Thủ tướng Úc làm phật ý Trung Quốc: Tài khoản WeChat 76.000 người theo dõi bị đổi chủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh căng thẳng Úc - Trung Quốc leo thang, và kỳ bầu cử liên bang Úc đang tới gần, tài khoản WeChat chính thức của Thủ tướng Úc Scott Morrison, vốn có 76.000 người theo dõi, đã bị sang tên cho một công ty nhỏ ở Trung Quốc, mà ông thủ tướng không hề hay biết.

Thủ tướng Úc thuộc Đảng Tự do Scott Morrison đã bị sốc khi ứng dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc đưa ra cho 76.000 người theo dõi tài khoản của ông 2 lựa chọn tệ hại: rời khỏi WeChat trong vòng 24 giờ và danh sách những người theo dõi bạn sẽ bị xóa cùng với việc tài khoản của ông Morrison bị phân cho người khác, hoặc cho phép WeChat tự động đưa bạn vào danh sách theo dõi tài khoản thay thế, mang tên là “Cuộc sống mới Trung Quốc - Úc” (澳华新生活).

Một tin gửi đến những người theo dõi WeChat của ông Morrison thông báo rằng, “Scott Morrison, tài khoản chính thức mà bạn đã theo dõi trước đây, đã chuyển tất cả hoạt động và chức năng sang tài khoản chính thức này”.

Ông Morrison chẳng hề chuyển cái gì cả. Những người theo dõi ông đã bị cướp đi.

Clare Armstrong, người đưa tin sốt dẻo này trên tờ Daily Telegraph ngày 23/01, tuyên bố rằng tài khoản mới là một “đơn vị tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh”.

James Paterson một thành viên Quốc hội Úc thuộc Đảng Tự do, và là chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội về Tình báo và An ninh nói với một đài phát thanh Úc, “Đây là một nỗ lực rất rõ ràng và không thể nhầm lẫn được của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm kiểm duyệt Thủ tướng Úc, và ngăn cản ông vận động bầu cử trong cộng đồng người Úc gốc Hoa”.

Một doanh nhân Trung Quốc đến từ tỉnh Phúc Kiến tuyên bố đã mua tài khoản của ông Morrison.

"Tôi là một doanh nhân. Tài khoản này hợp pháp, nội dung hợp pháp, và giá cả hợp lý”, ông Hoàng Ái Bằng, Giám đốc điều hành công ty Fuzhou 985 Information Technology cho biết. "Phần còn lại tôi không thực sự quan tâm".

Ông Hoàng nói rằng, ông đã mua tài khoản này từ một “ông Quý” vào tháng 11, và cũng tuyên bố không biết ông Morrison là ai. Ông Hoàng đã lên kế hoạch xóa các nội dung đã đăng trên tài khoản ông Morrison, chủ yếu là các tin cập nhật COVID-19 và các thông cáo báo chí. Ông Hoàng cũng từ chối trả lại tài khoản vì WeChat, thuộc sở hữu của Tencent, đã chấp thuận việc chuyển nhượng.

Một phát biểu của ông Hoàng được đăng trên tờ Brisbane Times cho biết, ông đang chờ lời khuyên từ Tencent.

“Tôi ngại công khai bất cứ điều gì kể từ sự cố này, vì tôi vẫn đang chờ bước tiếp theo”. “Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem liệu Tencent có bao giờ chuyển lại tài khoản này cho Thủ tướng Úc hay không, nhưng tôi nghĩ là không”.

Chuyên gia an ninh mạng người Úc Robert Potter nói với kênh ABC rằng “Khi Tencent không trả lại tài khoản, chính là họ đã đưa ra quyết định xóa Thủ tướng khỏi WeChat, điều này sẽ có tác động đến chính trị trong nước”.

Một số chính trị gia bảo thủ ở Úc (Đảng Tự do của ông Morrison thuộc phe bảo thủ), bao gồm ông Paterson và bà Gladys Liu, ủng hộ một cuộc tẩy chay chính trị đối với WeChat cho đến khi nền tảng này trả lại những người theo dõi tài khoản.

Ông Fergus Ryan thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) là một chuyên gia về việc sử dụng WeChat cho mục đích chính trị, cũng ủng hộ việc tẩy chay này. Năm 2020, ông Ryan đã lập luận rằng "Với cuộc bầu cử liên bang tiếp theo có thể được tổ chức vào năm 2022, bây giờ sẽ là thời điểm tốt để các đảng Tự do và Lao động cùng đồng ý ngừng sử dụng WeChat như một kênh vận động, và bắt tay vào làm luật lưỡng đảng để đặt ra quy phạm pháp luật hợp lý cho nền tảng đầy ảnh hưởng này”.

