 của ông".

Bộ trưởng Nội các Brandon Lewis cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật, ông cho rằng Thủ tướng rất nghiêm túc với nguyện vọng của mình, và ông mong muốn ông Johnson giữ vai trò lãnh đạo trong dài hạn.

Nếu nắm quyền đến giữa những năm 2030, Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở thành nhà lãnh đạo liên tục lâu nhất trong 200 năm của Vương quốc Anh.

Đầu tháng này, ông Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ, trong đó 41% đồng nghiệp trong quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ phế truất thủ tướng, và ông đang bị điều tra vì cố ý gây hiểu lầm cho quốc hội.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tại nhiệm đến giữa những năm 2030