Thượng đỉnh G7 siết chặt trừng phạt Nga, kiềm chế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được khai mạc tại Nhật Bản vào ngày 19/5. Truyền thông Anh tiết lộ, hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và hạn chế việc Moscow hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến Nga - Ukraine. Ngoài ra, tuyên bố chung của G7 cũng sẽ tập trung vào ‘sự cưỡng bức kinh tế’ của Bắc Kinh đối với thương mại của các nước khác.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19/5 đến ngày 21/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Ý.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, các nhà lãnh đạo của các nước G7 có kế hoạch tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga tại hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là chống lại các biện pháp né tránh lệnh trừng phạt của Nga liên quan đến quốc gia thứ ba. Điều này sẽ ngăn cản quá trình sản xuất năng lượng của Nga trong tương lai và hạn chế thương mại hỗ trợ cho quân đội Nga.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - quốc gia chủ tịch G7 cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với Ukraine và đã đạt được tiến bộ trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính. Chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực chia sẻ thông tin như một phần của các biện pháp đối phó với sự né tránh trừng phạt của Nga”.

Trước đó, chính quyền ông Biden đã kêu gọi đồng minh G7 điều chỉnh các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong khi các đồng minh vẫn chưa nhất trí về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, các quan chức chính quyền Mỹ vẫn mong đợi G7 sẽ áp đặt một biện pháp tương tự đối với Moscow.

“Các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine dự kiến ​​sẽ được điều chỉnh ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đề nghị ẩn danh cho biết.

Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng đang tìm cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, từ thương mại xuất khẩu và giới hạn giá năng lượng cho đến chính sách thị thực của Moscow. Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ lại có quan điểm khác, chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận về vòng trừng phạt thứ 11 kể từ khi nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine. Hầu hết các biện pháp trừng phạt này nhắm vào các cá nhân và quốc gia lách luật hạn chế thương mại hiện có.

Theo nhiều nguồn tin, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các Bộ trưởng G7 cũng thảo luận về cách đối phó với Trung Quốc.

Do đó, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh muốn ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển. Trong khi đó, các bộ trưởng G7 khác đã đưa ra ý tưởng kiểm soát đầu tư có mục tiêu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhật Bản rất thận trọng với ý tưởng này, vì tác động của nó đối với nền kinh tế Tokyo và thương mại toàn cầu sẽ rất lớn. Hơn nữa, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc sẽ phải được G7 cân nhắc kỹ lưỡng vì nó có thể khiến Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn. Điều này chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến cuộc xung đột Nga - Ukraine mà phương Tây đang nỗ lực để chiếm thế thượng phong.

Phản ứng của Bắc Kinh

Trước đó, tờ Reuters cũng dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ nắm rõ tình hình tiết lộ, lãnh đạo các nước G7 sẽ ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, trong đó nêu rõ cách G7 hợp tác để đối phó với sự chèn ép kinh tế từ bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là từ chính quyền Bắc Kinh.

Quan chức chính phủ Mỹ cho biết, tuyên bố chính của hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 sẽ đề cập đến một phần và một loạt vấn đề cụ thể đối với Bắc Kinh, trong đó có việc G7 đã thấy rõ hành vi cưỡng bức kinh tế và các hành vi thiếu thân thiện khác của Bắc Kinh đối với các quốc gia khác.

Nội dung của hội nghị thượng đỉnh G7 về an ninh kinh tế sẽ đề cập đến các kế hoạch liên quan và nhiều biện pháp hơn để chống lại các hành vi cưỡng bức kinh tế này.

Ngày 15/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trước câu hỏi liệu hội nghị thượng đỉnh G7 có thể đưa ra nội dung nhấn mạnh cuộc chiến chống lại sự ép buộc kinh tế và loại trừ Bắc Kinh ra khỏi các lĩnh vực chất bán dẫn và khoáng sản trọng yếu hay không, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) phản hồi rằng Mỹ mới là quốc gia "ép buộc kinh tế".

Ông lập luận rằng, đó là lý do G7 nên yêu cầu Hoa Kỳ ngay lập tức ngừng đàn áp và kiềm chế các quốc gia khác nhân danh an ninh quốc gia; ngừng phá vỡ sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời ngừng phân chia thế giới thành hai thị trường và hai hệ thống lớn.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thượng đỉnh G7 siết chặt trừng phạt Nga, kiềm chế Trung Quốc