Việc ông Morrison bị xóa bỏ khỏi WeChat một cách không khách khí khiến ông gặp khó khăn hơn nhiều trong việc kết nối với 1,2 triệu người Úc gốc Hoa những người có xu hướng sử dụng WeChat hơn là những ứng dụng khác, vì nó cho phép họ giao tiếp với gia đình ở Trung Quốc.

WeChat thuộc sở hữu của tập đoàn Tencent của Trung Quốc, được Bắc Kinh cấp cho quyền ưu tiên trong thị trường mạng xã hội của Trung Quốc. Ở Úc, có khoảng 1 triệu người dùng WeChat thường xuyên.

Trụ sở của Tencent ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc, 26/05/2021. (Noel Celis / AFP, qua Getty Images)

Tài khoản chính thức trên WeChat có 2 loại: Tài khoản thuê bao (订阅号), và Tài khoản dịch vụ (服务号). Theo tờ Guardian, tài khoản thuê bao cần được đăng ký bởi một công dân Trung Quốc, nhưng tài khoản dịch vụ thì không. Dù vậy, tài khoản thuê bao có thể hấp dẫn các chính trị gia hơn, vì nó cho phép đẩy thông báo có bài viết mới đến người theo dõi.

Tài khoản của ông Morrison được đăng ký vào năm 2019 dưới tên một công dân Trung Quốc.

Không giống như Thủ tướng Morrison (thuộc Đảng Tự do), các ứng cử viên của Đảng Lao động vẫn giữ được tài khoản của mình. Họ thường xuyên dùng tài khoản để chỉ trích những người bảo thủ trước cử tri Úc.

Những người biện hộ cho Bắc Kinh có thể chỉ ra một thực tế rằng, các tài khoản WeChat vẫn hoạt động bình thường của Đảng Lao động (thật là kỳ lạ, như ông Fergus Ryan thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận xét) không được đăng ký dưới tên một cá nhân nào. Trong mắt những người bênh vực Bắc Kinh, điều này có vẻ hợp pháp hóa hơn một tí việc bán đi những người theo dõi tài khoản ông Morrison, vốn thuộc về một cá nhân Trung Quốc đứng tên tài khoản.

Điều đáng buồn là cách giải thích này đã giải thoát cho Bắc Kinh khỏi tội lỗi. Nhưng đa số sẽ cho rằng, ĐCSTQ vốn đã có thể dễ dàng đảo ngược tình hình, trả lại tài khoản cho Thủ tướng Úc, hoặc là đảm bảo rằng Tencent giải quyết vụ việc tốt hơn.

Thay vào đó, như phóng viên Stephen Dziedzic của Foreign Affairs đã cho hay, Tencent chỉ đơn giản đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng “đó là một tranh chấp về quyền sở hữu tài khoản” và sẽ được xem xét.

Nếu ĐCSTQ, vốn kiểm soát Tencent, thực sự muốn khôi phục tài khoản cho chủ sở hữu hợp pháp của nó — một thủ tướng trong thời kỳ tranh cử, người đã làm việc chăm chỉ để thu hút được 76.000 người theo dõi — thì chắc chắn họ có thể khôi phục nó.

Do đó, việc mua bán này — vốn rất có thể được chính quyền ở Bắc Kinh hậu thuẫn, khuyến khích, và cho phép — là một sự can thiệp thái quá vào chính trị bầu cử của Úc.

Bắc Kinh đối xử ưu đãi với Đảng Lao động của Úc hơn, bởi vì Đảng Tự do (của ông Morrison) đang mua tàu ngầm hạt nhân và chống lại những lời dối trá của ĐCSTQ, thông qua việc yêu cầu điều tra đàng hoàng nguồn gốc của COVID-19. Bắc Kinh muốn trừng phạt những người bảo thủ của Úc (Đảng Tự do), và xóa tài khoản WeChat của ông Morrison là một cách cho họ ăn đòn. Động thái này cũng sẽ ngăn cản các chính trị gia khác trên toàn cầu — những người dựa vào cử tri WeChat — không có các quan điểm quá cứng rắn chống lại Bắc Kinh.

