Thuỵ Điển: Biểu tình phản đối gia nhập NATO, đốt kinh Koran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án mạnh mẽ hành động đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình của những người Thuỵ Điển phản đối gia nhập NATO. Việc này diễn ra trong bối cảnh đơn xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển đang rất cần hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia Bắc Âu ôn hoà đã trở nên chia rẽ hơn trước mong muốn gia nhập khối NATO của chính quyền. Các cuộc biểu tình chống lại nỗ lực này đã diễn ra ở Stockhom.

Theo tin từ Reuters, một cuộc biểu tình hôm thứ Bảy (21/1/2023) chống lại nỗ lực gia nhập NATO đã diễn ra. Những người biểu tình thậm chí đã đốt kinh Koran gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước trước bối cảnh Thuỵ Điển cần hậu thuẫn của Ankata để gia nhập liên minh quân sự NATO.

Việc đốt kinh Koran được thực hiện bởi Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch. Ông Paludan, người cũng có quốc tịch Thụy Điển, trước đây đã tổ chức một số cuộc biểu tình đốt kinh Koran, theo Reuters. Hiện Reuters cho biết phóng viên của họ chưa nhận được sự phản hồi nào từ chính trị gia Rasmus Paludan.

Hành động này lập tức bị Thổ Nhĩ Kỳ lên án. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đối với cuộc tấn công hèn hạ vào cuốn sách thiêng liêng của chúng tôi... Việc cho phép thực hiện hành động chống đạo Hồi nhắm vào người Hồi giáo và xúc phạm các giá trị thiêng liêng của chúng tôi dưới chiêu bài tự do ngôn luận là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chính quyền Thuỵ Điển: "Cuộc biểu tình này là sự vi phạm trắng trợn cam kết của Thụy Điển theo Bản ghi nhớ ba bên về việc ngăn chặn tuyên truyền của các tổ chức khủng bố".

Tại Stockhom hôm qua, một cuộc biểu tình khác ủng hộ người Hồi giáo Kurd và chống chống lại nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, một nhóm người biểu tình ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức mít tinh bên ngoài đại sứ quán. Cả ba sự kiện đều có giấy phép của cảnh sát.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, ông Tobias Billstrom lập tức liên tiếng rằng các hành động khiêu khích bài Hồi giáo thật kinh khủng.

"Sự khiêu khích người Hồi giáo thật kinh khủng. Thụy Điển có quyền tự do ngôn luận sâu rộng, nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Thụy Điển, hoặc bản thân tôi, ủng hộ các hành vi như vậy", ông Billstrom viết trên Twitter.

Chỉ vài giờ sau cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở Stockhom, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình tại thủ đô Istabul. Người biểu tình đốt cờ Thuỵ Điển, theo Euro News.

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Kuwait đã tố cáo việc đốt kinh Koran. "Ả Rập Xê Út kêu gọi truyền bá các giá trị đối thoại, khoan dung và cùng tồn tại, đồng thời bác bỏ hận thù và chủ nghĩa cực đoan", Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố.

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Việc gia nhập NATO chỉ có thể thành công nếu tất cả 30 quốc gia thành viên đều chấp thuận.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trước khi gia nhập NATO, Thuỵ Điển cần phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại các hành vi khủng bố, chủ yếu các là các chiến binh người Kurd và nhóm người mà Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho âm mưu đảo chính năm 2016.

Quang Nhật tổng hợp

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Thuỵ Điển: Biểu tình phản đối gia nhập NATO, đốt kinh Koran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