Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu luật tỵ nạn cho người Hồng Kông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Sasse đã công bố kế hoạch đệ trình luật mới trong tuần này để tự động cấp quy chế xin tỵ nạn cho người Hồng Kông tại Hoa Kỳ.

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng phá vỡ các cam kết thực hiện nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết về vấn đề Hồng Kông đã cho thế giới thấy rằng Bắc Kinh không đáng tin tưởng trong bất kỳ thỏa thuận nào, ông Sasse, một thành viên của Ủy ban Đặc biệt thuộc Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, chia sẻ trong một thông cáo báo chí ngày 30/5 từ văn phòng của ông.

Ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc - Cơ quan lập pháp “bù nhìn” của Trung Quốc, đã thông qua Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, cho phép bộ máy an ninh Bắc Kinh được hoạt động tại đặc khu này.

Một ngày sau quyết định của Quốc hội Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định cắt đứt quan hệ với Hồng Kông, và dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp như thu hồi tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông với Hoa Kỳ và thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông.

Ngày 31/5, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News, rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông xem xét lại mọi đối xử ưu đãi từ Mỹ mà Hồng Kông đang được hưởng và tiến hành các biện pháp để loại bỏ ưu đãi này.

Hiện tại, theo luật của Hoa Kỳ, Hồng Kông được hưởng nhiều quyền ưu đãi đặc biệt mà Trung Quốc không được hưởng. Tại một cuộc họp ngắn ngày 29/5 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Hoa Kỳ (USCC), ưu đãi này bao gồm việc công nhận Hồng Kông là một lãnh thổ hải quan riêng biệt với các điều khoản khác nhau về tiếp cận xuất khẩu công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Đầu tuần trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hồng Kông không còn “quyền tự trị” trước Trung Quốc khi ông báo cáo Quốc hội Hoa Kỳ bản đánh giá thường niên về Hồng Kông theo yêu cầu của Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019.

“Nạn nhân của ĐCSTQ sẽ luôn tìm nơi trú ẩn ở Hoa Kỳ”, ông Sasse nói thêm. “Những người Hồng Kông dũng cảm không hề sợ hãi trước mối đe dọa đàn áp của ĐCSTQ sẽ tìm thấy sự an toàn ở đây cho đến khi quê nhà của họ được tự do”.

Thông cáo báo chí không nêu rõ giấy tờ bắt buộc người Hồng Kông phải có để nộp đơn xin tị nạn tại Hoa Kỳ.

Kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông vào tháng 6/2019, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 8.000 người. Đã có nhiều trường hợp người biểu tình và nhà báo Hồng Kông là nạn nhân của bạo lực cảnh sát.

Tính đến tháng 2/2020, cảnh sát đã bắn 16.191 viên đạn hơi cay, 10.100 viên đạn cao su, 2.033 viên đạn nhựa và sử dụng 1.491 chai xịt hơi cay, để giải tán người biểu tình, theo báo cáo của cơ quan giám sát cảnh sát thành phố.

Cơ quan giám sát là Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập, đã bị Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ trích vì thiếu độc lập, do các thành viên của cơ quan này là do Đặc khu trưởng của Hồng Kông bổ nhiệm. Cơ quan này không có quyền hạn điều tra và không thể kêu gọi hoặc bảo vệ các nhân chứng của chính mình.

Ngày 26/5, RSF, Tổ chức Phóng viên không biên giới, đã cảnh báo rằng Luật an ninh quốc gia sẽ gây nguy hiểm cho tự do báo chí ở Hồng Kông.

Ông Cédric Alviani, người đứng đầu Văn phòng đại diện của RSF ở Đông Á cho biết, an ninh quốc gia là lý do mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để biện minh cho việc giam giữ các nhà báo bị với lí do là có nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của họ, đôi khi còn chính quyền này còn áp mức bản án chung thân đối với các nhà báo này.

Ngày 28/5, Liên đoàn Lao động và Hiệp hội các Tổ chức Công nghiệp Hoa Kỳ (AFL - CIO), liên minh lao động lớn nhất Hoa Kỳ, đã trao giải thưởng nhân quyền hàng năm, Giải thưởng Nhân quyền George Meany-Lane Kirkland, cho Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), một liên minh các nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hồng Kông.

Tôi tự hào được sát cánh cùng họ khi họ đấu tranh để tạo ra một nền tảng rộng lớn cho các đoàn thể, các tổ chức dân sự và nhân quyền và các đồng minh khác nhằm phối hợp và thúc đẩy một chương trình nghị sự vì dân chủ và nhân quyền cơ bản cũng như quyền cơ bản của người lao động, chủ tịch của AFL - CIO, ông Richard Trumka phát biểu trong một thông cáo báo chí.

Ông Trumka kêu gọi chính phủ Hồng Kông thân Bắc Kinh hủy các cáo buộc chống lại 15 nhà hoạt động dân chủ, trong đó có đại diện của CHRF, ông Figo Chan, người đã bị bắt vào tháng 4/2020. Trong một tuyên bố ngày 31/5, CHRF nói rằng giải thưởng này thuộc về tất cả những người đã tham gia vào cuộc biểu tình đang diễn ra cho các quyền tự do cơ bản trong thành phố.

“Tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp tục nỗ lực trong tương lai, để tiếp tục lời kêu gọi của chúng tôi đối với năm yêu cầu, và phản đối Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh”, CHRF tuyên bố. Năm yêu cầu có bao gồm cả một cuộc điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu luật tỵ nạn cho người Hồng Kông