Thủ tướng Scott Morrison đến vận động tranh cử tại nhà hàng hải sản Trung Quốc Golden Century tại Sydney, 15/05/2019. (Tracey Nearmy / Getty Images)

Trong khi các chính trị gia bảo thủ ở Úc ủng hộ thủ tướng của họ trong việc tẩy chay WeChat cho đến khi công ty này đưa ra được lời giải thích, thì lãnh đạo đảng Lao động trung tả đối lập, Anthony Albanese, chỉ nói rằng ông sẽ trao đổi với ông Morrison về vấn đề này. Rốt cuộc thì, ông Albanese đang có cái lợi thế WeChat mà Bắc Kinh đã trao cho. Về những gì Bắc Kinh sẽ nhận lại nếu ông Albanese và các thành viên Đảng Lao động khác đắc cử, thì sau này chúng ta sẽ biết thôi.

Sự can thiệp của Bắc Kinh vào bầu cử ở Úc không chỉ nên bị vạch mặt, lên án, mà còn phải hơn thế nữa. Bắc Kinh có thể kiểm soát việc ai được phép sử dụng WeChat, và các thuật toán của nền tảng này có thể xác định tần suất xem bài đăng của mỗi ứng viên. Những điều này đều mang lại lợi thế cho các đảng phái chính trị mà nó ưa thích.

Một cuộc tẩy chay chính trị đối với WeChat sẽ phơi bày những người bạn của Bắc Kinh trong Đảng Lao động — những người tiếp tục sử dụng nền tảng này. Nhưng nó không đi đến mấu chốt của vấn đề. Vấn đề là việc những gì người dân ở nước Úc dân chủ đọc được đều có thể bị kiểm soát bởi chính quyền toàn trị ở Trung Quốc.

Đưa ứng dụng WeChat vào Úc đã là sai lầm ngay từ đầu. Sai lầm ấy là do một nền thương mại tự do cũ có mộng tưởng về Trung Quốc. Nền thương mại tự do ấy mù quáng trước những bất công phi thường của ĐCSTQ, cũng như mù quáng trước chiến lược sử dụng nó của ĐCSTQ nhằm chống lại nền dân chủ. Các đồng minh của Úc cũng mắc phải sai lầm tương tự.

Mọi thứ giờ đã khác. Chừng nào Bắc Kinh vẫn còn cấm Twitter, Facebook, và Google, đồng thời vẫn còn có kế hoạch bá chủ toàn cầu, như hầu hết các chuyên gia Trung Quốc công nhận hiện nay, thì chúng ta nên sửa chữa những sai lầm của mình và cấm WeChat cùng với các sản phẩm khác của Tencent.

Động thái cấm Tencent để đối phó với sự can thiệp chính trị của hãng này có thể gây ra phản ứng dữ dội trong cử tri Trung Quốc ở Úc. Nhưng buông tha cho Tencent sẽ là nhân nhượng sự bắt nạt của Bắc Kinh. Buông tha cho Tencent cũng đồng nghĩa với việc duy trì một sân chơi không bình đẳng cho các công ty mạng xã hội phương Tây và các chính trị gia bảo thủ, tất cả họ đều bị Bắc Kinh phân biệt đối xử.

Vấn đề thực sự không chỉ nằm ở việc ăn miếng trả miếng, mà còn là vấn đề đạo đức. Cho phép Bắc Kinh sử dụng quyền tự do trên đất nước chúng ta để chống lại chính chúng ta là việc trái đạo đức. Bắc Kinh thậm chí còn không cho phép công dân Trung Quốc có những quyền tự do ấy trên mảnh đất của chính họ. ĐCSTQ đang lợi dụng các quyền tự do của chúng ta cho lợi ích của chính nó. Thủ tướng đương nhiệm của Úc, người tương đối cứng rắn với Trung Quốc, có thể lãnh hậu quả là mất đi vị trí của mình. Việc này sẽ làm suy giảm an ninh quốc phòng của Úc một cách không thể chấp nhận được.

Chúng ta phải thay đổi văn hóa của chính mình. Không nên cho phép nhiều mạng xã hội của chủ nghĩa toàn trị làm lệch lạc ý kiến ​​cử tri, nhằm chống lại nền tự do của chúng ta. Úc và các đồng minh tối thiểu phải cấm WeChat và các tài khoản mạng xã hội chính thức của Trung Quốc. Sự kiện Morrison đã là giọt nước làm tràn ly rồi.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Anders Corr hoàn thành bằng Cử nhân / Thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001), và bằng Tiến sĩ về Chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc. — nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk). Ông cũng đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và Châu Á. Những cuốn sách mới nhất của ông là "Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống phân cấp, và Quyền bá chủ" (2021), và "Các quốc gia có thế lực lớn, Các chiến lược rất lớn: Cuộc chơi mới ở Biển Đông" (2018).

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Úc làm phật ý Trung Quốc: Tài khoản WeChat 76.000 người theo dõi bị đổi chủ