Thủ tướng Ba Lan chỉ trích Đức không ‘hào phóng’ với Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 24/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đả kích và chỉ trích Đức vì ‘không hào phóng’ trong việc viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh Châu Âu tìm cách tăng chi tiêu để tiếp tục vũ trang cho Kyiv.

Trong một cuộc phỏng vấn sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết nền kinh tế lớn nhất của EU phải đứng lên và dẫn đầu trong việc viện trợ cho Ukraine.

Hãng tin Politico lập luận rằng, đây chỉ là một phần trong lời kêu gọi rộng lớn hơn của Thủ tướng Ba Lan rằng EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải sửa đổi các quy tắc chi tiêu và giải phóng các khoản đầu tư quân sự lớn.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Morawiecki đã nêu lên một số đề xuất khác như: các đồng minh NATO nên tăng mạnh mục tiêu chi tiêu của họ lên 3% GDP; các nước EU nên đẩy nhanh nỗ lực tái sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Tuy nhiên, những nhận xét gay gắt nhất của ông Morawiecki lại nhắm vào Đức, quốc gia gần đây có mối quan hệ căng thẳng với Ba Lan.

Ông lập luận rằng Đức nên "cung cấp thêm khí tài, đạn dược và nhiều tiền hơn cho Ukraine, vì cho đến nay họ là quốc gia giàu có và lớn nhất EU".

Thủ tướng Ba Lan nói: “Họ đã không hào phóng. Tôi vẫn khuyến khích họ làm như vậy".

Ba Lan, quốc gia dẫn đầu EU trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đã cùng với các nước Đông Âu liên tục thúc giục các quốc gia phương Tây viện trợ riêng cho Kyiv. Và trong khi các cường quốc như Đức và Pháp ã cam kết cung cấp cho Ukraine kho dự trữ vũ khí, phương tiện và tiền bạc đáng kể, thì những nỗ lực của họ lại khiến các nước Đông Âu cho rằng bấy nhiêu đó vẫn “chưa đủ”.

Warsaw đặc biệt thẳng thắn, và ông Morawiecki - người sẽ tái tranh cử vào cuối năm nay - đã dẫn đầu nỗ lực này.

“Tôi không đả kích họ. Tôi chỉ nói rõ ràng thôi”, ông Morawiecki nói và thừa nhận rằng Berlin đã thực hiện những thay đổi chính sách tích cực, bao gồm các khoản đầu tư lớn để hiện đại hóa quân đội và đảo ngược lệnh cấm đưa vũ khí vào vùng chiến sự.

Đặc biệt, Thủ tướng Ba Lan đã đề cao quyết định của Đức trong việc gửi xe tăng chiến đấu Leopard tới Ukraine.

Ba tháng trước, Đức nói rằng điều đó là không thể, nhưng bây giờ điều đó là có thể. Họ đang thay đổi cách tiếp cận của mình”, ông nói.

Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng chỉ trích các chính sách năng lượng trong quá khứ của Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Ông cho rằng chính sách này đã dẫn châu Âu vào con đường nguy hiểm.

“Thông qua chính sách khí đốt và dầu mỏ rất sai lầm của Đức đối với Nga, họ phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra, về tình trạng lộn xộn này trên thị trường năng lượng. Đức đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi hoàn toàn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh vào Nga bằng nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi đã yêu cầu họ không làm như vậy”, ông Morawiecki nói.

Thủ tướng Ba Lan cho biết ông đã thảo luận quan điểm của mình về sự hỗ trợ của Đức đối với Ukraine với người đồng cấp Đức Olaf Scholz.

“Tôi đã yêu cầu ông ấy hỗ trợ lớn như vậy. Đây là tất cả những gì tôi có thể làm”, ông nói

Tờ Politico lập luận rằng, Ba Lan đang được hưởng lợi từ những đóng góp của Đức cho một quỹ chung của EU có tên “Cơ sở Hòa bình châu Âu” nhằm hoàn trả một phần các quốc gia đã quyên góp vũ khí cho Ukraine. Đức cung cấp phần lớn số tiền cho quỹ này, và Ba Lan đã không ngại gửi hóa đơn của mình.

Nhưng ông Morawiecki cho biết ông không đánh giá cao đóng góp của Đức cho quỹ này, gọi đây chỉ là "tỷ lệ thuận" với quy mô của nền kinh tế Đức. Và, ông nói, Ba Lan sẽ tiếp tục yêu cầu EU hoàn trả một phần tất cả các khoản đóng góp của mình, bao gồm cả xe tăng và máy bay phản lực. Đây là một câu hỏi chưa có lời giải vì quỹ này hiện gần như dốc cạn để trang trải đạn dược cho Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU trong tuần này, Ba Lan đã cùng với Slovakia đề xuất thêm 3,5 tỷ euro (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2023 cho quỹ này nhưng đã bị từ chối.

“Vũ điệu tài trợ” chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến dài hạn trong nội bộ EU về mức độ phát triển năng lực công nghiệp quân sự của mình - và cách chi trả cho năng lực đó.

Ông Morawiecki cho hay, ông hiện còn ấp ủ rất nhiều ý tưởng và sẽ sẵn sàng tung ra nếu đúng thời điểm.

Ông Morawiecki nói các nước EU có thể xem xét phát hành trái phiếu quốc phòng để thu hút tài trợ cho các nỗ lực quân sự. Ông hy vọng EU sẽ tìm ra “một số khoản tiền không được chi tiêu theo dự tính” để chuyển sang hỗ trợ Ukraine.

Ông Morawiecki đang cố gắng thể hiện mình là một chính trị gia nặng ký trên chính trường châu Âu. Tuy vậy, Thủ tướng Ba Lan cũng đang phải đối mặt với một tương lai bất định. Ngoài cuộc bầu cử sắp tới, Ba Lan cũng đang đối đầu với EU về các cáo buộc nhằm làm suy yếu sự độc lập tư pháp. Các khoản tiền phạt đã bắt đầu tăng lên và Brussels hiện đã đóng băng các khoản ngân sách phục hồi sau đại dịch của Warsaw.

Đồng thời, Ba Lan cũng đang phải vật lộn với cơn đau đầu khi đề cập đến đồng minh thân cận nhất và cũng là “kẻ gây rối” của EU và NATO - Hungary.

Khi được hỏi liệu Ba Lan có lo ngại rằng Budapest hiện tại quá thân thiện với Nga hay không, Thủ tướng Morawiecki đã trả lời ngay lập tức là “có”.

Nhưng khi được hỏi về việc liệu Ba Lan và Hungary - những đồng minh lâu năm chống lại những nỗ lực của Bỉ nhằm thực thi các quy tắc về nhân quyền - có đang chia rẽ hay không, ông Morawiecki tỏ ra thận trọng hơn, nói thêm rằng hai bên chỉ đơn giản là chia rẽ "trong tất cả các khía cạnh liên quan đến Ukraine và Nga”.

“Chúng tôi chỉ đang tách biệt trong tất cả các khía cạnh liên quan đến Ukraine và Nga. Tuy nhiên, về mọi thứ khác, chúng tôi là những quốc gia có cùng chí hướng”, ông Morawiecki nói thêm.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Ba Lan chỉ trích Đức không ‘hào phóng’ với Ukraine