Thủ tướng Ba Lan: Belarus và Nga có thể lợi dụng Afghanistan để thúc đẩy khủng hoảng biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cảnh báo về những áp lực có thể xảy ra đối với người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới của Liên minh châu Âu với Belarus, lần này là từ Afghanistan và Uzbekistan.

Trong chuyến thăm đến thủ đô Vilnius của quốc gia Litva, ông Morawiecki cho biết đã nhận được thông tin rằng, tình hình khó khăn ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản đất nước này vào tháng Tám “có thể được sử dụng làm giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng di cư”.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Litva là bà Ingrida Šimonytė, ông Morawiecki nói: “Chúng tôi biết về các cuộc tiếp xúc ngoại giao và chính thức của Belarus và Nga với Uzbekistan và Afghanistan và… có thể sẽ có nỗ lực sử dụng cuộc khủng hoảng ở Afghanistan như là giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng di cư”.

Thủ tướng Ba Lan nêu rõ: “Và cuộc khủng hoảng di cư chỉ là một phần của cuộc khủng hoảng chính trị lớn mà Lukashenko với người phụ trách thực sự của mình — và tôi nghĩ không ai nghi ngờ rằng đây là Tổng thống Putin — sẽ tiếp tục những hành động như vậy”. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng những điều diễn ra trước mắt chúng ta, những sự kiện kịch tính này, có thể chỉ là khúc dạo đầu cho một điều gì đó tồi tệ hơn nhiều”. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ của Ba Lan đối với Litva trong “tất cả các nỗ lực của nước này, bao gồm cả nỗ lực này”.

Hôm 21/11, Thủ tướng Morawiecki đã có chuyến công du một ngày đến các cuộc gặp gỡ với thủ tướng của các nước thành viên Liên minh châu Âu, gồm có Litva, Latvia và Estonia. Đây là những quốc gia cũng đã trở thành mục tiêu của những người nhập cư cố gắng vượt biên bất hợp pháp. Mục đích của các cuộc gặp là để thảo luận cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp ảnh hưởng đến các thành viên EU có quốc gia có biên giới với Belarus.

Phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo, nữ thủ tướng Šimonytė nói: “Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là bất kỳ cuộc đàm phán nào (với Belarus) đều được phối hợp với Litva, Ba Lan và Latvia, những nước đi đầu trong cuộc tấn công hỗn hợp và không có quyết định nào được đưa ra không giải quyết được tình hình một cách cơ bản”.

Theo một tuyên bố, thủ tướng Litva cho biết: “Mặc dù chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu tích cực trong việc quay trở lại đất nước của những người di cư, nhưng thật không may, cuộc tấn công do chế độ tại thủ đô Minsk của Belarus tổ chức vẫn đang tiếp diễn. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là phải gia tăng hơn nữa sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Minsk cho đến khi tình hình thay đổi đáng kể”.

Latvia

Sau cuộc họp với ông Morawiecki, Thủ tướng Latvia là ông Krišjānis Kariņš cho biết: “Liên minh châu Âu đang trải qua một cuộc tấn công hỗn hợp có phối hợp của chế độ Belarus, chế độ lợi dụng công dân nước thứ ba và cố gắng đưa họ vào EU thông qua các đường biên giới bất hợp pháp tại biên giới Ba Lan, Litva và Latvia”.

Theo một tuyên bố, Thủ tướng Kariņš nêu rõ: "Chúng tôi có một vị trí thống nhất và được thiết lập tốt - chúng tôi sẽ không cho phép chế độ Belarus đưa công dân nước thứ ba vào Liên minh châu Âu một cách bất hợp pháp". Ông Kariņš thông báo rằng, Latvia có ý định cử một nhóm lính biên phòng và cảnh sát đến Ba Lan.

Thủ tướng Latvia đề xuất rằng, Liên Hợp Quốc cần tham gia vào việc tổ chức hồi hương công dân nước thứ ba trên lãnh thổ Belarus về nước xuất xứ của họ. Cả 2 vị thủ tướng Morawiecki và Kariņš đều đồng ý rằng, “tình hình ở biên giới Ukraine-Nga và các biên giới bên ngoài của EU nên được nhìn nhận như một bức tranh toàn cảnh”.

