Thượng viện Mỹ duyệt dự luật trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đang liên tiếp ra đòn nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần nhất là dự luật trừng phạt Bắc Kinh về luật an ninh Hong Kong.

Dự luật Quyền tự chủ Hong Kong do thượng nghị sĩ Van Hollen đề xuất được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 25/6 bằng hình thức đồng thuận. Đây là phương pháp được sử dụng để thông qua những dự luật không gây tranh cãi và không có thượng nghị sĩ nào phản đối, theo hãng tin AFP.

Dự luật sẽ giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt những cá nhân, tổ chức thực thi luật an ninh Hong Kong. Luật này đã vi phạm cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật Cơ bản.

Theo dự luật, đối tượng bị trừng phạt có thể là:

  • Các cá nhân thực thi luật an ninh Hong Kong như các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đại lục và cảnh sát Hong Kong.
  • Bất kỳ tổ chức tài chính, ngân hàng nào làm việc với những cá nhân trên.

Để trở thành luật chính thức, dự luật cần được Hạ viện Mỹ phê chuẩn và Tổng thống Trump ký duyệt.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen nói dự luật gửi một thông điệp rõ ràng rằng nếu ĐCSTQ tiến hành hủy hoại quyền tự trị của Hong Kong thì họ sẽ phải lãnh hậu quả.

Giới phân tích nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang phải xử lý các vấn đề phức tạp với Trung Quốc trong cùng một lúc. Một mặt, Mỹ vẫn muốn duy trì thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Trump cũng không muốn nương nhẹ với ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền (người Duy Ngô Nhĩ), Hong Kong,...

Điều khoản của luật an ninh Hong Kong

Cuối tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã tiết lộ các điều khoản chính thức của dự luật an ninh Hong Kong.

Theo dự luật, ĐCSTQ sẽ thành lập một cơ quan có tên là Văn phòng Ủy viên An ninh Quốc gia Trung Quốc đại lục tại Đặc khu Hành chính Hong Kong. Cơ quan này chịu trách nhiệm "phân tích tình hình an ninh quốc gia ở Hong Kong" và "đưa ra khuyến nghị về các chiến lược và chính sách quan trọng".

Văn phòng này sẽ "theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ" chính quyền đặc khu trong "bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia" và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh. Cơ quan này và các "cơ quan nhà nước có liên quan" của đại lục cũng sẽ thực thi quyền tư pháp với một số vụ đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, chính quyền Hong Kong sẽ thành lập một "ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia" do trưởng đặc khu đứng đầu, với ít nhất 10 ủy viên, trong đó có cảnh sát trưởng và quan chức đứng đầu ngành hải quan. Ủy ban an ninh này sẽ có một ủy viên là cố vấn chính quyền trung ương, trong khi trưởng đặc khu Hong Kong có quyền chỉ định các thẩm phán từ bộ máy tư pháp hiện nay để chủ trì các phiên tòa.

Mỹ liên tiếp ra đòn nhằm vào ĐCS Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/6 cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời của châu Âu để tham dự “đối thoại Mỹ - Liên minh châu Âu về Trung Quốc”.

"Chúng ta phải hợp tác để tiếp tục sự tỉnh táo xuyên Đại Tây Dương đối với thách thức từ Trung Quốc vì lợi ích gìn giữ xã hội tự do, sự thịnh vượng và tương lai của chúng ta", Ngoại trưởng Pompeo nói, đồng thời khẳng định ông "không muốn tương lai bị định hình bởi chính quyền Trung Quốc", theo SCMP.

Bên cạnh đó, ngay trong tuần này, các nhà lập pháp Mỹ đã hành động để mở lối cho các đơn kiện tư nhân nhằm vào ĐCSTQ vì những tổn thất đến từ đại dịch corona (Covid-19).

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp thuế bổ sung nhằm vào ngành hải sản của Trung Quốc.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Thượng viện Mỹ duyệt dự luật trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong