Thủ tướng Vanuatu ủng hộ Bắc Kinh và những thay đổi hiến pháp sau khi bị phe đối lập tẩy chay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Cộng hòa Vanuatu đã đề xuất những thay đổi đối với Hiến pháp của nước này, cho phép công dân nước ngoài giữ chức vụ và gia hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Nghị viện. Những thay đổi gây tranh cãi trên diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng các thể chế dân chủ trên khắp Nam Thái Bình Dương đang bị suy yếu khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.

Chính phủ Cộng hòa Vanuatu, một quốc đảo ở Tây Nam Thái Bình Dương, cách Úc 1.750km về phía đông, đã đề xuất những thay đổi đối với Hiến pháp của nước này, cho phép công dân nước ngoài giữ chức vụ và gia hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Nghị viện.

Vào ngày 21/6, Thủ tướng Bob Loughman đã buộc phải bãi bỏ các sửa đổi sau khi phe đối lập từ chối tham dự Nghị viện để xem xét các thay đổi. Chỉ có 31 trong số 52 nghị sĩ có mặt, Nghị viện thiếu túc số (34 nghị sĩ).

Những thay đổi được đề xuất bao gồm việc kéo dài nhiệm kỳ của các nghị sĩ từ bốn lên năm năm, giới hạn nhiệm kỳ cho chánh án, cho phép công dân song tịch nắm giữ các chức vụ công và mở rộng định nghĩa "công dân Vanuatu" để bao gồm cả công dân nhập tịch, điều này có thể bao gồm khoảng 1.200 nhà đầu tư nhập cư Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đối lập Ralph Regenvanu chỉ trích đề xuất nói rằng những thay đổi đối với Hiến pháp cần phải được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý để xem phản ứng của công chúng như thế nào, theo các bình luận của Đài phát thanh New Zealand.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh làm suy yếu các thể chế dân chủ

Chuyên gia Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã cảnh báo rằng, những diễn biến ở Vanuatu cũng phản ánh những diễn biến của các quốc gia Thái Bình Dương khác như Quần đảo Solomon, nơi các thể chế dân chủ đang bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Bà Paskal nói, sợi dây liên kết chung là sự xuất hiện của chủ nghĩa độc tài và mối quan hệ sâu sắc với ĐCSTQ.

“Quý vị bắt đầu nhận thấy sự méo mó này đã tạo ra cơn phẫn nộ trong xã hội. Nếu quý vị xuất thân từ một nền dân chủ, quý vị cho rằng đó là một điều tồi tệ", bà Paskal từng nói với The Epoch Times. “Nhưng nếu quý vị chấp nhận tiền đề chiến tranh hỗn loạn này là kết quả mong muốn từ Bắc Kinh, thì quý vị sẽ thực sự muốn tạo ra sự xáo trộn trong xã hội".

Ảnh của Epoch Times
Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman Weibur (ở giữa) hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên trái) trong lễ ký kết các thỏa thuận giữa hai nước tại thủ đô Port Vila, hôm 1/6/2022. (Ảnh: Ginny Stein/AFP/Getty Images )

“Sau đó, các phần tử lãnh đạo độc tài ngày càng bị cô lập khỏi dân chúng và cộng đồng quốc tế, đồng thời trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh”, bà Paskal cho hay.

Một số triệu chứng của mối quan hệ này bao gồm sự tham gia ngày càng nhiều của các nhân vật có liên hệ với ĐCSTQ trong việc ra quyết định, thao túng quy trình dân chủ và nắm nhiều quyền lực hơn trong hệ thống chính quyền trung ương.

Mối quan hệ sâu sắc của thủ tướng Vanuatu với Bắc Kinh không còn là điều bí mật. Ông Loughman là một trong tám nhà lãnh đạo Thái Bình Dương được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến thăm trong chuyến công du Nam Thái Bình Dương gần đây.

Hơn nữa, Vanuatu, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Kiribati gần đây đã ủng hộ một tuyên bố do Cuba đưa ra tại Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, kêu gọi các nước ngừng xem xét kỹ lưỡng các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

"Các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc", tuyên bố khẳng định.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Vanuatu ủng hộ Bắc Kinh và những thay đổi hiến pháp sau khi bị phe đối lập tẩy chay