Thụy Điển giới thiệu thiết bị vi mạch có thể lưu trữ hộ chiếu COVID dưới da

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty khởi nghiệp Thụy Điển Epicenter tiết lộ thiết bị cấy vi mạch có kích thước bằng hạt gạo giúp lưu hộ chiếu vaccine COVID dưới da của bạn. Một thiết bị có giao tiếp trường gần có thể truy cập thông tin qua chip và trạng thái tiêm chủng xuất hiện trên màn hình.

Mail Online đưa tin, Epicenter, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Stockholm, đã tiết lộ một cách mang hộ chiếu vaccine COVID mới trong một vi mạch được cấy dưới da của bạn.

Thiết bị cấy ghép có thể được đọc bởi bất kỳ thiết bị nào sử dụng giao thức giao tiếp trường gần (NFC) - công nghệ được sử dụng cho thanh toán không tiếp xúc và hệ thống đăng nhập không cần chìa khóa.

Trong một video được Epicenter chia sẻ, ông Hannes Sjöblad, giám đốc phân phối, cầm con chip trong tay và chỉ cần vẫy một chiếc điện thoại thông minh qua nó để xem tình trạng tiêm chủng của mình.

Ông cho biết: “Cấy ghép là công nghệ rất linh hoạt có thể được sử dụng cho nhiều việc khác nhau và hiện tại rất thuận tiện để có hộ chiếu COVID luôn có thể truy cập được trên bộ phận cấy ghép của bạn.

Vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19, bệnh do SARS-CoV-2 gây ra, là một đại dịch.

Kể từ đó, virus đã hoành hành trên khắp thế giới, đóng cửa các doanh nghiệp và buộc mọi người chỉ ở trong nhà của họ trong nhiều tháng.

Mặc dù các đợt phong tỏa đã được nới lỏng trên toàn thế giới, nhưng coronavirus vẫn đang tiếp tục lây lan và đột biến thành các biến thể mới dễ lây lan hơn.

Tuy nhiên, thế giới hiện đã có quyền truy cập vào vaccine, giúp giảm bớt các triệu chứng của virus chết người. Thông tin về tình trạng vaccine được cung cấp dưới dạng giấy hoặc kỹ thuật số được gọi là hộ chiếu COVID.

Nhiều địa điểm, nhà hàng, quán bar, phòng hòa nhạc và bảo tàng trên khắp nước Mỹ đang yêu cầu du khách xuất trình bằng chứng tiêm chủng để được vào các cở sở này.

Và Epicenter muốn giúp việc trình bày thông tin này trở nên dễ dàng nhất có thể.

'Bạn luôn có thể truy cập dữ liệu vaccine trong điện thoại kể cả khi nó hết pin. Vì vậy, tất nhiên, đó là cách chúng tôi sử dụng công nghệ này ngày hôm nay. Năm sau, chúng tôi sẽ sử dụng nó cho một thứ khác', ông Sjoblad nói.

Vi mạch nằm ngay dưới da, ở cánh tay hoặc giữa ngón cái và ngón trỏ.

Theo ông Sjöblad, quy trình này 'hoàn toàn có thể đảo ngược' và không yêu cầu ứng dụng điện thoại đặc biệt.

Vi mạch được cấy ghép của Epicenter không phải là một cải tiến mới, vì công ty đã sử dụng nó trong nhiều năm, với chính nhân viên của mình.

Năm 2015, công ty tuyên bố đã cấy vi mạch vào hơn 100 nhân viên của mình, cho phép họ mở cửa, vận hành máy in hoặc mua sinh tố chỉ bằng một cái vẫy tay.

Con chip được cấy bằng một ống tiêm đơn giản và chỉ với một cú nhấp chuột, một con chip vi mạch sẽ được tiêm vào tay nhân viên.

Khi được kích hoạt bởi một đầu đọc cách đó vài cm, một lượng nhỏ dữ liệu sẽ truyền giữa hai thiết bị thông qua sóng điện từ.

Và mặc dù hộ chiếu vi mạch vẫn chưa sẵn sàng để đưa ra thị trường, nhưng có thể an tâm cho rằng đó là cách chúng sẽ được cấy ghép.

Patrick Mesterton, người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Epicenter, cho biết trong một tuyên bố năm 2017 rằng lợi ích lớn nhất của thiết bị là sự tiện lợi.

'Về cơ bản, nó thay thế rất nhiều thứ bạn có, các thiết bị liên lạc khác, cho dù đó là thẻ tín dụng hay chìa khóa'.

Theo Fox News, Three Square Market, một công ty công nghệ có trụ sở tại Wisconsin, đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên cung cấp cho nhân viên của mình những bộ vi mạch cấy ghép miễn phí tương tự vào tháng 8/2017. Con chip này cho phép nhân viên truy cập vào các phòng có khóa và có thể thanh toán đồ ăn thức uống trong giờ nghỉ.

"Cuối cùng, công nghệ này sẽ trở thành tiêu chuẩn hóa cho phép bạn sử dụng nó làm hộ chiếu, phương tiện công cộng, tất cả các cơ hội mua hàng, v.v.", Todd Westby, Giám đốc điều hành Three Square Market vào thời điểm đó cho biết.

Vaccine Pfizer COVID-19 được tiêm tại một phòng khám pop-up cung cấp vaccine và mũi tăng cường lại ở Rosemead, California, vào ngày 29/11/2021. (FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Công nghệ mà công ty sử dụng được gọi là RFID (Radio-Frequency Identification), sử dụng các trường điện từ để xác định thông tin được lưu trữ điện tử. Các con chip này cũng sử dụng giao tiếp trường gần (NFC), cùng một loại công nghệ được sử dụng trong hầu hết các loại thẻ tín dụng không tiếp xúc và thanh toán di động.

Ông Westby cho biết vào thời điểm đó rằng, những vi mạch này đã trở nên rất phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Giờ đây nó đã đến Hoa Kỳ và có thể trở thành hộ chiếu COVID, Fox News cho hay.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Thụy Điển giới thiệu thiết bị vi mạch có thể lưu trữ hộ chiếu COVID dưới da