Thủ tướng Anh công du đến Ấn Độ, trọng tâm là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tờ Financial Times, trong chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ, Thủ tướng Johnson sẽ tránh đề cập cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thay vào đó sẽ thảo luận về hợp tác thương mại, quốc phòng chặt chẽ hơn, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các dự án xanh.

Hai bên cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) vào cuối năm nay, mốc thời gian phù hợp với chu kỳ bầu cử của Anh và Ấn Độ, sẽ diễn ra vào năm 2024, mặc dù các cuộc đàm phán dự kiến sẽ khó khăn.

Tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia

Phát biểu khi đang trên đường tới thăm quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Thủ tướng Johnson tuyên bố, ông sẵn sàng tạo điều kiện cấp thêm nhiều thị thực cho Ấn Độ trong năm nay, đổi lại việc ký kết FTA, qua đó có thể đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương hàng năm.

Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh: “Tôi luôn ủng hộ các nhân tài đến với đất nước chúng tôi. Chúng tôi thiếu hụt hàng trăm nghìn lao động trong nền kinh tế và chúng tôi cần có cách tiếp cận tiến bộ và chúng tôi sẽ làm được”.

Do không còn thực thi chính sách thương mại chung của Liên minh châu Âu (EU), các Bộ trưởng chuyên trách tại xứ sở xương mù tìm cách chuyển hướng chính sách sang các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đến sân bay quốc tế Sarda Vallabhbhai Patel vào ngày 21/4/2022 tại Ahmedabad, Ấn Độ. (Ảnh: Stefan Rousseau - WPA Pool/Getty Images)

Trong thời kỳ sau khi Anh rời EU (Brexit), mục tiêu đạt được FTA với Ấn Độ là một trong những ưu tiên hàng đầu của London.

Các quan chức Anh cho rằng, Ấn Độ muốn nước này cấp nhiều thị thực hơn cho người Ấn Độ làm việc tại Anh. Đây từng là vấn đề gây tranh cãi trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2016 của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, người có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.

Các cuộc đàm phán giờ đây có thể dễ dàng hơn, do hệ thống nhập cư hậu Brexit của Anh đã mở cửa cho nhiều người Ấn Độ hơn. Năm 2021, Anh cấp 65.000 thị thực lao động có tay nghề cho các công dân Ấn Độ, chiếm hơn 40% tổng số thị thực được cấp.

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, thị thực không phải là ưu tiên hàng đầu của nước này, nhấn mạnh điều quan trọng là dỡ bỏ các rào cản đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Anh của ngành dịch vụ và sản xuất của Ấn Độ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trải nghiệm cách sử dụng một bánh xe bông trong chuyến thăm của ông tại Sabarmati Ashram còn được gọi là Gandhi Ashram vào ngày 21/4/2022 ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Ảnh: Stefan Rousseau - WPA Pool/Getty Images)

Còn Anh hy vọng một FTA với Ấn Độ sẽ giúp nước này tăng xuất khẩu rượu whisky, xe hơi và phụ tùng xe hơi, cũng như khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ của Ấn Độ.

Tuy nhiên, quan chức Ấn Độ cảnh báo, Anh không nên mong đợi việc dỡ bỏ các rào cản thương mại tương tự, do mức thuế quan hiện nay của New Delhi cao trong khi dân số thu nhập thấp hơn.

Hai bên hiện vẫn chưa bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chi tiết và việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào có khả năng sẽ không tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế Anh.

Chính phủ Anh ước tính hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội nước này tăng từ 3,3 tỷ Bảng đến 6,2 tỷ Bảng vào năm 2035 (khoảng 0,12-0,22%).

Giải pháp trung gian - Ấn Độ về vấn đề Ukraine

Ông Johnson cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất tự tin có thể đẩy được quân đội Nga ra khỏi khu vực phía đông Donbas, tuy nhiên Ukraine khó có thể tái chiếm Crimea mà Nga đã chiếm giữ 8 năm trước.

"Quan điểm của Tổng thống Ukraine là, nếu như tôi không nhầm, thì ông ấy thực sự muốn trục xuất lực lượng Nga ra khỏi các vị trí hiện có của họ ở Donetsk và Luhansk. Vì vậy, đó là một quan điểm khá tối đa, nhưng ở Crimea, họ không theo chủ nghĩa tối đa", ông nói.

Ông Putin nói rõ rằng ông muốn chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và có thể tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm vào thủ đô của đất nước, Kyiv, ông Johnson cho hay.

