Thủ tướng Campuchia tuyên bố ‘gây sốc’: Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì tôi dựa vào ai?" - là lời khẳng định của Thủ tướng Campuchia liên quan đến Bắc Kinh. Ông Hun Sen đã bảo vệ mối quan hệ thân thiết của mình với Trung Quốc, chỉ ra việc Bắc Kinh cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho quốc gia nhỏ bé của mình.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á tổ chức trực tuyến hôm 20/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng những chỉ trích về việc Phnom Penh quá phụ thuộc vào Bắc Kinh là "không công bằng".

Hội nghị quốc tế về 'Tương lai châu Á' là diễn đàn đối thoại chính sách được tổ chức thường niên, có sự tham dự của các lãnh đạo, học giả, chính khách hàng đầu. Năm nay, hội nghị tập trung vào vai trò của châu Á và những thay đổi chính sách gắn liền với đại dịch COVID-19.

Không dựa vào Trung Quốc, hỏi dựa vào ai?

Trước mối lo ngại của các nước về quan hệ ngày càng phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc, ông Hunsen tuyên bố: "Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai? Không hỏi Trung Quốc thì hỏi ai?", ông nói.

Trung Quốc là nước bảo trợ chính trị quan trọng và cung cấp viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Quốc gia này đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia.

Hun Sen đã giải thích về chính sách đối ngoại của mình như sau:

"Đúng, đây là sự thật, và nên nói rằng: Campuchia dựa vào Trung Quốc. Nếu như không nhờ Trung Quốc, thì người dân tôi hiện nay lấy gì chèo thuyền qua sông, khi không có đường bộ... Các nhà phân tích cũng nên tìm câu trả lời cho Campuchia: Campuchia nên làm gì để có đường, có cầu, có cơ sở hạ tầng như các đập, kênh đào?"

Có những ý kiến ​​cho rằng Campuchia dự định cất giữ các khí tài quân sự của Trung Quốc tại các căn cứ trên đất nước mình. Ông Hunsen nhấn mạnh hiến pháp Campuchia cấm nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ, bày tỏ hoan nghênh mọi quốc gia điều tàu cập cảng Campuchia với mục đích viện trợ phát triển.

"Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai muốn hỗ trợ xây dựng Campuchia", Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Campuchia đang chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 lớn, ông cho rằng cần loại bỏ rào cản trong vận chuyển vật tư y tế qua biên giới để vaccine dễ tiếp cận hơn.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 29 tháng 4 năm 2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Madoka Ikegami - Pool / Getty Images)

Một phần vaccine của Campuchia nhận được từ chương trình Covax của Liên Hợp Quốc, nhưng phần lớn nguồn cung đến từ Trung Quốc, ông Hun Sen nhấn mạnh.

Hiện nay, Campuchia đã nhận 1,7 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc và mua 3 triệu liều vaccine Sinovac. Campuchia cũng nhận được 324.000 liều vaccine Covishield (Astra Zeneca) từ cơ chế COVAX.

Quốc gia này đang vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu, với hơn 20.000 ca nhiễm từ tháng 2/2021.

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: "Ngay cả việc tiêm phòng Covid-19 cho hơn 2 triệu người dân, nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc và nguồn cung bán từ Trung Quốc thì chúng tôi cũng không có vaccine tiêm cho người dân Campuchia”.

Vaccine Trung Quốc có đáng tin?

Trung Quốc đã chào hàng thành công vaccine COVID-19 ở trong và ngoài nước, thu hút một số quốc gia mua Sinovac và Sinopharm, hai loại vaccine hàng đầu của Trung Quốc. Việc tuyên truyền như vậy thực sự đã đạt được một số thành công nhất định ở cả trong nước và trong cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, những ca tử vong gần đây và tỷ lệ bảo vệ thấp của vaccine do Trung Quốc sản xuất được tiết lộ qua các thử nghiệm lâm sàng, và các trường hợp thực tế đã chấm dứt “thành công” tự nhận đó.

Cho đến nay, chính quyền Hong Kong đã báo cáo 14 trường hợp tử vong ở Hong Kong xảy ra sau khi tiêm vaccine Sinovac, trong khi 13 người khác bị liệt mặt sau khi tiêm vaccine, kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu.

Một nghiên cứu gần đây tại Đại học Chile cho thấy một liều vaccine Sinovac chỉ có khả năng bảo vệ là 3% trong 28 ngày - giữa liều đầu tiên và liều thứ hai, có nghĩa là liều đầu tiên hầu như không có tác dụng và những người được tiêm liều đầu tiên vẫn dễ bị nhiễm virus như những người không được tiêm.

Theo nghiên cứu, trong vòng hai tuần đầu tiên kể từ khi tiêm liều thứ hai của Sinovac, vaccine này chỉ có tác dụng bảo vệ 27,7%; hai hoặc nhiều tuần sau liều thứ hai, tỷ lệ bảo vệ tăng lên 56,5%.

Tại Chile, Tổng giám mục Celestino Aos (76 tuổi) và giám mục phụ tá Alberto Lorenzelli của Santiago đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi tiêm liều Sinovac thứ hai vào ngày 11/3, Giáo hội Công giáo La Mã Chile cho biết trong một bài đăng trên Twitter vào ngày 10/4.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Tổng thống Arif Alvi cũng được chẩn đoán mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine Sinopharm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đã phải "cầu xin" chủ tịch Cập để được quyền tiếp cận vaccine (Ảnh: LINUS ESCANDOR II / AFP qua Getty Images)
Cho tới nay, nhiều chính trị gia hàng đầu, những người sử dụng vaccine của Nga và Trung Quốc, đã bị nhiễm Covid-19. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, thậm chí 'phản thùng' lại đồng minh Trung Quốc này với tuyên bố "các bạn đừng tiêm vaccines Trung Quốc như tôi" và đòi trả lại Trung Quốc 1.000 liều vaccines. (Ảnh: LINUS ESCANDOR II / AFP qua Getty Images)

Tổng cộng 126 thành viên của Nhóm An ninh Đặc biệt của Tổng thống Philippines (PSG) đã tiêm vaccine từ Trung Quốc và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona Vũ Hán, 45 người vẫn đang bị bệnh, theo China News đưa tin vào ngày 7/4.

Theo một bài báo có tiêu đề "Đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan mắc bệnh dù đã tiêm vaccine", do tờ Netease News của Đại Lục đăng vào ngày 16/5, cho biết, gần đây, 26 thành viên và nhân viên của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Thái Lan được chẩn đoán lây nhiễm COVID-19 tập thể.

Bác sĩ Thái Lan Thanaporn Wongbangpho tiết lộ rằng, tất cả các thành viên và nhân viên của đội bóng chuyền đều đã được tiêm mũi vaccine Sinovac đầu tiên vào ngày 29/4.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc vẫn không ngừng thúc đẩy "ngoại giao vaccine", tính an toàn và hiệu quả của vaccine nội địa Trung Quốc vẫn luôn khiến ngoại giới lo ngại.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Campuchia tuyên bố ‘gây sốc’: Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?