Estonia

Mặc dù Estonia không có biên giới với Belarus, nước này lo ngại về khả năng vượt biên trái phép qua biên giới Nga và có kế hoạch xây dựng hàng rào bằng dây kẽm gai để ngăn chặn hành vi này.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng, cuộc tấn công hỗn hợp ở biên giới Belarus - EU vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bà Kallas nêu rõ: “Chúng tôi dự đoán rằng, áp lực đối với biên giới bên ngoài của EU và NATO của Alexander Lukashenko sẽ tiếp tục, bởi vì chế độ Belarus cho đến nay đã không đạt được các mục tiêu của mình”. Bà cho biết thêm: “Việc duy trì tình trạng bế tắc càng lâu càng tốt là vì lợi ích của chế độ Belarus, vì chế độ này tập trung vào các cuộc đàn áp tàn bạo và vi phạm nhân quyền mà chế độ này tiếp tục gây ra cho chính người dân của mình”.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới, Thủ tướng Kallas đề xuất "thực thi nhanh chóng các biện pháp trừng phạt" đối với Belarus. Bà khẳng định, quốc gia của bà cũng sẽ tập trung vào việc gây áp lực ngoại giao để đình chỉ các chuyến bay từ các nước xuất phát và quá cảnh. Theo bà Kallas, Estonia đã đạt được thành công ngoại giao trong nỗ lực này và kết quả là nhiều chuyến bay như vậy đã phải dừng lại.

Do đó, bà cho rằng trọng tâm nên tập trung vào việc hồi hương những người nhập cư, đồng thời kêu gọi Belarus cho phép các tổ chức của Liên Hợp Quốc tiếp cận đầy đủ lãnh thổ của mình để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người nhập cư. Thủ tướng Estonia nói: “Những người bị lừa gạt đến Minsk đang ở Belarus hợp pháp và đã được cấp thị thực Belarus. Họ phải được đảm bảo an ninh trên lãnh thổ Belarus, và Belarus phải cho phép họ trở về nước”.

Tiếp tục xâm phạm biên giới

Ba Lan cáo buộc Belarus tiếp tục chở người nhập cư đến biên giới của mình, bất chấp việc lính biên phòng đã dọn dẹp các trại sát biên giới hồi đầu tuần trước, và bắt đầu hồi hương một số người về Iraq.

Hôm 21/11, Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết, họ đã ngăn chặn một cuộc xâm nhập bất hợp pháp mạnh mẽ của một nhóm 100 người ở Czeremcha, do lực lượng Belarus đưa đến biên giới có hàng rào, theo Đài phát thanh Ba Lan. Tin tức cho biết, những người nhập cư này đã tấn công các sỹ quan biên phòng bằng đá và cành cây. Theo một tuyên bố của Lực lượng Biên phòng Ba Lan, một nhóm khác gồm khoảng 150 người nước ngoài hung hãn “được giám sát bởi lực lượng Belarus”, đã cố gắng đột nhập vào lãnh thổ Ba Lan ở Dubicze Cerkiewne hôm 21/11.

Những người nhập cư đã cố gắng vượt qua biên giới bằng cách ném một bục làm bằng ván qua hàng rào, nhưng những người cố gắng vượt qua Ba Lan đã bị bắt và áp giải trở lại biên giới, tuyên bố cho biết. Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết, họ đã ghi lại hơn 34.000 trường hợp cố tình vượt biên trái phép vào Ba Lan trong năm nay, bao gồm hơn 17.000 trường hợp vào tháng Mười và hơn 6.000 vào tháng Mười Một cho đến nay. Đức đã ghi nhận một vài nghìn người tiếp cận lãnh thổ của họ từ Belarus.

Nước láng giềng Litva cho biết, 44 người di cư đã bị ngăn cản vào hôm thứ 20/11. Đây là con số trường hợp xâm phạm biên giới thấp nhất tại nước này trong một tuần.

Liên minh châu Âu cáo buộc, Belarus đã thực hiện những chuyến bay chở hàng nghìn người từ Trung Đông và đẩy họ sang Ba Lan, Litva và Latvia, để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu. Chính quyền Minsk liên tục phủ nhận cáo buộc này.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Ba Lan: Belarus và Nga có thể lợi dụng Afghanistan để thúc đẩy khủng hoảng biên giới