Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc giữa những vấn đề 'nổi cộm' về nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/11 đã dẫn đầu một phái đoàn, chủ yếu là các doanh nhân nước này, tới Bắc Kinh trong một chuyến công du chính thức. Chuyến thăm Trung Quốc của ông Olaf Scholz đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền.

Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây khác cam kết sẽ duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, ông Scholtz đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 12 Giám đốc điều hành từ các doanh nghiệp có trụ sở tại Đức trong chuyến thăm lần này đến Trung Quốc. Hầu hết các công ty này đã có mặt tại thị trường Trung Quốc từ lâu, chẳng hạn như Volkswagen, BMW và Siemens.

Thủ tướng Đức cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp mặt với ông Tập Cận Bình kể từ khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hồi tháng trước.

Trong cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo được tổ chức ở Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh, ông Scholz nói rằng, Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng đối với Đức, cũng như đối với toàn châu Âu, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tờ Financial Times của Vương quốc Anh đưa tin vào ngày 30/10 cho hay, các nhà phê bình tin rằng, “thay vì làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế với các chế độ độc tài, Đức và Liên minh châu Âu (EU) nên tách rời khỏi họ”.

Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Đức kiên quyết phản đối việc tách rời khỏi nước này, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác thương mại và kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, cũng như hỗ trợ đầu tư lẫn nhau nhiều hơn giữa các doanh nghiệp giữa hai nước.

Đổi lại, ông Tập đặc biệt phê duyệt sử dụng vaccine do BioNTech và Pfizer của Đức sản xuất để sử dụng tại Trung Quốc. Cùng ngày, Tập đoàn Vật tư Hàng không Trung Quốc thông báo đã ký thỏa thuận mua 140 máy bay Airbus của Đức, với tổng giá trị lên đến 17 tỷ USD.

Một ống tiêm và lọ vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Thành phố New York, 03/10/2021. (Ảnh: Cindy Ord / Getty Images)

Ông Song Guocheng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (National Chengchi University), nói với The Epoch Times rằng, các nước EU đang xem xét lại sự phụ thuộc của khối này vào thị trường Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Scholtz “cho thấy Đức về cơ bản không có cách nào thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi vì thương mại của Đức với Trung Quốc là một mối quan hệ cấu trúc tương đối cao cấp, chủ yếu tập trung vào ô tô, máy móc, hóa chất, y tế và các ngành công nghiệp khác", ông nói.

Ông Scholz đang ở trong tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Hiện tại, chính phủ Đức đang soạn thảo một chiến lược mới về Trung Quốc.

Theo nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức, nước này dự kiến sẽ công bố một chiến lược chính thức về Trung Quốc vào mùa xuân năm 2023. Chiến lược này được cho là sẽ cứng rắn hơn so với chính sách Trung Quốc của cựu Thủ tướng Angela Merkel.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock từng kêu gọi thắt chặt các biện pháp quyết đoán hơn đối với Trung Quốc, đồng thời công khai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ vào thời điểm bà nhậm chức. Bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc là “đối thủ thể chế” của Đức.

Ảnh của Epoch Times
Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, có bài phát biểu tại đại hội của Đảng Xanh tại Bonn, Đức, vào ngày 15/10/2022. (Ảnh: Ina Fassbender/AFP/Getty Images)

Nhà kinh tế người Mỹ gốc Hoa Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nói với The Epoch Times rằng, ông Tập đang tìm cách gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ nước ngoài để đánh dấu thành tích của ông trong Đại hội 20 sau khi phá vỡ tiền lệ với nhiệm kỳ thứ ba.

“Hai tháng trước, khi ông Scholz thông báo rằng ông ấy có kế hoạch thăm Bắc Kinh, cả Đức, Liên minh châu Âu và các bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ sự phản đối của họ”, ông Lý Hằng Thanh nói và lưu ý rằng, hàm ý của chuyến thăm này là bày tỏ sự phục tùng ông Tập, đặc biệt là khi ông Tập đã nắm chắc nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Ông Lý Hằng Thanh cho biết chuyến thăm của ông Scholz cho thấy một tâm lý hai mặt.

“Một mặt, ông Scholz đặc biệt muốn bảo toàn lợi ích của các công ty Đức ở Trung Quốc. Nhưng ông Scholz cũng hiểu rằng, Trung Quốc khác với thế giới phương Tây về vấn đề nhân quyền. Ông ấy cũng hiểu rằng ĐCSTQ đã và đang giúp đỡ Nga ở phía sau hậu trường".

“Vì vậy, ông ấy đang bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Lý Hằng Thanh nhấn mạnh.

Chuyến thăm của ông Scholz vấp phải chỉ trích từ các nhóm nhân quyền

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Scholz đã làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền.

Thủ tướng Đức quyết định đến thăm Bắc Kinh “để tỏ lòng thành kính với ông Tập Cận Bình, [đây] là một lựa chọn hoàn toàn phớt lờ nỗi thống khổ của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ”, ông Dolkun Isa, Chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cho biết trong một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin ngày 1/11.

Ông Hanno Schedler, phát ngôn viên của Hiệp hội Trợ giúp Những người bị Đe dọa (Society for Threatened Peoples), cho biết, ông Scholz không nên quên tình hình nhân quyền ở Tây Tạng và Nội Mông, chưa nói đến tình trạng tước quyền tự do báo chí và ngôn luận mà người Hong Kong đang phải gánh chịu.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong cuộc bỏ phiếu ngày 06/10/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ, về việc tổ chức tranh luận về tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình/NTDVN)

“Tôi nghĩ chuyến thăm của ông Scholz tới Trung Quốc là một biểu tượng, đại diện cho sự phụ thuộc kinh tế của các nước phương Tây vào Trung Quốc”, ông Qin Jie, một nhà bất đồng chính kiến ​​sống lưu vong ở Đức, nói với The Epoch Times.

“Sự phụ thuộc này đã mang lại sự thịnh vượng cho các nước phương Tây trong vài thập kỷ qua. Nhưng tất cả những điều này đều dựa trên nỗi đau, gồm cả máu và nước mắt của người dân Trung Quốc", ông nói.

“Tôi hy vọng chính phủ Đức và Mỹ sẽ sớm nhận ra rằng, sự xoa dịu của họ sẽ chỉ truyền thêm máu cho những kẻ cướp ĐCSTQ, đồng thời kéo dài sự thống khổ của người dân Trung Quốc. Điều này sẽ luôn khiến các nước phương Tây bị đe dọa bởi chế độ độc tài của ĐCSTQ”.

Ông Qin cho biết, ông lo ngại rằng mặc dù có sự phản đối trong nội bộ, nhưng xu hướng chủ đạo ở Đức vẫn bị lung lay bởi ĐCSTQ và Đức sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong một thời gian dài.

“Đức vẫn sẽ lựa chọn dựa trên lợi ích của mình”, ông nói. "Nền kinh tế của họ dựa vào thị trường khổng lồ Trung Quốc".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc giữa những vấn đề 'nổi cộm' về nhân quyền