Ông nói: "Làm sao bạn có thể thương lượng với một con cá sấu khi nó chuẩn bị nhai đôi chân của bạn? Đó là khó khăn mà người Ukraine đang phải đối mặt. Chúng tôi cần phải tiếp tục chiến lược, tiếp tục cung cấp vũ khí cho họ".

Thủ tướng Anh Boris Johnson (P) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (T) có mặt trong Hội nghị An ninh Munich 2022 vào ngày 19/2/2022 tại Munich, Đức. (Ảnh Getty Images)

Ông Johnson cho biết, khi gặp người đồng cấp Modi tại New Delhi vào thứ Sáu (22/04), ông sẽ khuyến khích Ấn Độ hỗ trợ Ukraine. Nhưng ông cũng chấp nhận rằng Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì quan hệ với Nga.

"Tôi đã nói chuyện với ông Narendra Modi về vấn đề Ukraine, và được biết người Ấn Độ cũng đã lên án những gì đã xảy ra ở Bucha", ông nói. "Nhưng Vương quốc Anh nói riêng phải công nhận rằng có một mối quan hệ lịch sử lâu dài giữa Ấn Độ và Nga. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấp nhận điều đó".

Ấn Độ, quốc gia mua vũ khí và nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới của Nga, đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược và không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới và nước này đã mua nhiều lô hàng dầu của Nga từ các thương nhân mà lẽ ra đã đến châu Âu trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) trong chuyến thăm nhà máy đóng tàu Zvezda, khi Giám đốc công ty dầu mỏ khổng lồ của Rosneft Nga Igor Sechin (G) tháp tùng họ, bên ngoài cảng Vladivostok ở miền viễn đông Nga vào tháng 9/2019, trước khi bắt đầu Diễn đàn Kinh tế Phương Đông do Nga đăng cai tổ chức. (Ảnh Getty Images)

Xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần trong tháng 3, tương đương 360.000 thùng/ngày, gần gấp 4 lần mức trung bình năm 2021, do các dòng năng lượng toàn cầu đã được định hình lại kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine.

Theo Kpler, một dịch vụ phân tích và dữ liệu hàng hóa, quốc gia này đang trên đà đạt 203.000 thùng/ngày trong cả tháng dựa trên lịch trình giao hàng hiện tại.

Ấn Độ và Nga đã có quan hệ đối tác lâu dài từ sau khi Ấn Độ giành độc lập, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái trong chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ sau đại dịch.

Hai nước cũng có một số thỏa thuận quân sự, thương mại và năng lượng chung, chẳng hạn như Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga chiếm 49% cổ phần trong Nayara Energy, nhà điều hành nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Ấn Độ.

Ngân hàng trung ương và chính phủ Ấn Độ đang xem xét việc thiết lập một cơ chế giao dịch đồng rúp, điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại sau khi các khoản thanh toán quốc tế đến và đi từ Nga bị chặn lại bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thủ tướng Anh Johnson: các cuộc hoà đàm với Ukraine sẽ kết thúc vì "cá sấu" Putin

Thủ tướng Johnson nói rằng, đối phó với ông Putin giống như "một con cá sấu" và nói rằng điều quan trọng là phương Tây cần tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.

Thủ tướng đã phát biểu khi tới Ấn Độ trong nỗ lực khuyến khích người đồng cấp Narendra Modi chấm dứt thái độ trung lập đối với cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông đã hạ thấp khả năng Ấn Độ chấm dứt quan hệ lâu dài với Nga.

Ông Johnson nói với các phóng viên: “Rất khó để người dân Ukraine có thể đàm phán với ông Putin khi ông ấy tỏ ra thiếu thiện chí”. "Rõ ràng, chiến lược của ông ta là cố gắng nhấn chìm và chiếm được Ukraine càng sớm càng tốt".

(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một bức ảnh trước khi bắt đầu cuộc họp tại Phủ thủ tướng vào ngày 19/1/2020 ở Berlin, Đức. (Ảnh: Emmanuele Contini / Getty Images)

Ông Johnson cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đồng ý trong cuộc gọi trong tuần này rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả pháo binh, khí tài quân sự... khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào miền Đông Ukraine.

Ukraine và Nga đã không tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp kể từ hôm 29/3 và bầu không khí trở nên tồi tệ trước những cáo buộc của Ukraine rằng quân đội Nga đã thực hiện các hành động tàn bạo ở thị trấn Bucha gần Kyiv.

Moscow đã bác bỏ các tuyên bố này.

Nga chiếm thị trấn đầu tiên ở miền đông Ukraine như một phần của giai đoạn 2 của cuộc chiến, điều mà các quan chức Ukraine đã mô tả là 'Trận Donbas'.

Huyền Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh công du đến Ấn Độ, trọng tâm là gì?